Ca sĩ Thái Thùy Linh: Hy sinh một chút để sớm đến ngày chiến thắng

(khoahocdoisong.vn) - “Hướng về miền Nam ruột thịt”, nhiều nhóm thiện nguyện các tỉnh đã đến TPHCM phối hợp, hỗ trợ chính quyền và người dân chống dịch. Bên cạnh những câu chuyện cảm động, những yêu thương, chia sẻ, ấm áp nghĩa tình, hoạt động thiện nguyện ở TPHCM lúc này còn rất nhiều khó khăn, bất cập. Ca sĩ Thái Thùy Linh - nữ chiến binh 10 năm lăn lộn với các hoạt động thiện nguyện đang ở “tâm dịch” Sài Gòn đã có cuộc chia sẻ với độc giả KH&ĐS về vấn đề này.

Hết dịch mới về

Biến thể Delta khiến nhiều người e ngại, sao Thái Thùy Linh lại quyết tâm xông lên tuyến đầu?

Khi Linh thông báo quyết định sẽ vào Sài Gòn góp sức chống dịch, tất cả mọi người trong gia đình đều can ngăn, bạn bè có người mắng mỏ thậm tệ, có người chế giễu cho rằng Linh nghệ sĩ, cao hứng, muốn làm người hùng... Thật ra là mọi người lo cho mình thôi. Có một người bạn bác sĩ lúc đầu rất phản đối, nhưng sau khi nói chuyện, kiểm tra các kiến thức về phòng chống Covid-19 thì đã đồng ý cho Linh đi. Một vài người bạn trong ban chống dịch cũng động viên, tin tưởng Linh vào sẽ có nhiều sáng kiến giải pháp hay giúp đỡ bà con. Mà Linh phải vào mới làm được việc. Thế là âm thầm chuẩn bị 2 vali đồ bảo hộ cho bản thân. Linh chưa tiêm văcxin nhưng đã tìm hiểu quan sát rất kỹ quy định chống dịch.

Trước đây chưa có văcxin, các bác sĩ chỉ cần có đồ bảo hộ đầy đủ cũng vẫn an toàn, tỷ lệ lây nhiễm không cao. Chuẩn bị một thời gian, đến khi tình hình chạm mốc 2.000 ca thì Linh không thể chần chừ thêm nữa, quyết định phải bay vào ngay.

Nhưng Linh thấy đấy, dịch Covid-19 đã 2 năm rồi, vào Sài Gòn lúc này có thể hết dịch mới được về?

Khi đi Linh cũng đã xác định hết dịch mới về. Hơn bao giờ hết mình hiểu nếu cứ kéo dài tình trạng này, Việt Nam không chiến thắng thì gia đình mình cũng bị ảnh hưởng và biết đâu đấy cũng có thể mất mát thương vong. Nên mình nghĩ mỗi người dân phải coi việc chống "giặc" Covid-19 là của mình, không thể kệ Nhà nước lo.

Đây là lúc không phải hô khẩu hiệu mà toàn dân phải đoàn kết đồng lòng, thậm chí phải có sự hy sinh nữa. Mỗi người hy sinh một chút hoặc hy sinh nhiều thì mới có thể đi đến một thắng lợi chung.

Nghe nói có hiện tượng chạy đua giữa các nhóm thiện nguyện để phát cơm cho người vô gia cư phải không?

Thời gian vừa qua có xảy ra một vài bất cập trong việc phát cơm từ thiện ngoài đường phố ở Sài Gòn. Vì không có đánh số, không có đăng ký như trong các viện, các khu dân cư... nên có sự chồng chéo, trùng lặp, một người vô gia cư mỗi tối có thể nhận tới cả chục hộp cơm, ăn không hết vứt đi gây lãng phí, mất vệ sinh môi trường.

Linh đã đi theo một nhóm phát cơm khảo sát thấy rác từ các bữa cơm từ thiện ăn xong vứt lung tung không ai quản lý. Đang lúc dịch giã mọi hoạt động gián đoạn, việc vứt rác tăng gánh nặng vệ sinh môi trường là không nên. Phát cơm cho người vô gia cư cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc vì những người vô gia cư có xu hướng hay tụ tập bên vỉa hè cùng nhau. Cũng có những người giả danh vô gia cư cứ đến giờ chạy ra đứng xin cơm, xin đồ xong bán là có thật.

Vậy kế hoạch hành động của nhóm Linh như thế nào?

Chưa bao giờ Sài Gòn trải qua một không khí căng thẳng, kỳ lạ như bây giờ. Nhu cầu hỗ trợ của bà con rất lớn. Các cán bộ dù có chạy hết công suất thì cũng có dấu hiệu quá tải về sức khỏe, về áp lực. Không một cán bộ nào không bận, mỗi người một việc, tất cả huy động đi chống dịch. Những gương mặt bơ phờ mệt mỏi, mồ hôi ướt sũng. Bà con kêu đói khổ cũng có cái lý của bà con, nhưng thật sự nhìn thấy sự quá tải của bộ máy thì phải rất thông cảm và cần một giải pháp hỗ trợ.

Và Linh lập ra tổng đài “Người Việt thương nhau”. Ai khó khăn cần hỗ trợ gọi vào 4 số hotline tổng đài hoặc đăng lên facebook của nhóm. Tổng đài tập hợp thông tin ở tất cả mọi nơi, chuyển về đội xác minh. Đội xác minh dùng công nghệ và bảng câu hỏi kiểm tra, đồng thời kiểm tra chéo qua địa phương, chính quyền. Nếu xác nhận đúng khó khăn thì “chốt đơn” lập danh sách chuyển sang nhóm điều phối. Nhóm điều phối sẽ xem người đó cần giúp đỡ gì, tính toán địa điểm, cung đường và chuyển yêu cầu xuống nhóm hậu cần. Nhóm hậu cần sau khi giao hàng sẽ chụp ảnh gửi xác nhận cho tổng đài viên tổng hợp. Linh tin rằng quy trình đó sẽ bớt chồng chéo, dần dần bớt tin giả, gian lận, và bà con khó khăn không ai bị bỏ lại phía sau.

Hỗ trợ rau xanh cho bà con.

Hỗ trợ rau xanh cho bà con.

Cần chung sức đồng lòng

Cái khó nhất trong thời điểm này khi hoạt động thiện nguyện trong TPHCM là gì?

Với tình hình dịch như hiện nay, mỗi thời điểm sẽ có cái khó riêng. Hiện tại thì tình hình giao thông đang rất khó khăn cho các nhóm thiện nguyện. Các đội nhóm tình nguyện đang tạm thời giảm vì đi lại qua nhiều chốt chặn khắp mọi nơi, không chứng minh được tính cấp thiết thì đều bị giữ phương tiện. Các chuyến xe chở hàng từ ngoài Bắc vào cũng vậy và chuyện chậm trễ là chắc chắn xảy ra. Nhưng Linh cho đây là dấu hiệu đáng mừng hơn đáng lo, chứng tỏ mọi việc đang được kiểm soát rất chặt chẽ.

Tuy nhiên, thành phố nên sớm ban hành quy định cụ thể để các nhóm thiện nguyện kịp thời hỗ trợ bà con, tránh lãng phí, mất đi lượng hàng thiện nguyện bà con nhiều nơi đang cần như bữa cơm, đồ bảo hộ, lương thực...

Có người nói TPHCM không thiếu lương thực, sao phải vận chuyển tận ngoài Bắc vào?

Đúng là không thiếu lương thực nhưng quan trọng là giá như thế nào. Sau thời gian giãn cách, giao thông khó khăn, có rất nhiều lý do khiến giá thực phẩm lên cao. Trong khi đó, ngoài Bắc sẵn sàng chi viện, giá lại rẻ. Có những chuyến xe 0 đồng kết hợp quay đầu từ Nam ra Bắc, họ chở miễn phí đúng nghĩa thì tại sao lại không mang thực phẩm ngoài Bắc vào ủng hộ bà con.

Một mình Thái Thùy Linh thân gái “đơn thương độc mã” vào Sài Gòn, làm thế nào “một chú chim én có thể làm nên mùa xuân”?

Nói ra không ai tin Linh “đơn thương độc mã” một mình vào Sài Gòn mà tổ chức được cả một mạng lưới hoạt động hàng chục nhóm nhỏ kết nối nhịp nhàng, tổ chức hỗ trợ hàng chục tấn gạo, tấn rau, tấn cá... mọi thứ đều tính bằng tấn.

Thật ra, Linh cũng rất may mắn, nhờ quá trình 10 năm làm thiện nguyện uy tín nên vào Sài Gòn kết nối được rất nhanh với hai nhóm thiện nguyện khác của anh Vương Việt Phương và nhóm “Chuyến rau vui vẻ”. Nhóm anh Phương có mặt bằng, xe cộ, nhân sự. Mình thì đóng góp giải pháp, sáng kiến, nguồn lực mà mình huy động được (gạo, cá, bếp...). Nhóm “Chuyến rau vui vẻ” chuyên về nông nghiệp mỗi ngày góp 1 - 2 tấn rau, củ quả. Vì vậy, chương trình lớn mạnh rất nhanh, phân phối mấy trăm suất quà mỗi ngày rất kịp thời nhịp nhàng. Chiến dịch lần này Linh muốn nhấn mạnh cách làm thiện nguyện hợp tác và đồng hành cùng nhau, kết hợp thế mạnh của các nhóm sẽ tránh chồng chéo, mất sức, hiệu quả hơn...

Tặng quà cho người già neo đơn.

Tặng quà cho người già neo đơn.

Cuộc chiến đấu còn dài, chưa rõ ngày về. Linh mong ước gì lúc này?

Mong ước người dân cả nước chứng kiến không khí Sài Gòn trong lúc này để mọi người đồng lòng chung sức chống dịch. Hơn bao giờ hết phải đồng lòng, mỗi người chấp nhận hy sinh một chút để có thể sớm đến ngày chiến thắng. Đã có những mất mát rồi nhưng nếu không đồng lòng thì sẽ tổn thất rất lớn.

Một điều nữa, mình không ngại vất vả, chỉ sợ thiếu sự cảm thông. Gần đây, rất nhiều nhóm thiện nguyện bị khen chê, trách móc, ném đá. Các tình nguyện viên phần lớn là các bạn trẻ, non kinh nghiệm, chưa được đào tạo vẫn xả thân góp sức vì cộng đồng nhưng lại bị trách mắng. Ngồi giữa tâm dịch, tiếng còi cứu thương không dứt, còn nghe trách móc vì báo cáo chậm, vì cám ơn chậm, vì quà đến chậm... nó nghẹn lắm ạ!

Xịt khuẩn liên tục để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Xịt khuẩn liên tục để bảo vệ bản thân và cộng đồng.

Cảm ơn Thái Thùy Linh! Chúc Linh thật nhiều sức khỏe và bình an!

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
back to top