Bụi mịn ảnh hưởng nghiêm trọng tới trẻ em dưới 5 tuổi

(khoahocdoisong.vn) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi hạt có kích cỡ lớn hơn 10 micromet, tuy nhiên với các kích cỡ bụi từ 0,01 đến 5 micromet sẽ bị giữ lại trong khí quản và phế nang.

Bụi mịn PM2.5 (có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) là chất gây ô nhiễm nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người. Bụi mịn có thể xâm nhập sâu vào cơ thể do có kích thước siêu nhỏ và ảnh hưởng sức khỏe nhiều người hơn bất kỳ chất gây ô nhiễm nào khác, ngay cả ở nồng độ thấp. Theo BS.Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Bạch Mai, vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, chỉ số ô nhiễm cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên tim mạch, hô hấp cũng tăng cao. Những người bị ảnh hưởng đầu tiên và rõ rệt nhất là người có sẵn bệnh lý tim mạch, hô hấp. Người bệnh thấy khó thở, ho nhiều hơn, kèm theo tức nặng ngực và các dấu hiệu của một đợt bệnh cấp tính.

Theo tổng kết của WHO, ô nhiễm không khí liên quan tới 30% ca tử vong do ung thư phổi, 25% các ca đột quỵ não và bệnh lý tim mạch. Riêng bệnh lý hô hấp, có đến 435 ca tử vong do bệnh lý hô hấp là có liên quan tới ô nhiễm không khí.

Tại Hội nghị Nữ khoa học và công nghệ lần thứ nhất khu vực phía Bắc do Hội Nữ trí thức VN tổ chức tháng 10/2019 tại Hà Nội, TS. Lương Thị Mai Ly, trường ĐHKHTN, ĐHQG Hà Nội cho biết, ô nhiễm không khí ở Việt Nam, đặc biệt ở Hà Nội và TP HCM đang ở mức báo động nhưng số lượng các nghiên cứu về ảnh hưởng ô nhiễm không khí đến sức khỏe ở VN vẫn còn hạn chế. Trường ĐHKHTN đã nghiên cứu đánh giá tác động các bụi mịn trong không khí như PM10, PM2.5, PM1 đối với nguy cơ nhập viện do các bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ tại Hà Nội. 

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, ô nhiễm bụi có tác động đáng kể với nguy cơ nhập viện do các bệnh hô hấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó bụi càng mịn thì khả năng phát tán càng xa, thời gian lơ lửng trong không khí càng dài, do đó ảnh hưởng đối với sức khỏe càng lớn. Cụ thể, với mỗi sự gia tăng 10µg/m3  của PM10, PM2.5, PM1 sẽ liên quan đến sự gia tăng nguy cơ nhập viện lần lượt là 1,4%; 2,2% hoặc 2,5% trong cùng ngày tiếp xúc. 

Để kiểm soát bụi mịn, phòng tránh bệnh hô hấp cho trẻ và cho người lớn, theo các chuyên gia, người dân ra đường cần đeo khẩu trang đạt chất lượng và an toàn đối với sức khỏe, khẩu trang phải ôm kín tối ưu khuôn mặt. Cần thường xuyên vệ sinh nhà cửa, phòng ốc, làm thông thoáng môi trường sống. Với các gia đình dùng bếp than tổ ong để đun nấu nên chuyển sang dùng các loại bếp khác.

Bụi mịn PM10, PM2.5 tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm như từ 7 giờ đến 8 giờ sáng và 18 giờ đến 19 giờ chiều. Vào buổi trưa từ 13 giờ đến 14 giờ và ban đêm từ 23 giờ đến 1 giờ sáng thì có hướng giảm xuống thấp nhất, lượng bụi cũng phụ thuộc lớn vào sự di chuyển của các phương tiện giao thông, vì vậy vào những thời điểm nhạy cảm nên hạn chế ra đường khi không cần thiết. 

Theo Đời sống
back to top