Cách chống tai biến khi cho ong đốt vào huyệt vị châm cứu

Ong đốt vào huyệt vị châm cứu có thể ứng dụng trị nhiều chứng bệnh như đau thần kinh hông to, đau nửa đầu, đau quặn mật, hen phế quản, mày đay, viêm mũi dị ứng, hội chứng tiền đình…Tuy nhiên, phải tuân thủ triệt để một số điểm để tránh tai biến.
ong đốt

Ong đốt vào các huyệt vị cẩn thận tai biến.

Hỏi: Tôi nghe nói phương pháp cho ong đốt vào huyệt vị châm cứu có thể chữa được nhiều bệnh có đúng không và có nên áp dụng không?

Lê Thanh Hằng (Hà Nội)

ThS Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện TƯQĐ 108: Trong y học cổ truyền, phương pháp dùng ong đốt vào huyệt vị châm cứu để chữa bệnh đã có một lịch sử lâu đời và lưu hành rất sớm trong dân gian. Được gọi là Phong độc liệu pháp.

Ban đầu, cổ nhân thường dùng để chữa Tý chứng (các bệnh về khớp). Sau ứng dụng trị nhiều chứng bệnh như đau thần kinh hông to, đau nửa đầu, đau quặn mật, hen phế quản, mày đay, viêm mũi dị ứng, hội chứng tiền đình…

Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này đang bị một số người không có chuyên môn lạm dụng nên đưa lại nhiều hậu quả đáng tiếc cho người bệnh. Theo chúng tôi, phong độc liệu pháp vẫn nên đi sâu nghiên cứu và ứng dụng nhưng phải tuân thủ triệt để một số điểm sau đây:

– Vì đây là một phương pháp trị liệu có khá nhiều tác dụng phụ cho nên nhất thiết phải do thầy thuốc có chuyên khoa và có kinh nghiệm tiến hành.

– Phải thử phản ứng nọc ong cho người bệnh trước khi thực hiện thủ thuật.

– Phải tuân thủ triệt để nguyên tắc vô trùng.

– Phải theo dõi sát tình trạng bệnh nhân ngay sau thủ thuật và ít nhất sau 3 ngày tiến hành.

– Trước thực hiện thủ thuật bệnh nhân không được ăn quá no, trong liệu trình điều trị không được uống rượu và ăn các thức ăn có rượu, 5 ngày trước khi trị liệu và trong cả liệu trình không nên dùng một loại thuốc nào khác.

– Chỉ nên tiến hành 2 liệu trình, nếu không có kết quả nên đổi phương pháp khác.

– Không được dùng cho phụ nữ có thai, trẻ em, người già và những người dị ứng nọc ong.

– Không được dùng cho những người bị lao, đái đường, có bệnh tim bẩm sinh, vữa xơ động mạch, bệnh máu hoặc có xu hướng dễ xuất huyết, có bệnh thận, gan.

TN (ghi)

Theo Đời sống
back to top