Cách đặt bàn thờ thần linh

(khoahocdoisong.vn) - Đối với người Việt, thờ cúng tổ tiên gần như trở thành tôn giáo, gia đình nào cũng có bàn thờ tổ tiên trong nhà, tượng trưng cho lòng thành kính của người Việt đối với cha mẹ, ông bà, cụ kỵ. Ngoài bàn thờ tổ tiên còn có nhiều bàn thờ khác, phù hợp với tư duy, quan niệm của mỗi người.

Bàn thờ thần linh

Thường được đặt chung với bàn thờ gia tiên. Bát nhang thờ thần linh đặt chính giữa và cao hơn hai bát nhang còn lại. Đằng sau bát nhang có lư đồng sau nữa là bài vị thờ thần. Thường chỉ có một chữ Thần hay chữ Thần Tiên Linh ứng, phía trước có 3 ly nước. 

  Các bàn thờ Vọng, Thánh, Thần linh cần cao hơn đầu của người cao nhất trong gia đình. 

Những người kinh doanh buôn bán thường lập bàn thờ thần Tài, Thổ địa, họ tin rằng “đất có thổ công, sông có hà bá...” nên khi buôn bán, thuê địa điểm kinh doanh đều phải có lập bàn thờ thần tài thổ địa. Trường hợp không kinh doanh buôn bán có thể chỉ thờ thần Tài là đủ, vì có người quan niệm rằng, ông Địa đang ngự chung với thần Táo tại bếp.

Theo quan niệm dân gian Việt Nam, thần Tài là vị thần trông coi tiền tài, vàng bạc, mang đặc trưng của công việc giao thương buôn bán, kinh tế. Còn ông Địa là vị thần hộ mệnh, cai quản vùng trời, đất đai, phù hộ mùa màng bội thu, phù hộ con người và gia súc trong xóm làng. Ông Địa mang đặc trưng của kinh tế nông nghiệp.

Thần Tài - ông Địa giúp cho gia chủ đang kinh doanh buôn bán thuận lợi và phát triển. Bàn thờ thần tài thường thấy có ba vị đó là:

Thần Phát Triệu Công Minh.  Theo truyền thuyết xa xưa đời nhà Tần, Triệu Công Minh lánh đời tu tại núi Chung Nam, Thiểm Tây, Trung Quốc. Khi đắc đạo, ông coi việc đuổi trừ ôn dịch, cứu bệnh trừ tà. Hơn nữa, ai bị oan ức đến cầu cứu ông thì được giúp đỡ. Người buôn bán thì cầu ông để làm ăn được phát đạt may mắn.

Ông Địa thông thường có 5 ông: Đông phương Thanh đế, Tây phương Bạch đế, Nam phương Xích đế, Bắc phương Hắc đế và Trung phương Huỳnh đế. Bàn thờ ông Địa tuyệt đối không nên cắm thuốc lá, vì khi tàn thuốc rơi sẽ làm bẩn bàn thờ.

Thần Tài gồm có 5 ông: Hắc thần Tài, Thanh thần Tài, Bạch thần Tài , Xích thần Tài và Hoàng thần Tài là vị chủ chốt để chiêu tài lộc cho ban thờ thần tài.

Cách bài trí: Ở trong cùng trang thờ có bài vị, chính giữa là ông Thần Phát (nhiều nơi không thờ ông này), ông Địa, thần Tài ở 2 bên, trước có 3 hũ: Gạo (hay trà khô), muối, nước, bên phải có thần Cóc ngậm tiền, bên trái có Long Quy; Phía trước chính giữa là bát hương, bên phải là trái cây, bánh trái, bên trái là bình hoa (thuyết thanh long, bạch hổ là phía trong nhìn ra); phía trước bát hương có 5 ly nước, ngoài ra ở ngoài cùng có thêm một thố, tô nước thả những cánh hoa, tạo thành minh đường tụ thủy chiêu tài.

Bàn thờ thần tài và ông Địa thường được lập chung để cúng hai vị thần này suốt năm, đặc biệt là tại các cửa hàng hoặc những hộ gia đình kinh doanh buôn bán thì việc thờ cúng hai vị thần này luôn được chú trọng, để được phù hộ buôn may bán đắt.

Nơi đặt bàn thờ thần Tài

Bàn thờ thần Tài – ông Địa đặt đúng nguyên tắc là phải kê bàn thờ thần tài tại vị trí quan sát được hết sự vào ra của khách đến cửa hàng. Có 2 hướng nên chú ý để chọn khi đặt bàn thờ. Một là theo hướng tốt của chủ cửa hàng nhưng tránh ngược hướng với cửa chính, hai là theo hướng đón lộc. Khi đặt bàn thờ thần tài nên chọn lấy các cung Thiên lộc, Quý nhân để có thể thu nhận được nhiều tài lộc.

Cung Thiên lộc nằm ở hướng Đông Nam, mang lại những may mắn về tiền bạc, gia sản thăng tiến, nhà cửa hưng vượng. Không những thế, đặt bàn thờ nằm trong cung này sẽ khiến cho chủ shop, cửa hàng, có sức khỏe tốt, thông minh, tuấn tú lại khéo léo, tài năng kinh doanh giỏi, làm ăn tiến phát.

Cung Quý nhân, theo quan niệm dân gian, Quý nhân, Thiên Ất là vị thần linh thiêng, chí tôn đứng đầu trong cát thần nằm ở hướng Tây Bắc – đặt bàn thờ ở hướng kê bàn thờ thần tài này, chủ cửa hàng sẽ nhận được sự giúp đỡ từ những người khác. Đặt bàn thờ ở cung này sẽ được bình an, hỷ khí đầy nhà, làm ăn buôn bán may mắn.

Trong cách bài trí bàn thờ thần Tài nên đặt ở gần cửa chính. Tuy nhiên do đặc tính khu vực này thường xuyên có nhiều người ra vào. Vì vậy gia chủ nên đặt chậu cây cảnh, hay dùng tủ kệ để che chắn. Trường hợp vị trí không thuận tiện, có thể đặt ngang hướng ra cửa chính nhưng phải đón được dòng khí cát lợi từ ngoài vào.

Bàn thờ thiên- ngoài trời

Ở Nam bộ, hình thức thờ Trời được thể hiện bằng bàn Thiên được đặt trước cửa nhà. Bàn Thiên ở Nam Bộ rất đơn giản. Trụ cột cao độ 1,2 - 1,5m (bằng đá, gỗ hoặc gạch), trên có bệ thờ vuông, với một bát hương, một lọ hoa, ba ly nước lã, có nơi thêm vào một hủ gạo và một hũ muối.

Bàn Thiên thường được dựng trước sân nhà. Nếu sân đất, người ta có thể tráng xi măng hoặc lót gạch chung quanh bàn Thiên cho sạch sẽ. Ở vùng thị tứ, chợ búa, bàn Thiên thường đặt trên sân thượng. Mỗi sáng, tối gia chủ thắp hương khấn nguyện trời đất rồi xá bốn phương. Tuy đơn giản là thế, nhưng bàn Thiên ở Nam Bộ chứa biết bao tình cảm thiêng liêng của con người, là nơi con người gửi gắm bao ước mơ cao đẹp, mong muốn có được một cuộc sống bình an, hạnh phúc.

Đối với bàn thiên, do bốn phương tám hướng đều là ngoài trời, cho nên vấn đề hướng không cần câu nệ. Nhưng vẫn cần phải lưu ý đến việc giữ được tính trang nghiêm, không nên đặt ở các góc quá khuất, cũng nên tránh hướng ra những chỗ thiếu quang đãng hoặc góc hẹp để người thắp hương khó hành lễ. 

Quan niệm cha ông ta là nên thắp nhang cúng trời đất vào các thời khắc âm dương giao hòa, lúc chạng vạng nhá nhem, tranh tối tranh sáng là giờ Mão (khoảng 5-7 giờ sáng) và vào giờ Dậu (khoảng 5-7 giờ chiều tối). 

Chuyên gia phong thủy Đỗ Ngọc Tám (TT Tư vấn ứng dụng tiềm năng con người TPHCM)

Theo Đời sống
back to top