Các biện pháp làm giảm tác dụng phụ của hóa trị ung thư

Bệnh nhân hóa trị điều trị ung thư thường mệt mỏi, chán ăn, buồn nôn, tiêu chảy… Làm thế nào để giảm tác dụng phụ do hóa trị?

ThS.BS Nguyễn Thành Trung, khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, thuốc hóa trị có thể làm suy yếu các tế bào khỏe mạnh, chẳng hạn như tế bào máu mới trong tủy xương hoặc các tế bào trong miệng, dạ dày, da, tóc và các cơ quan sinh sản. Khi các tế bào khỏe mạnh bị tổn thương, nó sẽ gây ra các phản ứng phụ.

ung-thu.jpg

Để cải thiện cảm giác buồn nôn người bệnh có thể sử dụng thuốc chống nôn theo hướng dẫn của bác sĩ; uống đủ nước mỗi ngày (40ml/kg trọng lượng cơ thể) bao gồm nước lọc, nước trái cây pha loãng hoặc nước điện giải như Pedialyte, Gatorade, Powerade và các thức uống thể thao khác. Người bệnh nên kiêng caffeine, kể cả trà và soda; thường xuyên ăn nhiều bữa nhỏ; hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến nhiều gia vị. Ngoài ra có thể bấm vào huyệt vùng cổ tay cũng có thể giúp giảm buồn nôn và nôn.

Nếu bệnh nhân gặp tình trạng táo bón nên ăn thực phẩm giàu chất xơ (trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt); uống nhiều nước; đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ nhàng. Người bệnh có thể dùng thuốc chống táo bón không kê đơn, thuốc làm mềm phân, thuốc nhuận tràng theo hướng dẫn của bác sĩ điều trị.

Người bệnh cần thông báo cho bác sĩ nếu bị đầy hơi trong hơn 2-3 ngày, đại tiện khó hoặc không thể đại tiện trong hơn 2-3 ngày.

Với người bị tiêu chảy cần uống nhiều nước, gồm cả nước lọc và nước điện giải, nước canh và nước trái cây; dùng thuốc chống tiêu chảy không kê đơn như loperamide Imodium nhưng cần hỏi ý kiến của bác sĩ. Người bệnh không được dùng các loại thuốc làm mềm phân hoặc thuốc nhuận tràng trong ít nhất 12 giờ hoặc cho đến khi hết tiêu chảy. Ăn một lượng nhỏ thức ăn mềm, nhạt, ít chất xơ như bánh mì trắng, mì ống, gạo và thức ăn làm từ bột mì trắng hoặc tinh chế cũng có ích.

Một số thuốc hóa trị có thể gây viêm niêm mạc dẫn đến khó khăn trong việc ăn uống. Người bệnh có thể súc miệng từ 4-6 giờ một lần hoặc thường xuyên hơn, mỗi lần súc 15-30 giây giúp cải thiện các triệu chứng này; có thể dùng nước súc miệng không chứa cồn và Hydrogen peroxide hoặc dung dịch tự pha (trộn 1-2 thìa cà phê muối với 1 lít nước).

Ngoài ra, để giảm rụng tóc, người bệnh có thể dùng dầu gội dành cho trẻ em hoặc các loại dầu gội nguồn gốc thảo dược; tránh tiếp xúc đầu với nắng mặt trời; giữ ấm da đầu vào mùa đông. Liệu pháp massage đầu có thể hữu ích nhưng người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Theo Đời sống
back to top