Các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa động mạch

(khoahocdoisong.vn) - Xơ vữa động mạch (XVĐM) là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn phế, nhưng lại có cơ chế bệnh sinh rất phức tạp, bệnh tiến triển liên tục và thầm lặng, chịu tác động của nhiều yếu tố nguy cơ.

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

 Tăng huyết áp (THA): THA là một bệnh đang lưu hành rộng rãi trong cộng đồng (25-40%) và làm tăng nguy cơ bị các biến chứng đột quỵ não và bệnh tim mạch lên 3-5 lần. Điều tra trong cộng đồng cho thấy tỷ lệ hiện mắc THA khoảng 20% ở tuổi 50; 30% tuổi 60; 40% tuổi 70; 55% tuổi 80 và 60% ở độ tuổi 90. Hiệu quả của điều trị chống THA đã được nhiều thử nghiệm lâm sàng công bố là rất tốt. Tổng hợp 17 thử nghiệm điều trị THA khắp thế giới với 50.000 bệnh nhân tham gia, kết quả cho thấy giảm được 38% tất cả các thể đột quỵ và giảm 40% tử vong do đột quỵ. Trong điều trị THA, nếu HA tâm thu giảm 10 mmHg sẽ giảm 35-40% đột quỵ não.

Bệnh tiểu đường: Bệnh gây rối loạn lipid máu, THA và vữa xơ các động mạch lớn và nhỏ, gây nhiều biến chứng về tim mạch và đột quỵ não.

Rối loạn lipid máu: Nồng độ cao trong huyết thanh của lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL-cholesterol), nồng độ thấp của hoạt động lipoprotein tỷ trọng cao (HDL-cholesterol). Khi tăng nồng độ cholesterol >6,2mmol/l (gặp 4-60%) làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch và đột quỵ lên 1,8-2,6 lần.

Hút thuốc lá: Có mối liên quan trực tiếp giữa số lượng thuốc lá, hút thường xuyên quá nhiều với nguy cơ bệnh tim mạch, thể hiện qua sự giảm HDL-cholesterol, tăng nồng độ LDL-cholesterol và co mạch. Tỷ lệ người hút thuốc lá 25% và làm tăng nguy cơ biến chứng tim mạch gấp 1,5 lần.

 C-reactive protein (CRP): Nồng độ CRP tăng cao trong máu là nguy cơ cho bệnh XVĐM và nhồi máu cơ tim. Tăng nồng độ CRP là dấu hiệu viêm trong cơ thể. Tổn thương nội mạc động mạch dường như kích hoạt và làm phát triển mảng bám.

Thiếu vitamin B6, B12 và axit folic: Khi thiếu các chất này gây tăng homocystein máu, từ đó làm tăng tổn thương nội mạc động mạch, phát động tiến trình XVĐM. Các nghiên cứu đã cho thấy tỷ lệ tăng homocystein máu trên 15µmol/l gặp 20-40% và làm tăng nguy cơ tai biến tim mạch và não gấp 3-5 lần.

 Các yếu tố nguy cơ ít hoặc không chắc chắn

  Béo phì: Theo nghiên cứu của Griffith RW, tỷ lệ béo phì, đặc biệt là béo bụng là 18% và làm tăng nguy cơ bị đột quỵ não lên 1,8-2,4 lần.

 Tăng đông máu; thiếu estrogen sau mãn kinh; lượng carbohydrate cao; nồng độ cao triglycerides; nồng độ cao của axit uric; nồng độ fibrinogen trong huyết thanh cao; cường giáp tuyến; nồng độ insulin huyết thanh. Ngoài ra chứng ngừng thở khi ngủ: có thể làm tăng nguy cơ huyết áp cao, đái tháo đường, thậm trí nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ; nhiễm khuẩn Chlamydia pneumoniae; Ô nhiễm không khí, hạt mịn nhỏ hơn 2,5 mm đường kính , có liên quan đến sự dày lên của động mạch cảnh .

Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được:

  Tuổi: Xơ vữa phát triển theo tuổi, chủ yếu trên 40 tuổi. Với nam giới thì nguy cơ XVĐM gia tăng sau 45 tuổi, còn với phụ nữ nguy cơ VXĐM gia tăng sau 55 tuổi.

 Giới: Nam có khuynh hướng mắc bệnh nhiều hơn nữ. Sau thời kỳ mãn kinh, nữ có tỷ lệ mắc bệnh tương tự nam.

  Tiền sử gia đình: XVĐM thường gặp ở những thành viên cùng gia đình, tuy nhiên sự liên quan này chưa được biết rõ. Nguy cơ XVĐM tăng nếu bố hoặc anh trai bị bệnh tim trước 55 tuổi, hoặc nếu mẹ hoặc chị gái bị bệnh tim trước 65 tuổi.

Giả thiết mới gần đây cho rằng, quá trình XVĐM được phát động bởi tổn thương tế bào nội mạc mạch máu do các chất oxy hóa và tăng homocystein máu. Tiến trình đó kết hợp với rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, hoặc các yếu tố nhiễm khuẩn… gây xâm nhiễm tế bào bạch cầu đơn nhân, tăng sinh cơ trơn, xơ hóa lớp áo giữa động mạch và phát triển mảng vữa xơ trong lòng động mạch. Mảng vữa xơ lớn dần lan tỏa gây XVĐM và hẹp dần lòng mạch. Tiểu cầu tập trung, hình thành cục máu đông gây nghẽn mạch tại chỗ hoặc bong ra di chuyển chỗ khác gây tắc động mạch.

 Dự phòng XVĐM 

Như vậy, XVĐM chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố, tuy nhiên những yếu tố này đa phần đều có thể thay đổi được. Việc điều chỉnh và chế áp các yếu tố nguy cơ chính là góp phần làm giảm tiến trình VXĐM và phòng tránh được các biến chứng của nó gây ra.

Các biện pháp không dùng thuốc có vai trò rất qua trọng, đó là một chế độ ăn, uống và sinh hoạt khoa học: Cần ăn nhạt, ăn giảm mỡ động vật, tăng dầu thực vật, nhiều rau xanh; Tăng hoạt động thể lực, tránh thừa cân và béo phì; Ngủ nghỉ hợp lý, nếp sống khoa học, tránh stress; Không uống nhiều rượu bia, không hút thuốc lá.

Bổ sung các vitamin và dưỡng chất cần thiết: Các vitamin A, E, C, caroten, coemzymQ10 có tác dụng chống oxy hóa và giảm gốc tự do rất tốt. Các vitamin B6, B12 và acid folic giúp chống tổn thương nội mạc mạch máu do làm giảm homocystein máu.

Kiểm soát các bệnh mạn tính: Tăng huyết áp, đưa mức huyết áp dưới 140/90mmHg; kiểm soát đái tháo đường (Glucose máu< 7,2mmol/l, HbA1c <7,0%); kiểm soát rối loạn mỡ máu (cholesterol<5,2mmol/l, HDL-cholesrerol>0,9mmol/l, LDL-cholesterol <3,9mmol/l và triglicerid <2,3mmol/l).

Dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu: Nhóm thuốc này có tác dụng chống kết tập tiểu cầu ở nơi có tổn thương nội mạc động mạch, do đó ngăn không cho hình thành cục máu đông (huyết khối). Thường áp dụng cho những người có bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường, xác định có mảng XVĐM bằng hình ảnh (động mạch cảnh, quai động mạch chủ, động mạch vành, động mạch ngoại vi). Nhóm thuốc Aspirin 81-350mg/ngày; Clopidogrel 75mg (Plavic), uống 1 viên/ngày; Cilostazol 100mg (Pletaal), uống 2 viên/ngày.

TS Nguyễn Văn Tuấn (Khoa Đột quỵ não, Bệnh viện 103)

Theo Đời sống
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top