Các loại nước uống tốt cho người mắc bệnh đường hô hấp

(khoahocdoisong.vn) -  Đông y cho rằng, bệnh tật phát sinh từ sự thiếu cân bằng âm - dương, nếu trong cơ thể nội nhiệt nóng, dễ gây tích nhiệt, gây viêm sưng nặng hơn. Bên cạnh dùng thuốc nên phối hợp nước uống bổ mát.

Nước mía: Vị ngọt mát, tác dụng đại bổ tỳ âm, hòa vị, dưỡng âm huyết, mát phế, tiêu đàm, giáng hỏa, tiêu phiền, dễ ngủ…. dùng rất tốt với chứng ôn dịch, nóng sốt mất nước, ho khan đau họng, khàn tiếng, phiền nhiệt, bứt rứt khó ngủ, miệng khô khát, táo kết. 

Lưu ý: Nước mía dễ bị lên men, không nên để lâu qua đêm, và người đường huyết đang cao dùng ít.

Nước rau : Vị đắng tính hàn, tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, giải độc, lợi tiểu… tốt cho chứng ôn bệnh, sốt, ho, viêm họng, ho khan, ho đàm, miệng khô khát, tiểu buốt gắt, tiểu ra máu, người có bệnh tâm phế mãn, tiểu đường, huyết áp cao. Rau má rửa sạch, cho ít nước vào xay sinh tố uống hoặc nấu canh ăn.

 Kiêng kỵ: Chứng tỳ vị hư hàn, đang lạnh bụng, tiêu lỏng, phế hàn, ho đàm loãng, chóng mặt, tụt huyết áp không nên dùng.

Nước dưa hấu: Vị ngọt, tính mát, không độc. Tác dụng thanh nhiệt, trừ phiền, giải nắng nóng, lợi tiểu, sinh tân dịch, bớt khát, dùng rất tốt cho chứng ôn dịch, sốt, ho, miệng khô khát, mệt mỏi, tiểu gắt, tiểu buốt và người đang bị tiểu đường, huyết áp cao, viêm gan mật, ăn ngủ kém đều hay. 

 Kiêng kỵ: Chứng tỳ vị hư hàn, đang đầy bụng tiêu chảy, phế hàn, hay sợ lạnh, ho đàm loãng.

Nước Sơ ri: Vị chua ngọt, mát, không độc. Tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng, giải nhiệt độc, tiêu đờm... dùng rất tốt cho chứng ôn bệnh, nóng sốt, viêm họng, ho khàn tiếng, mệt mỏi; chức năng gan, hệ miễn dịch yếu. 

Kiêng kỵ: Chứng phế hàn, ho đờm loãng, tỳ vị yếu, đang bị tiêu chảy mệt mỏi.

Nước dừa: Vị ngọt, tính bình, không độc. Tác dụng lợi ngũ tạng, giải nhiệt, sinh tân, giáng hỏa, chỉ huyết, giải độc. Nước dừa tươi giàu dưỡng chất, bổ sung nước, điện giải, dùng rất tốt chứng nóng sốt, mất nước, khô khát, mệt mỏi, tà phần vệ khí, người đang có bệnh tiểu đường, huyết áp.

Kiêng kỵ: Chứng ôn bệnh giai đoạn hết sốt“tà khí phần doanh huyết, sợ lạnh nhiều, vị tràng yếu, đang bị tiêu chảy.

Nước cam: Hoặc quýt, bưởi tươi đều là trái cây có vị chua tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giảm sốt chống viêm, rất giàu vitamin C, vitamin nhóm B giúp tăng cường sức khỏe, sức đề kháng, dùng rất tốt với người bị cảm sốt, ôn bệnh, ho đau họng, nhức mỏi, xuất huyết chảy máu, cam mạch phù sác tà phần vệ, phần khí, chứng nội nhiệt nóng bứt rứt, khó ngủ, người đang có bệnh huyết áp, tim mạch, xuất huyết.

Kiêng kỵ: Với người viêm loét đường tiêu hóa, đang bụng đói, chứng sốt cao đột ngột thoát dương, tay chân giá lạnh, mồ hôi đầm đìa, đây là chứng cần ôn bổ hồi dương, không nên thanh nhiệt.

Nước đậu xanh: Có vị ngọt, tính mát. Tác dụng bổ tỳ, thanh nhiệt, giải độc, trừ phiền nhiệt, tiêu phù, hạ khí, lợi ngũ tạng… dùng rất tốt với chứng ôn bệnh, nóng sốt ho khan, mệt mỏi, người bị tiểu đường, nội nhiệt nóng bứt rứt… Đậu xanh nguyên vỏ nấu lấy nước uống hoặc nấu cháo ăn.

Kiêng ky: Chứng tỳ vị hàn trệ, bụng đang bị đầy khó tiêu.

Nước đậu đen: Vị ngọt mát, không độc. Tác dụng lợi thủy, hạ khí mát tỳ vị, định tâm dễ ngủ, trừ gió độc, lợi tiểu tiện, giảm sưng phù, dùng rất tốt với chứng ôn bệnh, sốt ho, nhức mỏi, miệng khô khát, âm huyết hư, đêm nóng bứt rứt khó ngủ. Đậu đen hầm lấy nước thêm ít đường uống.

 Kiêng kỵ: Han chế với người tỳ vị hư hàn, tích trệ, bụng đầy chậm tiêu.

Nước táo: Bổ tỳ vị, lợi ngũ tạng, dưỡng tâm phế, sinh tân dịch, bớt mệt mỏi, tăng hệ miễn dịch, dùng rất tốt cho người tỳ vị hư, ăn ngủ kém, ho khan, ho đàm, người có bệnh tâm phế mãn, huyết áp, tiểu đường. 

Kiêng kỵ: Đang bị đầy khó tiêu, ói nôn, răng đau không nên ăn táo.

Nếu giai đoạn bệnh hết sốt, tay chân lạnh, vã mồ hôi, mệt mỏi “tà khí ở phần doanh huyết”, giai đoạn này sốt lâu, khí huyết đều hư, nếu tay chân, người lạnh nên dùng nước đậu xanh, đậu đen, nước mía, nước táo cho thêm ít gừng. Loại bổ mát quá như nước cam, sơ ri, nước dừa nên kiêng.

Lương y Nguyễn Minh Phúc (nguyên PCT Hội Đông Y TP Vũng Tàu)

Theo Đời sống
back to top