Các phương pháp xét nghiệm bệnh dị ứng

Dị ứng nhẹ rất phổ biến, gây ra các triệu chứng như viêm kết mạc dị ứng, ngứa và chảy nước mũi.  Dị ứng nặng với các chất gây dị ứng trong môi trường và thức ăn, thuốc y dược có thể gây sốc phản vệ đe dọa đến tính mạng.

Mỗi 15 năm bệnh lại tăng gấp đôi

Bệnh lý dị ứng hiện nay được Tổ chức Y Tế Thế Giới xếp vào loại bệnh mãn tính. Bệnh có độ lưu hành tăng gấp đôi mỗi 15 năm và nhất là hiện nay đang tăng cao trên toàn thế giới, đặc biệt ở các nước đang trên đường hội nhập như Việt Nam.

Dị ứng là một rối loạn quá mẫn của hệ miễn dịch. Phản ứng dị ứng xảy ra để chống lại các chất vô hại trong môi trường được gọi là chất gây dị ứng, các phản ứng này xảy ra nhanh chóng và có thể dự đoán được.

Các bệnh lý dị ứng phổ biến: Dị ứng thuốc; Hen phế quản cấp; Mày đay – phù Quincke; Dị ứng thức ăn; Viêm mũi dị ứng; Viêm kết mạc dị ứng; Viêm da cơ địa (viêm da atopy); Các phản ứng quá mẫn với vắc xin; Dị ứng do côn trùng đốt

Dị nguyên là những chất có tính kháng nguyên có khả năng kích thích cơ thể sinh ra kháng thể và kết hợp đặc hiệu với kháng thể đó, khi lọt vào cơ thể, sinh ra các kháng thể dị ứng như IgE, IgG, IgM.

Các phương pháp xét nghiệm dị ứng:

Test lẩy da: Đây là một xét nghiệm đơn giản, thường chỉ mất 15-30 phút là có kết quả, chi phí tài chính thấp và điều quan trọng là an toàn và hiệu quả trong việc chẩn đoán bệnh dị ứng. Xét nghiệm lẩy da đánh giá những bệnh lý dị ứng nhanh qua trung gian IgE như mày đay cấp, sốc phản vệ, phù mạch, viêm mũi dị ứng, hen phế quản…

Test tẩy da dị ứng

Test tẩy da dị ứng

Có xảy ra phản ứng chéo hay không? Bệnh nhân được chỉ định phản ứng với nhiều loại dị ứng nguyên khác trong xét nghiệm dị ứng nguyên, điều này có thể có các nguyên nhân như sau: bệnh nhân nhạy cảm THẬT SỰ với nhiều loại dị ứng nguyên (đa nhạy cảm), bệnh nhân nhạy cảm với dị ứng nguyên A và các xét nghiệm dị ứng cấp độ phân tử cho thấy, thành phần của dị ứng nguyên A có sự tương thích về mặt cấu trúc với thành phần protein của dị ứng nguyên B, C, hoặc D … dẫn đến cơ thể phản ứng với B, C, D …

Dị nguyên làm test lẩy da: một số dị nguyên được sản xuất và có sẵn như bọ nhà, một số loại nấm mốc, sữa, tôm, cua, cá, lông chó, lông mèo, phấn hoa…

Chúng ta cũng có thể sử dụng thuốc hoặc thức ăn mà trong tiền sử khai thác có liên quan tới tình trạng dị ứng để làm test lẩy da. Xét nghiệm này có giá trị nếu âm tính vì giá trị xét nghiệm âm tính rất cao trên 95% tuy nhiên giá trị xét nghiệm dương tính khá thấp khoảng 50%.

Test áp trên da: chỉ định trong trường hợp bệnh nhân có các phản ứng dị ứng chậm như viêm da tiếp xúc, viêm da dị ứng, hồng ban đa dạng, …Độ nhạy: khoảng 50%.

Test kích thích: Đây là xét nghiệm đưa dị nguyên nghi ngờ gây ra phản ứng dị ứng vào trong cơ thể, dưới sự theo dõi chặt chẽ của bác sỹ chuyên khoa dị ứng với liều và thời gian giữa các liều được thiết kế riêng cho từng bệnh nhân, phụ thuộc vào mức độ phản ứng khai thác được trong tiền sử của bệnh nhân.

Xét nghiệm kích thích là tiêu chuẩn vàng trong việc chẩn đoán một số bệnh dị ứng như dị ứng thuốc, dị ứng thức ăn, hen phế quản do thuốc…

Xét nghiệm máu Định lượng IgE toàn phần góp phần định hướng nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của tình trạng dị ứng. Định lượng IgE đặc hiệu với từng loại dị nguyên có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán tìm nguyên nhân dị ứng.

Tuy nhiên, cũng giống như xét nghiệm lẩy da, giá trị xét nghiệm âm tính rất cao, có ý nghĩa trong việc chẩn đoán loại trừ dị ứng thức ăn, nhưng giá trị chẩn đoán dương tính lại thấp, độ nhạy thậm chí thấp hơn xét nghiệm lẩy da.

Xét nghiệm ELISA: Total IgE: Nguyên tắc thực hiện: phương pháp ELISA: các giếng kháng thể được phủ kháng thể đa dòng anti-human IgE, được ủ với huyết thanh bệnh nhân, huyết thanh anti human gắn nhãn peroxidase, dung dịch phản ứng màu chromogen, đo quang ở 450 nm. Phương pháp này xác định tổng hàm lượng IgE, được xem như là xét nghiệm sàng lọc chẩn đoán bệnh dị ứng.

Xét nghiệm Immunoblot EUROLINE: que thử chẩn đoán dị ứng nguyên, thực hiện lên đến 53 dị ứng nguyên một lần xét nghiệm.

Các dị nguyên bao gồm: lòng trắng trứng, lòng đỏ trứng, sữa bò, thành phần sữa, bột mì, các loại bột, gạo, đậu nành, bắp, gluten, đậu phộng, hạt dẻ, hạnh nhân, cá tuyết, tôm, cá ngừ, cá hồi, chocolate, sữa dê, cà chua, chanh, cam, dâu, táo, thơm, thịt heo, bò, gà, nấm men bia, men bánh mì, latex, mạt nhà, lông chó, mèo, lông gà, các loại nấm mốc bằng phương pháp miễn dịch thanh giấy.

Phân tích đồng thời các dị nguyên đặc hiệu nhanh chóng chỉ trong vòng 3h, lượng mẫu yêu cầu ít phù hợp mẫu bệnh nhi.

Xét nghiệm dị ứng cấp độ phân tử (Molecular Allergology): là xét nghiệm dị ứng sử dụng các thành phần protein đơn lẻ được chiết xuất từ nguồn dị nguyên, xét nghiệm này cho phép đánh giá:

Các bệnh dị ứng có thể được điều trị bằng cách đề nghị bệnh nhân tránh khỏi nguồn gây dị ứng tức dị ứng nguyên, tuy nhiên cũng có thể thực hiện liệu pháp miễn dịch đặc hiệu (SIT – Specific Immunotherapy) khi xác định kết quả xét nghiệm dị ứng cấp độ phân tử phân loại bệnh nhân là high risk hay low risk với dị ứng nguyên xác định.

Nguy cơ phản ứng high risk: thành phần dị ứng nguyên thuộc nhiều họ protein, từ đó có thể phân loại cấp độ high risk hoặc low risk dựa trên họ protein mà bệnh nhân dị ứng. Nếu đó thuộc loại high risk, bệnh nhân tuyệt đối không được sử dụng loại thực phẩm đó cũng như các loại thực phẩm có nguy cơ phản ứng chéo với nó. Với low risk, protein có thể bị bất hoạt trong quá trình xử lý nhiệt, bệnh nhân có thể sử dụng được.

PGS.TS Phùng Thị Bích Thủy (Khoa Sinh học phân tử các bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi TƯ)

Theo Đời sống
back to top