Các triệu chứng kéo dài sau Covid-19 bao lâu thì khỏi?

Hiện nay, một số người bệnh Covid-19 sau khi hết bệnh vẫn cảm thấy trong người không khỏe, thỉnh thoảng vẫn cảm giác khó thở, chán ăn, mệt mỏi. Vậy điều đó có phổ biến không và liệu sau bao lâu thì mới khỏe hoàn toàn?

Theo một nghiên cứu trên 2.900 người mắc Covid-19 tại bang NSW của Australia cho thấy, 20% người bệnh hết hoàn toàn triệu chứng sau 10 ngày, 60% hết sau 20 ngày, 80% hết sau 30 ngày, 91% hết sau 60 ngày, 93% hết sau 90 ngày và 96% hết sau 120 ngày. Người càng lớn tuổi, có bệnh nền và nữ giới có xu hướng phục hồi chậm hơn.

trieu-chung-keo-dai-sau-covid.jpg
Các triệu chứng người bệnh sau khỏi Covid-19 vẫn còn.

Như vậy cho thấy, bệnh Covid-19 này có thời gian phục hồi bệnh lâu hơn các bệnh do virus ở đường hô hấp khác như cúm. Nguyên nhân là do trong quá trình bệnh, virus làm ảnh hưởng đến tất cả các hệ cơ quan trong cơ thể và do đó phải cần thời gian hồi phục. Ngoài ra, quá trình nhập viện, các tác động trong quá trình cách ly, điều trị cũng góp phần vào chậm hồi phục ở người bệnh.

Thời gian mắc bệnh cấp tính trung bình của bệnh Covid-19 là 4 tuần. Tuy nhiên, nếu người bệnh còn triệu chứng sau 4 tuần thì gọi là mắc Covid-19 kéo dài, tức là vẫn còn trong giai đoạn bệnh. Người bệnh nếu còn triệu chứng sau 3 tháng thì gọi là hậu Covid-19. 

Trong thời gian Covid-19 kéo dài, rất nhiều triệu chứng khác nhau có thể xảy ra. Nhưng những triệu chứng thường gặp bao gồm mệt mỏi, khó thở, khó tập trung và suy nghĩ và ho. Các triệu chứng ít gặp hơn bao gồm mất ngủ, chóng mặt, đau khớp, đau ngực, tim đập nhanh, trầm cảm, lo lắng, tiêu chảy, đau bụng, chán ăn… Triệu chứng có thể diễn tiến ngay từ đầu và không khỏi, cũng có thể hết rồi xuất hiện lại hoặc cũng có thể là xuất hiện mới trong giai đoạn này.

Hiểu biết diễn tiến bệnh để yên tâm là bệnh này có thể có một số triệu chứng bệnh kéo dài và cần thời gian dài hơn để hồi phục so với bệnh khác. Ngược lại, người bệnh phải đi khám nếu có bất cứ dấu hiệu nặng hoặc bất thường nào như khó thở ngày càng nặng hơn, đau ngực, ho ra máu, sụt cân, tim đập nhanh, phù…

TS.BS Trần Quốc Cường (giảng viên Trường Đại học Y Dược TPHCM)

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top