Cách chăm sóc trẻ tại nhà khi mắc bệnh sốt xuất huyết

Trẻ sốt xuất huyết thường mất nước do sốt cao, máu bị cô đặc nên lượng nước cần cung cấp cho trẻ nhiều hơn lúc không bệnh. Trẻ có thể uống nước đun sôi để nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa, nước canh, nước cháo…

4 việc cần tránh

Sai lầm phổ biến là nhiều bà mẹ do nóng lòng khi con sốt liên tục nên tự ý cho dùng thuốc hạ sốt 4 - 5 lần mỗi ngày, dẫn đến lạm dụng thuốc.

Việc sử dụng thuốc hạ sốt liên tục có thể gây ảnh hưởng làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa…

sxh(1).jpg
Lạm dụng thuốc hạ sốt liên tục có thể gây ảnh hưởng làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa… Ảnh minh họa

Ngoài ra, không ít gia đình khi thấy con xuất hiện những mẩn bầm còn tiến hành cắt lể để lấy bớt máu độc. Việc cạo gió, cắt lể này dễ dẫn đến chảy máu không cầm, khiến vi khuẩn hay mầm bệnh dễ xâm nhập và có thể gây rối loạn đông máu.

Nhiều bà mẹ khi thấy con sốt kèm theo rối loạn tiêu hóa, nôn ói liên tục đã cho con nhịn ăn, nhịn uống. Việc này khiến trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên dễ mất sức. Một số trường hợp trẻ bị hạ đường huyết, co giật.

Một sai lầm thường gặp nữa là nhiều bà mẹ khi thấy con hết sốt lại chủ quan, không tiếp tục theo dõi. Bệnh sốt xuất huyết do virus nên thường có hiện tượng sốt đi sốt lại và diễn tiến bất thường.

Nếu trẻ hết sốt, nhưng vẫn còn biểu hiện bất thường như tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói nhiều, cần theo dõi để đưa trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời.

Hạ sốt đúng cách như thế nào?

Cho trẻ uống thuốc hạ sốt Paracetamol loại đơn chất, loại thuốc này còn có nhiều tên khác nhau như Acemol, Cetamol, Efferalgan, Panadol… với liều 10 - 15mg/kg cân nặng, uống lặp lại 4 - 6 giờ một lần nếu trẻ sốt ≥ 38°C.

cham-soc-tre.jpg
Trẻ sốt xuất huyết thường mất nước do sốt cao, máu bị cô đặc nên lượng nước cần cung cấp cho trẻ nhiều hơn lúc không bệnh. Trẻ có thể uống nước đun sôi để nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa, nước canh, nước cháo… Ảnh minh họa

Để thoáng, mặt đồ vải trắng mỏng để dễ thoáng nhiệt cho trẻ. Lau mát cho trẻ bằng nước ấm khi sốt khó hạ, trẻ khó chịu hoặc co giật.

Không tự ý cho trẻ uống thuốc Aspirine hoặc Ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày.

Đặc biệt, cha mẹ không cho trẻ sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện.

Đã có nhiều trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng và kéo dài, dễ gây phù nề, suy tim nặng… khi chuyển đến bệnh viện đã quá trễ không thể cứu sống.

Bù nước và chế độ dinh dưỡng cho trẻ

Nước uống

Trẻ sốt xuất huyết thường mất nước do sốt cao, máu bị cô đặc nên lượng nước cần cung cấp cho trẻ nhiều hơn lúc không bệnh. Cho trẻ uống là nước lọc, nước sôi để nguội, nước cam, nước chanh, nước dừa, nước canh, nước cháo, nước oresol.

Những loại nước này ngoài việc bù nước cho trẻ, còn bù được một số điện giải bị mất do sốt cao, có thêm một lượng vitamin C đáng kể giúp thành mạch máu bền vững, tăng sức đề kháng cho trẻ.

Thức ăn

Trẻ bị sốt xuất huyết sốt cao liên tục nên cần được cung cấp nhiều năng lượng hơn ngày thường, nhưng do tình trạng bệnh trẻ trở nên mệt mỏi và biếng ăn.

Giải pháp tốt nhất là nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, giàu dinh dưỡng, dễ tiêu hóa như cháo, súp, sữa… Cho trẻ ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, kết hợp chế độ nghỉ ngơi hợp lý giúp trẻ mau lành bệnh.

Phụ huynh cần tránh cho trẻ dùng các loại thức ăn, thức uống có màu đỏ, đen, nâu (như Coca, Pepsi, sá xị, cháo huyết…) vì dễ gây nhầm lẫn với tình trạng xuất huyết đường tiêu hóa khi trẻ nôn ói hoặc đi ngoài.

Dấu hiệu sốt xuất huyết trở nặng

Dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết trở nặng thường gặp ở trẻ lớn là đang chơi khỏe mạnh, đột ngột sốt cao, uống thuốc sốt hạ có bớt nhưng sau đó sốt trở lại.

Trong giai đoạn đầu khởi bệnh, khoảng 2 ngày đầu, trẻ thường có các triệu chứng dễ nhầm lẫn với sốt phát ban, sốt virus, tay chân miệng như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ…

Sau đó, trẻ có thể có một số dấu hiệu như xuất huyết ở da, chảy máu mũi hoặc chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen.

Ở trẻ nhũ nhi, bệnh diễn tiến bằng biểu hiện sốt cao, có khi kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi hoặc triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, dễ nhầm với bệnh lý đường hô hấp hay đường tiêu hóa.  

Bệnh sốt xuất huyết nếu không điều trị kịp thời, đúng cách có thể dẫn đến các biến chứng như sốc sốt xuất huyết, suy hô hấp, rối loạn đông máu, tổn thương gan, rối loạn tri giác, có thể gây tử vong…

Thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh sốt xuất huyết là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6), trẻ có thể trở nặng và sốc dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.

Các dấu hiệu trở nặng của bệnh sốt xuất huyết cần chú ý:

– Trẻ ói mửa nhiều; đau bụng.

– Bứt rứt; quấy khóc; lừ đừ; li bì; nằm một chỗ không chơi, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi.

– Chảy máu mũi, chảy máu chân răng, ói máu, đi tiêu phân đen.

Để phòng ngừa sốt xuất huyết, phụ huynh diệt muỗi, diệt lăng quăng trong môi trường sống, cho trẻ ngủ mùng để tránh muỗi đốt.

BSCKII Nguyễn Minh Tiến (Bệnh viện Nhi đồng TPHCM)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top