Cách chế nhân sâm làm trà chữa đau lưng, liệt dương

Nhân sâm vị ngọt, hơi đắng, tính cam bình, có tác dụng bổ đại nguyên khí… rất tốt để dùng chế trà thuốc nâng cao và bảo vệ sức khỏe, chữa: đau lưng, mỏi gối, thần kinh suy nhược, di tinh, liệt dương…

Ảnh minh họa

Trong Đông Y, trà dược (thuốc) là thứ đồ uống có giá trị rất cao trong việc bảo vệ sức khỏe. Trà không chỉ để thưởng thức, nhâm nhi, mà còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe, chống lão suy, tăng cường đề kháng và kéo dài tuổi thọ và trị bệnh theo mong muốn. Đặc biệt, trà dược là thứ dễ làm, các vị thuốc phố biến dễ kiếm, làm một lần có thể sử dụng lâu dài nên được coi là thứ “thuốc quý” trong y học cổ truyền để bảo vệ sức khỏe và trị bệnh.

Trà dược có tính vị ngọt đắng, hơi hàn, vào 4 kinh: Tâm, Phế, Tỳ, Vị. Công dụng: thanh nhiệt, giáng hỏa, tiêu thực, làm tỉnh ngủ có thể trừ được uất nhiệt ở thượng tiêu, tỉnh táo đầu mắt, giải nắng nóng khát nước, uống vào sảng khoái, thải độc… “Nhân sâm tư bổ trà” là một loại trà nổi tiếng được y thư cổ ghi nhận tốt cho sức khỏe.

Cách chế: Nhân sâm 3g, thục địa 10g, câu kỷ tử 5g, mật ong 10g, trà mạn 4g. Nhân sâm, thục địa, câu kỷ tử tán thành bột thô (to). Cho thuốc vào trong ấm cùng với trà, rót nước sôi vào ngâm 15 phút. Rót trà ra cốc, cho mật ong vào hòa tan là uống được.

Công dụng: Đại bổ khí huyết, tư bổ can thận, ích trí an thần, sáng mắt. Trà này rất tốt với những người cơ thể vốn hư nhược, hoa mắt chóng mặt, đau lưng mỏi gối, uống thường xuyên sẽ giúp tăng thêm tuổi thọ.

Công dụng của các vị thuốc trong trà: Nhân sâm vị ngot, hơi đắng, tính cam bình, có tác dụng bổ đại nguyên khí, bổ tỳ phế, sinh tân dịch, an thần, ích trí, nâng cao năng lực hoạt động của não, chống mệt mỏi, thúc đẩy công năng tạo huyết, có thể dùng cho các chứng nguyên khí hư thoát, khí hư của tỳ phế, tâm thân, tân dịch tổn thương, khát nước và chứng tiêu khát (tiểu đường).

Thục địa, tính vị cam, hơi ôn, có công năng bổ huyết, dưỡng âm, bổ ích tinh thủy, các chứng huyết hư da vàng vọt, hoa mắt, chóng mặt, hồi hộp, mất ngủ, can thận âm hư, lưng đau gối mỏi, di tinh, ra mồ hôi trộm, tai ù, tai điếc.

Câu kỷ tử: Tính vị cam bình, công năng bổ can thận, bổ tinh sáng mắt, chống lão suy, chủ yếu dùng cho can thận âm hư, thị lực giảm sút do tinh huyết bất túc gây nên, mắt mờ do nội chướng, mắt hoa đầu váng, lưng đau gối mỏi, di tinh, hoạt tinh, tai điếc, răng lung lay, râu tóc bạc sớm, mất ngủ, hay nằm mơ mộng, ra mồ hôi trộm, tiêu khát.

Mật ong tính vị cam bình, có công năng bổ trung, giảm căng thẳng cấp tính, nhuận táo giải độc, phục hồi cơ thể hư nhược, phế táo, ho, táo bón, đau vùng vỵ quản, da khô, rất thích hợp dùng để điều vị với nhiều loại trà để bảo vệ sức khỏe.

TTND.Lương y giỏi Trần Văn Quảng (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top