Các bệnh khiến tinh dịch có máu

(khoahocdoisong.vn) - Tinh dịch có máu là biểu hiện của nhiều bệnh. Trước 40 tuổi thường lành tính nhưng sau 40 tuổi cần cảnh giác với các bệnh lý khối u, đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến.

Biểu hiện nhiều bệnh nhưng ít được phát hiện

Tinh dịch có máu là một hiện tượng máu chảy bất thường vào tinh dịch. Nếu máu vừa mới chảy ra ngay trong lúc xuất tinh thì tinh dịch thường có màu đỏ tươi hoặc có những sợi máu đỏ pha lẫn. Trường hợp máu đã chảy ra và nằm lâu trong tinh dịch thì tinh dịch có màu nâu đỏ – màu gỉ sắt. Trường hợp nữa sẽ phối hợp cả hai hình thái trên tức tinh dịch xuất ra vừa có màu đỏ tươi, vừa có màu đỏ nâu. Xuất tinh máu có thể xuất hiện đơn độc, không kèm triệu chứng gì khác. Xuất tinh máu cũng có thể đi kèm các triệu chứng khác của đường tiết niệu - sinh dục như tiểu gắt buốt, đau vùng bìu… hay các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân…

Nguyên nhân tinh dịch có máu có nhiều nhưng thông thường nhất vẫn là viêm nhiễm của túi tinh và tiền liệt tuyến, ngoài ra có thể gặp như chấn thương, viêm niệu đạo, polyp niệu đạo, sùi mào gà trong niệu đạo (trong thực hành tại phòng khám chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp tình cơ phát hiện bị sùi mào gà sâu trong lỗ đáo khi đi khám xuất tinh ra máu), ung thư tiền liệt tuyến, các bệnh toàn thân như rối loạn đông máu, suy gan...

Bệnh gặp ở bất kỳ tuổi nào sau dậy thì, trước 40 tuổi thường lành tính, sau 40 tuổi trở lên phải luôn cảnh giác với các bệnh lý khối u đặc biệt là ung thư tiền liệt tuyến. Thông thường tinh dịch có máu, bệnh nhân ít khi có dấu hiệu đau. Dấu hiệu đau chỉ gặp trong tình trạng viêm tiền liệt tuyến, túi tinh, tinh hoàn cấp. 

Máu trộn lẫn tinh trùng sẽ không có lợi cho tinh trùng bởi vì các tế bào bạch cầu trong máu sẽ ăn tinh trùng (hiện tượng thực bào). Chảy máu cứ tái diễn thường xuyên thì cơ thể sẽ hình thành các kháng thể kháng tinh trùng trong máu. Vì vậy, khi xuất hiện thấy tinh dịch có màu sắc bất thường thì nên đi khám sớm để xác định rõ bệnh. Điều này giúp sớm phục hồi khả năng sinh sản và tình dục cũng như phòng và chữa sớm các bệnh lý khác nhất là các bệnh ung thư được sinh dục tiết niệu...

Cách phát hiện bệnh và điều trị

Chỉ cần bằng quan sát mẫu tinh dịch bằng mắt thường sẽ thấy máu trong tinh dịch nhưng đối với một số trường hợp phải quan sát tinh dịch trên kính hiển vi mới biết được. Nhưng để đi sâu tìm nguyên nhân và hướng điều trị thì phải kiểm tra thêm các xét nghiệm khác và đây là công việc phức tạp hơn như:

(1) phân tích tinh dịch đồ có thể thấy hồng cầu tùy mức độ trong tinh dịch; (2) nuôi cấy vi khuẩn trong mẫu tinh dịch tìm vi khuẩn gây bệnh; (3) Siêu âm đầu dò trực tràng có thể thấy những tổn thương của túi tinh và tiền liệt tuyến như viêm hay sỏi túi tinh, nang túi tinh, viêm tiền liệt tuyến...;

(4) Soi niệu đạo bàng quang có thể thấy hình ảnh viêm, xuất huyết hay polyp...; (5 ) Chọc dò sinh thiết tiền liệt tuyến làm giải phẫu bệnh qua hướng dẫn của siêu âm là một tiêu chuẩn tốt để loại trừ ung thư tiền liệt tuyến; (6) Ngoài ra cũng nên kiểm tra PSA máu (kháng nguyên phát hiện ung thư tiền liệt tuyến) đối với người trung niên trở lên;

(7) Có thể làm thêm chụp cộng hưởng từ, hình ảnh túi tinh và tiền liệt tuyến sẽ rõ nhất ở lát cắt thì T2 ngấm thuốc; (8) Các xét nghiệm công thức máy, đông máu, nước tiểu cũng là xét nghiệm thường quy phải làm.

Điều trị bệnh dựa vào kết quả chẩn đoán, điều trị theo nguyên nhân, viêm nhiễm dùng kháng sinh ưu thế đường niệu sinh dục... và các chất kháng viêm trong đợt tấn công. Sau đợt tấn công nên dùng tiếp đợt duy trì  kéo dài trong 2-3 tuần theo chỉ định của bác sĩ. Trường hợp có sỏi túi tinh, sỏi tiền liệt tuyến thì nên dùng nội soi gắp sỏi. Ung thư tiến liệt tuyến cần phẫu thuật cắt bỏ tiền liệt tuyến kèm theo nạo vét hạch và phối hợp tia xạ và hóa chất nếu cần.

GS.TS Đỗ Trọng Hiếu (nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khỏe sinh sản – Bộ Y tế)

Theo Đời sống
Hà Nội: Ca mắc rubella đầu tiên đã tiêm 2 mũi vắc xin phòng bệnh

Bệnh rubella nguy hiểm thế nào?

Rubella là bệnh truyền nhiễm do vi rút Alphavirust genus và Rubivirus genus gây ra. Bệnh rubella có tính lây truyền cao dễ gây thành dịch lớn và đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ mang thai.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top