Các biện pháp giảm thiểu bệnh lý tim mạch ở Việt Nam

(khoahocdoisong.vn) - Liên đoàn Tim mạch Thế giới vừa phối hợp với Tổ chức VinaCapital Foundation và Hội Tim mạch Quốc gia Việt Nam tổ chức tọa đàm: “Tăng huyết áp: Những giải pháp giảm thiểu gánh nặng bệnh lý tim mạch ở Việt Nam”.
Tri ân các diễn giả của tọa đàm.

Tri ân các diễn giả của tọa đàm.

Tọa đàm quy tụ 40 chuyên gia hàng đầu trong phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp tại Việt Nam, bao gồm các bác sĩ tim mạch, nhà nghiên cứu, chuyên gia dinh dưỡng và chuyên gia y tế công cộng. Tham dự tọa đàm có GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch thường trực Hội Tim mạch Quốc gia Việt Nam, Chủ nhiệm Chương trình Quốc gia về Phòng chống bệnh tim mạch; PGS.TS. Nguyễn Thị Bạch Yến, Phó Chủ nhiệm Chương trình Quốc gia về Phòng chống bệnh tim mạch; Ông Jean-Luc Eiselé, Giám đốc điều hành của Liên đoàn Tim mạch Thế giới; Ông Rad Kivette, Giám đốc điều hành của VinaCapital Foundation, thành viên của Liên đoàn Tim mạch Thế giới tại Việt Nam.

Cuộc họp còn có sự tham dự của đại diện của các cơ quan hợp tác và chính sách quốc tế quan trọng, bao gồm Liên minh NCD và RESOLVE-LINKS và được hỗ trợ bởi tổ chức Access Accelerated.

Buổi tọa đàm bao gồm các bài thuyết trình tập trung vào các thách thức, đổi mới và các giải pháp tiềm năng cho các rào cản trong phòng ngừa và điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch tại Việt Nam. Trên toàn thế giới, cứ 10 người thì có 3 người bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp là một yếu tố nguy cơ nghiêm trọng đối với tử vong do bệnh tim mạch và được biết đến với cái tên Kẻ giết người thầm lặng, vì khoảng một nửa số người bị tăng huyết áp không ý thức được về tình trạng bệnh của họ.

Tại Việt Nam năm 2016, các bệnh tim mạch, bao gồm tăng huyết áp, đã gây ra 31% tổng số ca tử vong tại quốc gia tương đương với hơn 170.000 người. Khoảng 91.000 người trong số các ca tử vong là do tăng huyết áp. Khoảng 19% số người trưởng thành từ 18-69 tuổi bị tăng huyết áp, nhưng chỉ có khoảng 13,6% trong số đó đang được điều trị tại cơ sở y tế. Mức độ nhận thức cũng như ý thức điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch ở khu vực nông thôn là thấp nhất.

40 chuyên gia tích cực thảo luận tại buổi tọa đàm.

40 chuyên gia tích cực thảo luận tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, GS.TS Nguyễn Lân Việt trình bày về thực trạng bệnh tim mạch và các bệnh không lây nhiễm ở trên thế giới và ở Việt Nam. PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến đưa ra nhận định về các rào cản đối với quản lý y tế và việc điều trị tăng huyết áp. Các chuyên gia của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, thảo luận về cách tiếp cận việc phòng và điều trị tăng huyết áp từ góc độ dinh dưỡng.

Các nguyên nhân chính của bệnh tim mạch và tăng huyết áp là hút thuốc lá, béo phì, chế độ ăn nhiều muối, lối sống lười hoạt động thể chất, lạm dụng rượu, sự đô thị hóa và ô nhiễm môi trường.

BS.TS Lại Đức Trường, cán bộ của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) chia sẻ thông tin về sự hỗ trợ của WHO từ công tác quản lý tăng huyết áp tại các trạm y tế cộng đồng ở Việt Nam, trong khi đại diện của PATH chia sẻ về cách tiếp cận đổi mới trong quản lý tăng huyết áp ở TP.HCM.

Trong phiên kết luận, GS.TS Nguyễn Lân Việt, PGS.TS Nguyễn Thị Bạch Yến và các đại biểu y tế địa phương sẽ thảo luận về kinh nghiệm và góc nhìn về chẩn đoán, điều trị tăng huyết áp và bệnh tim mạch trong bối cảnh các khu vực nông thôn và ở cộng đồng. Hầu hết các bệnh tim mạch có thể được ngăn ngừa bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ liên quan đến lối sống và môi trường. Những người bị bệnh tim mạch, hoặc có nguy cơ tim mạch cao do tăng huyết áp, cần được phát hiện sớm để được thăm khám, tư vấn và sử dụng thuốc nếu cần.

Theo Đời sống
back to top