Các ứng dụng gọi xe tăng giá dịch vụ

Grab thông báo sẽ tăng giá cước tất cả dịch vụ từ 10/3. Ứng dụng Be đã tăng giá từ 10/2. Chỉ có Gojeck cam kết không tăng giá trong ngắn hạn.

Cụ thể, ngày 6/3, Grab Việt Nam thông báo tăng giá tất cả dịch vụ của Grab, khoảng 2.000-3.000 đồng/km, so với bảng giá cũ.

Theo đó, GrabBike tại Hà Nội được điều chỉnh thành 13.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên. Giá cước GrabBike mới tại TPHCM là 12.500 đồng cho 2 km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo và 350 đồng cho mỗi phút di chuyển sau 2 km đầu tiên.

Còn với dịch vụ GrabCar 4 chỗ, tại cả Hà Nội và TPHCM, giá cước tối thiểu cho 2 km đầu tiên là 29.000 đồng/km, những kilomet tiếp theo 10.000 đồng/km. Trong khi đó, dịch vụ taxi công nghệ có giá cước cao nhất của Grab là GrabCar Protect 7 chỗ được điều chỉnh lên mức 38.600 đồng cho 2 km đầu tiên và 13.900 đồng mỗi km tiếp theo tại TPHCM.

Ngoài Hà Nội và TPHCM, giá dịch vụ GrabCar tại các địa phương khác cũng tăng lên mức 27.500 đồng cho 2 km đầu tiên, dao động khoảng 10.000-12.400 đồng...

Grab cũng cho biết, giá cước trên có thể linh động khi nhu cầu tăng cao, dựa theo khu vực và thời điểm trong ngày.

Lý giải nguyên nhân, Grab cho rằng việc tăng giá là để thích ứng với biến động giá xăng dầu và giá tiêu dùng, bù đắp một phần chi phí của đối tác, giúp tài xế có thêm cơ hội thu nhập trang trải cuộc sống, cũng như khuyến khích họ phục vụ tốt hơn.

Trước đó, ứng dụng Be đã thông báo tăng giá cước các dịch vụ tại Hà Nội từ 10/2. 

Cụ thể, cước phí 2 km đầu của dịch vụ beBike là 14.000 đồng, mỗi km tiếp theo cước tăng từ 4.180 đồng/km lên 4.600 đồng/km. Cước phí mỗi km của dịch vụ beDelivery được ứng dụng giữ nguyên, nhưng cước phí 2 km đầu tăng từ 14.500 đồng lên 16.000 đồng.

Với dịch vụ beCar 4 chỗ, ứng dụng điều chỉnh tăng cước 2 km đầu tiên từ 27.000 đồng lên 29.000 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo tăng từ 9.350 đồng lên 9.500 đồng, mỗi phút di chuyển tăng từ 440 đồng lên 500 đồng. Cước phí mỗi km tiếp theo sau 12 km cũng tăng từ 8.500 đồng lên 9.000 đồng.

Một ứng dụng khác là Gojek cho biết vẫn chưa có kế hoạch tăng giá cước. Đại diện Gojek lý giải, việc xây dựng cước phí ban đầu đã có sự tính toán khi các yếu tố tác động thay đổi, không thể dễ dàng điều chỉnh trong ngắn hạn.

Ngoài các hãng xe công nghệ nước ngoài, các hãng vận tải trong nước cũng đang rục rịch tăng giá cước, phí.

Ông Tạ Long Hỷ - phó tổng giám đốc Vinasun - cho biết xăng dầu tăng cao thì tài xế càng chạy càng lỗ. Nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ tiền xăng cho tài xế. 

Theo Đời sống
"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

"Bùng nổ" thương mại điện tử ở nông thôn

Báo cáo nghiên cứu vừa công bố của J&T Express cho thấy, thói quen mua sắm trực tuyến của người Việt phát triển mạnh mẽ trong dịch và duy trì khá bền vững sau đó. Đáng chú ý, nhu cầu mua sắm trên các sàn thương mại điện tử không chỉ ở các thành phố lớn mà đang "bùng nổ" ở nông thôn.
back to top