Các triệu chứng của rối loạn bài tiết nước tiểu

(khoahocdoisong.vn) - Rối loạn bài tiết nước tiểu ảnh hưởng nhiều tới chức năng thận của con người. Dưới đây là một số triệu chứng cơ bản của tình trạng này.

Rối loạn bài tiết nước tiểu ảnh hưởng nhiều tới chức năng thận của con người. Dưới đây là một số triệu chứng cơ bản của tình trạng này.

1.Đái rắt: Đây là triệu chứng phải đi đái nhiều lần trong ngày, số lượng nước tiểu mỗi lần ít, chỉ vài giọt mỗi lần. Đái rắt có thể do bệnh lý ở bàng quang, tiền liệt tuyến, niệu đạo, niệu quản hoặc ở thận gây kích thích mót đái, cũng có thể chỉ là hậu quả của các bệnh lý của  các cơ quan lân cận bàng quang như cơ quan sinh dục nữ.

2.Đái buốt: Là triệu chứng khi đái tới cuối bãi, bệnh nhân thấy buốt ở vùng hạ vị lan ra dương vật (ở nam) hoặc bộ phận sinh dục ngoài (nữ). Đái buốt thường đi kèm với đái rắt. Nguyên nhân có thể do viêm bàng quang, sỏi bàng quang, lao bàng quang, viêm niệu đạo do vi khuẩn hoặc lậu.

3.Đái khó: Là hiện tượng phải rặn mới đái được, nước tiểu chảy chậm không thành tia, có khi đái ngắt quãng và không bao giờ đái được hết nước tiểu trong bàng quang. Đái khó chứng tỏ có cản trở ở vùng cổ bàng quang như u vùng cổ bàng quang, u tiền liệt tuyến, hoặc cản trở ở niệu đạo như sỏi niệu đạo, chít hẹp niệu đạo do viêm, do chấn thương.

4.Bí đái: Là triệu chứng không đái được, trong khi nước tiểu vẫn được bài tiết từ thận xuống và bị ứ lại ở bàng quang. Phải chú ý phân biệt với vô niệu, vô niệu là không có nước tiểu từ thận xuống bàng quang và thông đái không có nước tiểu, còn bí đái là nước tiểu bị ứ lại ở bàng quang nên khám có cầu bàng quang, thông đái có nhiều nước tiểu và cầu bàng quang xẹp xuống.

5.Đái không tự chủ hay còn gọi là đái dầm: Là triệu chứng nước tiểu tự động chảy ra, ngoài ý muốn của bệnh nhân. Có 2 loại đái dầm là đái dầm thực sự và đái dầm cách hồi. Đái dầm thực sự là do cơ thắt ở bàng quang yếu, không giữ được nước tiểu trong bàng quang nên nước tiểu thường xuyên rỉ ra. Đái dầm cách hồi là do liệt bàng quang kiểu trung ương. Trương lực cơ cổ bàng quang vẫn còn nên vẫn giữ được nước tiểu trong bàng quang. Khi lượng nước tiểu trong bàng quang tăng, làm áp lực trong bàng quang tăng lên đủ thắng được trương lực cơ cổ bàng quang, thì nước tiểu trào ra tự động. Đái không tự chủ có thể do nguyên nhân tại bàng quang như chấn thương vùng bàng quang hay niệu đạo, có thể do nguyên nhân từ tủy sống, hoặc do bí đái kéo dài làm thành bàng quang không còn khả năng co giãn.

6.Đái đêm: Được coi là bệnh lý khi bệnh nhân đi đái nhiều lần trong đêm và kéo dài liên tục nhiều tháng. Đái đêm là triệu chứng của giảm khả năng cô đặc nước tiểu của thận. Xét nghiệm nước tiểu thấy độ thẩm thấu hoặc tỷ trọng nước tiểu thấp, làm nghiệm pháp thấy số lượng nước tiểu đêm nhiều hơn ngày. Đái đêm thường gặp trong các bệnh như viêm bể thận - thận mạn, viêm thận kẽ mạn, suy thận mạn hoặc ở người già do khả năng cô đặc nước tiểu của thận bị suy giảm.

Theo Đời sống
Xước da bệnh nhân 52 tuổi nguy kịch vì uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top