Các phương pháp trị suy tĩnh mạch chi

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới gây nhiều biến chứng nguy hiểm tính mạng. Lựa chọn phương pháp điều trị tùy thuộc vào tĩnh mạch bị giãn.

Biểu hiện mờ nhạt tiến triển nặng nề

BS Lê Duy Thành, Khoa Nội Tim mạch, Bệnh viện TƯQĐ 108 cho biết, suy tĩnh mạch chi là bệnh thường gặp, chiếm tỷ lệ  khoảng 8 – 30% ở người trưởng thành. Bệnh thường gặp ở phụ nữ mang thai nhiều lần, phụ nữ trẻ làm việc văn phòng, người béo phì và những bệnh nhân lớn tuổi.

Suy tĩnh mạch chi có thể gặp ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể nhưng thường gặp ở chi dưới. Ở giai đoạn đầu, biểu hiện bệnh thường mờ nhạt và thoáng qua, người bệnh chỉ thấy: nặng chân, mỏi chân, phù nhẹ khi đứng lâu ngồi nhiều, chuột rút vào buổi tối, châm chích, dị cảm như kiến bò vùng cẳng chân về đêm.

Khi bệnh tiến triển gây phù, chàm da, các tĩnh mạch trương phồng lên gây cảm giác nặng, đau nhức chân, máu thoát ra ngoài mạch gây phù chân, nặng hơn thì có thể thấy các búi tĩnh mạch trương phồng nổi rõ trên da, các mảng bầm máu trên da...

Các tĩnh mạch giãn to nếu không được điều trị, lấy bỏ sẽ có nguy cơ tạo lập cục máu đông, gây viêm tĩnh mạch nông huyết khối. Các cục máu đông tạo lập trong lòng mạch có thể bong ra, theo dòng máu trôi ngược lên phổi, làm tắc mạch phổi, nguy cơ tử vong cao.

Các tĩnh mạch giãn to dần, đến một lúc nào đó sẽ bị vỡ khi chấn thương hay va chạm nhẹ, gây xuất huyết, bầm máu. Sự rối loạn biến dưỡng da ở cẳng chân lâu ngày sẽ dẫn đến chàm, tăng sắc tố da và loét chân do ứ đọng. Tình trạng loét chân do tĩnh mạch là một biến chứng rất khó điều trị.

Cách trị ít xâm lấn

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng khoa Phẫu thuật Tim mạch, Bệnh viện Việt Đức, tùy thuộc vào tình trạng lâm sàng của bệnh: độ lớn của tĩnh mạch bị giãn, có biến chứng không, nguy cơ của tĩnh mạch giãn…các bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp trị liệu phù hợp, đặc biệt ưu tiên các phương pháp ít xâm lấn.

Lợi ích của phương pháp ít xâm lấn là nhằm loại bỏ vĩnh viễn các tĩnh mạch giãn nổi dưới da (các tĩnh mạch nông), hoàn toàn không can thiệp vào hệ tĩnh mạch sâu. Mục đích là để thẩm mỹ, để điều trị hoặc phòng ngừa những biến chứng có thể xảy ra (như khả năng hình thành huyết khối cao đối với các tĩnh mạch ngoằn nghoèo gấp khúc quá nhiều).

Đốt laser: Đây là phương pháp dùng năng lượng laser “bắn” qua da để đốt những mạch máu nhỏ ly ti nổi lên bề mặt da (tĩnh mạch mạng nhện). Sức nóng laser sẽ làm mạch máu teo lại và tắc vĩnh viễn. Mạch máu chết sẽ ẩn dưới da. Phương pháp này chỉ áp dụng cho các tĩnh mạch mạng nhện (các sợi gân đỏ li ti nổi dưới da) mà không dùng cho các tĩnh mạch lớn hơn.

Chích xơ: Là dùng một loại thuốc tạo bọt đặc biệt tiêm vào tĩnh mạch giãn để làm đông khô tĩnh mạch lại. Loại thuốc này khi tiếp xúc với máu trong tĩnh mạch sẽ nhanh chóng đông lại, làm tắc vĩnh viễn mạch máu này (giống như đổ xi măng). Qua thời gian, đoạn tĩnh mạch chết sẽ teo lại và ẩn dưới da. Tùy theo độ lớn tĩnh mạch mà dùng nồng độ thuốc khác nhau. Tĩnh mạch càng lớn thì độ đậm đặc càng cao. Tĩnh mạch nhỏ quá thì không chích xơ được, phải đốt laser qua da.

Phẫu thuật tước tĩnh mạch: Tước tĩnh mạch có thể dùng dụng cụ hoặc không. Nguyên tắc là rạch da hai đầu tĩnh mạch cần lấy bỏ, sau khi cầm máu, rút bỏ tĩnh mạch giãn. Phương pháp này không để lại tĩnh mạch dưới da như phương pháp khác, do đó không thấy “một đường xanh” ẩn dưới da sau khi làm thủ thuật.

Rạch tĩnh mạch lấy cục máu đông: Khi tĩnh mạch bị tắc gây phù chân bên dưới chỗ tắc. Tùy theo tình trạng lâm sàng, bác sĩ sẽ quyết định thời điểm thích hợp để rạch lấy đi cục máu đông, nhằm giải áp cho mạch máu, tạo sự lưu thông trở lại bình thường. Nếu điều trị nội khoa làm tan mạch máu được thì có thể không cần phải làm thủ thuật này.

Đốt nội mạch bằng laser hoặc sóng radio (RFA): Đây là kỹ thuật hiện đại nhất hiện nay. Tuy nhiên, cũng giống như phương pháp phẫu thuật tước tĩnh mạch, mục đích của phương pháp này là loại bỏ vĩnh viễn các tĩnh mạch nông bị giãn và lớn còn tương đối thẳng. Nếu đã ngoằn nghoèo và gấp khúc nhiều, không làm được phương pháp này vì không thể luồn dây trong lòng mạch được.

Kỹ thuật cơ bản là luồn một sợi dây kim loại thật mảnh vào trong tĩnh mạch (có camera hoặc không), từ dưới lên, đến vị trí cần thiết, sau đó bấm nút khởi động trong vài giây, sức nóng của laser hoặc RF sẽ làm teo đầu trên của mạch máu, làm tắc đường về và chết mạch máu vĩnh viễn. Qua thời gian, mạch máu sẽ khô đi, để lại một đường gân xanh đen dưới da.

 Hệ tĩnh mạch nông chỉ có tác dụng “thu gom” dịch và các chất thải chuyển hóa để đưa vào tĩnh mạch sâu. Từ đó, tĩnh mạch sâu sẽ “vận chuyển” máu về tim, sau khi đã qua thận và gan để lọc chất dơ, sau đó đưa lên phổi để đổi lấy oxy. Như vậy, sau khi loại bỏ tĩnh mạch nông, các chất dịch dơ sẽ được thu gom bằng các tĩnh mạch còn lại hoặc tân sinh các mạch máu, hoặc bằng hệ thống bạch huyết tại chỗ.

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top