Buýt nhanh BRT nghênh ngang giữa đường phố tắc nghẽn

TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc NXB Giao thông Vận Tải, sau khi được đầu tư hơn 1 nghìn tỉ đồng, buýt nhanh BRT đã không phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

Trong khi đó, BRT thì một mình một làn đường, đi nghênh ngang giữa phố. Các phương tiện khác chen nhau ùn tắc ở làn đường bên cạnh. Nếu BRT là sai lầm thì nên nhận sai để sửa.

Mở làn để “sửa sai”

Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị (Sở GTVT Hài Nội) vừa đưa ra đề xuất: Trong một số khung giờ cho các phương tiện khác được sử dụng chung làn đường buýt nhanh BRT. Cụ thể từ 4h đến 23h hàng ngày, các tuyến buýt thường được đi vào đường dành cho buýt nhanh BRT01 (bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã). Các phương tiện khác được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 23h đến 4h ngày hôm sau. Nhiều ý kiến cho rằng việc mở làn như vậy không có ý nghĩa gì nhiều, ví dụ ở khung giờ từ 23h đến 4h sáng hôm sau thì gần như không có xe lưu thông. Ông bình luận thế nào về đề xuất này?

Đúng là việc đề xuất mở làn BRT vào những khung giờ như vậy không có ý nghĩa trong việc giảm ùn tắc, bởi ở khung giờ vào ban đêm như vậy thì gần như không có xe lưu thông. Tuy nhiên lãnh đạo Hà Nội cũng vừa khẳng định không có chuyện cho xe buýt thường đi vào làn buýt nhanh BRT mà đó chỉ là đề xuất của một đơn vị. Theo quan điểm của tôi thì nên cho các phương tiện khác đi vào đường cho xe buýt BRT như một cách để sửa sai.

Vì sao ông lại không đồng tình phát triển buýt nhanh BRT ở Hà Nội?

Hà Nội là một thành phố có đường phố chật hẹp, đặc biệt với các tuyến đường như Tố Hữu, Láng Hạ, Lê Văn Lương, Giảng Võ… mặt đường rất hẹp lại luôn là điểm nóng giao thông, vì việc phải dành riêng làn đường cho BRT chạy và cấm các phương tiện khác là sự bất hợp lý và lãng phí quá nhiều hạ tầng giao thông.

Nhưng ở các nước họ làm buýt nhanh BRT rất thành công?

Họ tổ chức giao thông tốt, có các điểm kết nối, cứ 3-5 phút lại có một chuyến với lượng hành khách vận chuyển rất lớn nên làn đường không bị rỗng. Còn ở ta, buýt nhanh BRT dù được ưu tiên dành riêng làn đường nhưng hiệu quả kém, người đi không đạt như kỳ vọng và hiệu quả không tương xứng với số tiền dành để đầu tư. Phải 5-10 phút mới có 1 chuyến nên khoảng trống giao thông cực lớn trong khi các phương tiện phải chen chúc trong một làn đường chật hẹp

Nhưng so với buýt thường, buýt nhanh BRT cũng phát huy hiệu quả đấy chứ?

Đối với xe buýt thường ở nước ta một tuyến chạy hết công suất có thể vận chuyển được 5 ngàn hành khách/1 giờ. Trong khi đó, lượng người đi xe BRT không cao, đường được dành riêng 1 làn. Hiệu quả kém không tương xứng với số tiền đầu tư đó là điều ai cũng nhận thấy.

Buýt BRT nghênh ngang giữa đường tắc

Dành hẳn một làn đường cho xe buýt BRT trong điều kiện giao thông Hà Nội như ông nói là chưa hợp lý?

Tuyến buýt nhanh Kim Mã – Yên Nghĩa đã chiếm một trong 3 làn xe chạy trong khi các phương tiện khác chen chúc, ùn tắc là điều bất hợp lý. Trong khi một làn đường rộng thênh thang, xe buýt BRT nghênh ngang di chuyển thì làn đường khác, các phương tiện khác chen chúc trong ùn tắc, là điều bất hợp lý.

Trong điều kiện nào thì xe buýt nhanh BRT mới đáp ứng được yêu cầu?

Nếu cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu, kết nối giữa các loại hình giao thông tốt thì tuyến buýt nhanh có thể duy trì từ 1 phút- 3 phút/ chuyến. Nghĩa là các xe sẽ san sát nhau, phương tiện khác có muốn chen vào làn đường cũng không được.

Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay, xe buýt nhanh mới chỉ di chuyển với tần suất 15 phút/chuyến, lượng hành khách vận chuyển chưa cao, chỉ nhỉnh hơn một chút so với xe buýt thường.

Vậy Hà Nội có thể sửa sai như thế nào thưa ông?

Từ nay đến năm 2025, Hà Nội không nên xây dựng dự án buýt nhanh. Bởi lẽ, sau khoảng 7 năm tới đây, các dự án đường sắt trên cao đi vào hoạt động; nâng cấp, mở rộng hạ tầng giao thông đô thị… cơ bản mới đáp ứng các tiêu chí để triển khai dự án xe buýt nhanh. Còn bây giờ, trong khi BRT chưa phát huy được tác dụng thì nên cho các phương tiện khác đi vào làn đường của BRT, tránh lãng phí không gian và giảm ùn tắc.

Nhưng nếu cho phương tiện khác đi vào làn BRT thì hóa ra công nhận BRT là thất bại à?

Tôi thấy buồn cười khi người ta quyết không cho xe khác, kể cả xe buýt đi vào làn đường buýt nhanh BRT. Tôi cho rằng đó là quyết định chưa đúng.

Tôi không chỉ trích ai

Từ mấy năm nay ông đều phản đối đầu tư buýt BRT ở Hà Nội, ông không sợ người ta ghét ông, bảo ông không có tinh thần xây dựng?

Tôi không chỉ trích ai cả. Tôi là một nhà khoa học, mong muốn người ta phát triển giao thông đô thị một cách bài bản, hiệu quả, và cầu thị. Nếu phát triển vì người dân thì phải rút kinh nghiệm từ cái sai để mà sửa chữa.

Tôi nói nhiều, chỉ bởi mong muốn như thế, chứ tôi nói thì có được gì đâu. Tôi có thể đứng lên khẳng định với tất cả mọi người rằng việc đầu tư xe buýt BRT là sai rồi. Làm thất thoát tiền của nhà nước, đồng thời thể hiện sự yếu kém trong lãnh đạo điều hành.

Người đồng tình với quan điểm của ông có nhiều không?

Có thể tôi chỉ là thiểu số. Có một số người cũng tự xưng là chuyên gia nói một cách máy móc, không linh hoạt, không nhìn vào thực tế. Tôi có 40 năm nghiên cứu về giao thông đô thị, tôi có thể khẳng định chúng ta đang làm BRT sai. Có người bảo, sao sao trên xe vẫn đầy hành khách. Xin đừng nói như thế. Hãy so sánh với xe buýt thường để thấy nó có hiệu quả hay không.

Ông không sợ “đụng chạm” khi nó thẳng như thế?

Tôi làm khoa học nên tôi chỉ sợ sai về mặt khoa học, còn những thứ khác đâu cần quan tâm. Khi mình đúng, thì phải bảo vệ. Khi mình sai thì phải có tinh thần cầu thị, học hỏi để sửa chứ.

Nếu ông là lãnh đạo của Hà Nội, ông sẽ làm gì?

Tôi sẽ phải phê bình thẳng thắn những người có trách nhiệm, thậm chí sẽ cho một vài anh mất chức chứ không đùa. Nếu cứ phát triển kiểu này, làm thêm 10 tuyến BRT nữa thì Hà Nội hết chỗ đi. Tôi mong là người ta cầu thị, biết sai thì sửa. Làm cái gì cũng phải có tâm huyết, thời gian. Không thể vội vàng, dập khuôn máy móc được.

Xin cảm ơn ông!

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị, sau 1 năm chính thức đi vào vận hành, tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội vận chuyển được gần 5 triệu lượt hành khách. Tỷ lệ xe xuất bến đúng giờ đạt 98,7%. Tốc độ chạy xe trung bình gần 20km/h (nhanh hơn 30% so với buýt thường); thời gian chạy xe trung bình là 45 phút/lượt (giảm gần 20% so với xe buýt thường). Vận tốc chạy xe ổn định, đúng kế hoạch do được hoạt động trong làn đường dành riêng ít bị tác động bởi tình trạng ùn tắc. Đa phần hành khách hài lòng và đánh giá chất lượng dịch vụ của tuyến có những ưu điểm, thuận tiện hơn nhất nhiều so với các tuyến buýt thông thường khác.

Tô Hội (thực hiện)

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
back to top