Các huyệt có tác dụng tỉnh não, an thần

(khoahocdoisong.vn) - Công năng của các huyệt vị có tác dụng trị liệu giống như các vị thuốc. Khi biết phạm vi trị liệu của huyệt đó, ví như huyệt bách hội có tác dụng chữa trị hôn mê, ngất thì có huyệt chữa “tỉnh não, khai khiếu và an thần”.

Huyệt định tâm an thần: Là những huyệt có tác dụng trấn tĩnh dùng để trị liệu suy nhược thần kinh, thất miên, kiện vong, ý bệnh (hysteria), mộng du, điên cuồng... Theo y học cổ truyền, thần trí của con người có quan hệ mật thiết với não và tâm. Với các chứng suy nhược thần kinh, thất miên, tâm du, thần môn, nội quan, thái khê, dũng tuyền, tam âm giao...; Với các chứng ý bệnh: Mộng du, điên cuồng nên dùng nhân trung, bách hội, đại chùy, nội quan, thần môn, hậu khê, hợp cốc, thái xung, phong long, chiếu hải, thân mạch...

Huyệt tỉnh não khai khiếu: Là các huyệt có tác dụng cấp cứu trong trường hợp thần trí mê man, rối loạn ngôn ngữ, đột nhiên ngã vật, bất tỉnh nhân sự... do sốt cao, trúng thử, hạ đường huyết, động kinh, trúng phong... như các huyệt nhân trung, tố liêu, bách hội, đại chùy, khí hải, quan nguyên, tề trung, nội quan, thiếu thương, trung xung, hợp cốc, thái xung, ẩn bạch, đại đô, túc tam lý...

Trường hợp “bế chứng” nên châm tả hoặc chích máu nhân trung, bách hội, đại chùy, nội quan, thiếu thương, trung xung, hợp cốc, thái xung, ẩn bạch, đại đô; Trường hợp thoát chứng nên châm bổ hoặc cứu tố liêu, bách hội, đại chùy, khí hải, quan nguyên, túc tam lý, tề trung...

Huyệt hồi dương cố thoát: Là các huyệt có tác dụng thăng áp như tố liêu, bách hội, nội quan, thái khê, túc tam lý, tam âm giao. Trong đó, theo kinh nghiệm của các tác giả Trung Quốc, tố liêu là một trong những huyệt vị thăng áp hữu hiệu nhất.

Huyệt tư âm tiềm dương: Là các huyệt có tác dụng giáng áp như bách hội, đại chùy, khúc trạch, nội quan, hợp cốc, túc tam lý, tam âm giao, thái xung, dũng tuyền, thái khê... Thông thường dùng châm hoặc chích máu cũng có khi sử dụng cứu pháp. Ví dụ, có tác giả đã chích máu huyệt đại chùy rồi dùng hỏa giác cục bộ để giáng áp, kết quả khá tốt.

Huyệt khứ phong: Là những huyệt có công dụng giải trừ phong tà như phong trì, phong thủ, phong môn, phong thị, ế phong. Trên lâm sàng thường chia làm 3 loại:

Thương phong cảm mạo: Có thể là cảm mạo phong hàn hoặc phong nhiệt, thường day bấm hoặc cứu (với phong hàn) châm hoặc chích máu (với phong nhiệt), huyệt phong trì, phong phủ và phong môn.

Trung phong liệt mặt: Phong tà xâm phạm kinh lạc phát sinh trung phong (trọng chứng) hoặc liệt mặt (khinh chứng) thường châm hoặc cứu phong trì, ế phong, phong thị...

Phong thấp: Do cảm thụ phong tà mà phát sinh đau khớp, tê bì chân tay... thường chọn các huyệt đã nêu ở trên kết hợp với các huyệt vị tại chỗ, tùy bệnh tình cụ thể mà châm, cứu hoặc hỏa giác.

Ngoài ra, một số huyệt vị khác như hợp cốc, thái xung, khúc trì, cách du, bách hội, túc tam lý cũng được coi là huyệt khứ phong.

ThS Hoàng Khánh Toàn (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
back to top