Các nguyên nhân gây đái máu

(khoahocdoisong.vn) - Có nhiều nguyên nhân gây ra đái máu đại thể và vi thể. Khi có hồng cầu trong nước tiểu cần phải đi kiểm tra xem có thực sự là bệnh lý của thận – tiết niệu hay là hậu quả của bệnh toàn thân, mặt khác cần xác định được cơ quan tổn thương, chỉ khi đó mới có cách điều trị đúng và kịp thời.

Đái máu đại thể

Nguyên nhân từ niệu đạo: Giập niệu đạo do chấn thương, ung thư tuyến tiền liệt, ung thư, polyp hay viêm niệu đạo.

Nguyên nhân từ bàng quang: Viêm bàng quang do vi khuẩn, nấm. Cần xét nghiệm tế bào niệu, cấy nước tiểu, soi tươi nước tiểu. Do lao: Có triệu chứng viêm bàng quang kéo dài, phải soi bàng quang và làm các xét nghiệm tìm vi khuẩn lao hoặc sự hiện diện của vi khuẩn lao trong nước tiểu mới chẩn đoán được.

Sỏi bàng quang: Hay gặp ở nam nhiều hơn nữ. Cần phải soi bàng quang hoặc chụp X-quang bàng quang.

U bàng quang: hay gặp loại ung thư cổ bàng quang, thường gặp ở người già.

Polyp bàng quang: chỉ có đái ra máu đơn thuần, nhiều lần. Cần soi bàng quang mới thấy được.

Bệnh do Schistosoma ở bàng quang: Ở nước ta bệnh này rất hiếm gặp. Schistosoma có thể đi đến tĩnh mạch bàng quang, gây tắc tĩnh mạch bàng quang và gây vỡ tĩnh mạch niêm mạc bàng quang. Phải soi bàng quang và tìm Schistosoma trong máu.

Lạc nội mạc tử cung vào bàng quang: Đái máu trong chu kỳ kinh nguyệt
Nguyên nhân từ thận. Sỏi thận, niệu quản: thường xuât hiên khi làm việc mệt mỏi, lao động nặng, sau cơn đau quặn thận. Sỏi thận có thể gây ứ nước bể thận và gây viêm mủ bể thận. Do đó có thể gây đái ra máu phối hợp với đái ra mủ.

Viêm thận bể thận do nguyên nhân nhiễm trùng ngược dòng: Lao thận: Thời kỳ đầu, gây đái ra máu vi thể. Nếu tiến triển nặng, tạo thành hang lao sẽ gây đái ra máu đại thể. Đái ra máu xảy ra bất kỳ lúc nào, lúc đang làm việc hay nghỉ ngơi; Ung thư thận, niệu quản: triệu chứng chủ yếu là đái ra máu tự nhiên, nhiều lần. Khám thấy thận to, giãn tĩnh mạch thừng tinh. Hay gặp ở nam giới, người già.

Thận đa nang: Cũng có thể gây đái ra máu đại thể, nhưng ít gặp. Thường hay gây đái ra máu vi thể. Khám thấy cả hai thận đều to.

 Do giun chỉ: Giun chỉ có thể làm tắc và gây vỡ bạch mạch đồng thời gây vỡ cả mạch máu đi kèm, gây nên hiện tượng đái ra dưỡng chấp và đái ra máu đồng thời. Thường hay tái phát nhiều lần.

Dị dạng mạch thận: Có thể là phình mạch thận, thông động tĩnh mạch thận. Việc chẩn đoán cần dựa vào chụp CT Scanner dựng hình mạch máu hoặc chụp mạch thận.

Cục máu động mạch thận, tĩnh mạch thận: Nếu to sẽ gây đái ra máu đại thể, nhỏ sẽ gây ra máu vi thể. Hay gặp trong bệnh tim, do cục máu trong tim vỡ ra, đi tới thận

Hoại tử nhú thận: Hậu quả thứ phát của viêm thận kẽ do dùng thuốc giảm đau, bệnh thận do đái tháo đường và bệnh hồng cầu hình liềm.

Các bệnh lý cầu thận cấp hoặc mạn tính: Nếu đái máu đại thể thì thường đái máu toàn bãi, không có máu cục.

Do bệnh toàn thân: Các bệnh máu ác tính: Bệnh bạch cầu cấp và mạn, bệnh máu khó đông (Hemophilie) cũng có thể gây đái ra máu. Ngoài đái ra máu còn có những triệu chứng chảy máu ở nơi khác như dưới da, chân răng làm công thức máu, huyết đồ, tuỷ đồ, thời gian máu chảy, máu đông sẽ chẩn đoán được. Dùng thuốc chống đông: Heparin, Coumarin: Nếu dùng quá liều sẽ gây chảy máu (đái ra máu, ỉa ra máu, chảy máu cam, xuất huyết dưới da) cần theo dõi tỷ lệ protrombin, INR ở những người bệnh dùng thuốc coumarin.

Đái máu vi thể

Những nguyên nhân gây nên đái máu đại thể cũng có thể gây đái máu vi thể. Ngoài ra đái ra máu vi thể còn có những nguyên nhân khác ....
Viêm thận cấp và mạn: Viêm cầu thận cấp sau nhiễm trùng. Bệnh cầu thận do lắng đọng IgA (bệnh Berger). Viêm cầu thận màng tăng sinh.Viêm cầu thận mảnh, ổ. Viêm cầu thận tiến triển nhanh. Hội chứng Alport. Bệnh do màng đáy cầu thận mỏng. Hội chứng urê máu tan máu. Gây đái ra máu vi thể kéo dài. Soi nước tiểu có thể phát hiện hồng cầu biến dạng, méo mó.

Viêm nội tâm mạc gây nhiễm khuẩn máu (do tụ cầu): Gây những apxe nhỏ ở thận, và cũng gây đái ra máu vi thể. Ở đây, ngoài đái ra hồng cầu, còn đái ra bạch cầu. Tuy nhiên, những nguyên nhân đái ra máu vi thể trên đây đôi khi cũng gây đái máu đại thể rất nguy hiểm.

Bệnh hệ thống: Lupus ban đỏ hệ thống, viêm mạch.... Ngoài dấu hiệu đái máu vi thể, cần khai thác phát hiện các triệu chứng toàn thể, đánh giá các xét nghiệm cận lâm sàng và thăm dò chức năng khác.

PGS.TS Đỗ Gia Tuyển (Trưởng khoa Thận Tiết niệu, Bệnh viện Bạch Mai)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top