Cá khủng dễ tích tụ độc tố

có những trường hợp bắt được những con cá nặng đến hàng trăm kg. Theo các chuyên gia, cá khủng dễ tích tụ độc tố chứ không bổ dưỡng như ta tưởng.

Cá khủng là cá nheo

Một thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội cho thấy người dân một làng ở Ninh Bình vừa rình bắt được con cá trê khổng lồ nặng 58kg. Tài khoản Facebook có tên T.D kèm hình ảnh con cá với kích thước và cân nặng cực khủng.

Theo đó, T.D cho biết, con cá này đã sống trong ao làng nhiều năm nay, ăn hết tất cả cá do người làng thả xuống, vì thế bị người dân rình, vây bắt đến ngày 20/4 mới “sa lưới”.

Sự việc xảy ra tại một ngôi làng thuộc tỉnh Ninh Bình và con cá này thuộc giống cá trê, loài cá có thể ăn thịt rất nhiều sinh vật dưới nước, nặng tới 58kg, bằng với số cân của một người trưởng thành.

TS Nguyễn Kiêm Sơn, chuyên nghiên cứu về cá, nguyên là cán bộ Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật khi nhìn những hình ảnh này khẳng định đây là cá nheo chứ không phải cá trê. Cá trê sống ở tầng đáy, ăn bùn hữu cơ và các sinh vật khác chứ không ăn thịt.

Cá trê nặng nhất cũng chỉ khoảng 10kg. Còn cá nheo có thể nặng đến 300kg, sống ở các ao hồ, đầm lầy và làm tổ ở các vùng cỏ. Thức ăn của chúng là các loài cá nhỏ hơn, trứng cá. Chúng có râu nhỏ, đuôi mảnh.

Đây là loại cá ăn tạp, phát triển nhanh, lấn át các loài khác nên người ta thường không nhân nuôi đại trà. Thức ăn của chúng thậm chí là cả phân người, cỏ rác…

“Nếu giữ làm bảo tồn, tiêu bản để trưng bày thì những con cá lớn này có giá trị. Còn ngược lại thì không, vì để chăn nuôi đem lại hiệu quả kinh tế, người ta chọn các giống cá có trọng lượng vừa phải, chất lượng thịt thơm ngon, không tranh giành môi trường sống với các loài khác.

Những loài có trọng lượng quá lớn không phù hợp để nuôi đại trà, và cũng không nuôi chung với các loài khác. Ngoài cá nheo thì cá lăng cũng có thể nặng đến 50-60kg hiện được một số địa phương nuôi. Đây đều là những giống cá bản địa ”, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết.

Cá càng to, càng dễ tích độc

Đánh giá về giá trị dinh dưỡng của những con cá khủng này, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho rằng, cá càng to thì khả năng tích tụ chất độc kim loại nặng trong cơ thể càng lớn. Nếu trong môi trường sống có kim loại nặng, các hóa chất ô nhiễm thì cá to chắc chắn sẽ hấp thụ.

Lượng chất độc này không làm chết cá, nhưng lại nguy hại cho sức khỏe người sử dụng nếu ăn thịt cá do quá trình tích tụ độc tố của cá là từ từ, chúng có thể thích nghi. Nhưng với con người, sử dụng thực phẩm đó sẽ không tốt cho sức khỏe, thậm chí là ngộ độc.

“Có một số con cá sống ở các cửa sông, nơi có các nhà máy thải ra môi trường nước thải ô nhiễm, chúng bị nhiễm độc kim loại nặng. Lượng kim loại này không làm cho chúng chết, nhưng khi con người bắt cá ăn thịt thì cũng vô tình ăn luôn là những độc tố này. Cá càng lớn thì độc tố tích tụ càng nhiều.

Điều đáng nói là rất khó để phát hiện cá có bị nhiễm độc tố hay không nếu không đem thịt cá đi làm các xét nghiệm hóa sinh. Chỉ những trường hợp cần nghiên cứu khoa học thì người ta mới thực hiện các thí nghiệm này. Do đó, việc ăn thịt cá càng to thì rủi ro cũng càng lớn. Tất nhiên, nếu là con cá sống ở môi trường trong lành, sạch sẽ thì cá to, sống lâu năm sẽ cho chất lượng thịt tốt”, TS Nguyễn Kiêm Sơn cho biết.

Theo TS Nguyễn Kiêm Sơn thì giá trị dinh dưỡng của cá phụ thuộc vào môi trường sống, nguồn thức ăn và giống cá. Cá sống ở môi trường càng trong lành thì chất lượng thịt cá càng cao. Cá nheo loài da trơn, phàm ăn, sinh sống trong các khu vực nhiều cỏ, hang hốc dọc bờ sông. Chúng là loài cá chậm chạp, kiếm ăn tại tầng bùn đáy. Cá non chủ yếu ăn côn trùng, con trưởng thành ăn động vật giáp xác và thân mềm. Thịt cá nheo khá thơm ngon.

“Cá nheo là loài ăn tạp, thích săn mồi nên trong một khu vực như ao, hồ, 1 con cá nheo có thể ăn hết các loài cá khác. Do đó người ta gọi nó là cá “thành tinh”. , TS Nguyễn Kiêm Sơn.

Bảo Khánh

Theo Đời sống
back to top