Cá hồng không chứa chất độc

Vừa qua, một gia đình 10 người ở Khánh Hòa sau khi ăn lẩu cá hồng nhím đã ngộ độc, sau khi ăn, cả nhà bắt đầu đau bụng, buồn nôn, mỏi chân tay nên vội vã vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa cấp cứu và điều trị. Nhiều người cho rằng nguyên nhân do ngộ độc cá hồng. Tuy nhiên, các chuyên gia, trong danh mục khoa học không có loài cá hồng nhím. Đối với cá hồng cũng là loài không có độc tính. Vì thế, cần xác định lại loài cá để người dân đỡ lo lắng.

Không có loài cá hồng nhím!

Trong sự cố ngộ độc trên, có 3 người bị rất nặng, tím tái, khó thở, trương lượng cơ yếu phải thở máy tại khoa hồi sức tích cực chống độc. Các bệnh nhân còn lại đang được điều trị tại các khoa nhi, nội tổng hợp thần kinh, nội cán bộ của bệnh viện.

BS Mạc Văn Hòa, Trưởng khoa Nội tổng hợp Thần kinh cho biết, các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tê tay chân, đi tiêu phân lỏng nhiều lần. Sau khi điều trị tại khoa hiện tại sức khoẻ của các bệnh nhân đã cơ bản ổn định, một vài bệnh nhân còn tê tay chân một chút. Độc tố được phát hiện là tetrodotoxi – một độc tố giống độc tố của cá nóc.

Cá hồng không chứa chất độc ảnh 1

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Lựu, Trưởng ban Hợp tác quốc tế và Thông tin Hội nghề cá Việt Nam cho rằng, cần xác định lại loài cá mà người dân đã ăn phải. Bởi trong danh mục khoa học chỉ có loài cá hồng (với nhiều loài khác nhau) mà không có loài cá hồng nhím! Vì thế, nếu nói loài cá hồng nhím gây ngộ độc với chất độc giống cá nóc thì cần xem xét lại.

“Có một số loài cá nóc và một số loài nhuyễn thể có chứa chất độc tetrodotoxi là do chúng ăn một loài tảo độc. Cũng chỉ cá nóc mới ăn loại tảo này còn các loài cá khác không ăn. Do đó, nếu nói cá hồng nhím có chứa chất độc này là chưa phù hợp lắm”, ông Lê Thanh Lựu cho hay.

Một chuyên gia thuộc Hội Nghề cá tỉnh Khánh Hòa cũng cho hay, cá hồng không phải là loài cá có độc tính, nhất là chất độc của cá nóc tetrodotoxi. Người dân Khánh Hòa tương đối sành ăn về cá, họ biết cá nóc có chất độc nhưng cá hồng thì không. Có thể trường hợp cá hồng có chứa chất tetrodotoxi là do ăn phải trứng cá nóc hoặc loài nhuyễn thể chứa chất độc này.

“Không có sự phân biệt cá thịt trắng hay cá thịt đỏ thì sẽ ngon hơn hay ít độc hơn. Bởi tùy vào tập tục cũng như sở thích của mỗi người sẽ thấy các loài cá vừa miệng hơn. Còn các loài cá, trừ các loài đã khuyến cáo có chứa độc tố không được ăn thì chế biến cá khi đang tươi là ngon và tốt nhất. Theo đó, cá hồng để chế biến ngon cần phải là cá tươi. Lúc này, thịt cá rắn và thơm, không có các chất được xem là độc sản sinh ra sau khi cá ươn”.

Ông Lê Thanh Lựu

Cá hồng không chứa histamin

Trước thông tin cho rằng, cá hồng có chứa chất histamin nên cũng gây ngộ độc tương tự như cá ngừ, ông Lê Thanh Lựu khẳng định điều này cũng chưa phù hợp. Bởi bản thân cá ngừ không chứa histamin, nhưng do quá trình xử lý bảo quản sau khi bắt được cá (cụ thể là cá chết) không nhanh, làm cá dãy dụa nhiều thì sinh lý của loài cá sẽ sản sinh ra chất histamin. Chất này có thể gây dị ứng hoặc ngộ độc, khiến thịt cá có vị đắng.

Đối với cá hồng, về cơ bản không có histamin sau khi chết. Thậm chí, cá hồng được xem là loài cá thịt ngon, nhiều chất dinh dưỡng và lành tính nên được nhiều người ăn, thậm chí có loài cá đắt tiền (có loài lên đến 200USD/kg – khoảng 4,5 triệu đồng).

Vân Đài

Theo Đời sống
back to top