Bồi bổ cho người bị phế quản kinh niên vào mùa đông

(khoahocdoisong.vn) - Bệnh phế quản mạn (kinh niên) còn gọi là “ho kinh niên” bước vào mùa đông ăn uống sinh hoạt chỉ cần hơi sơ suất một chút là sẽ mắc bệnh. Vì vậy, người mắc bệnh vào mùa đông cần phải bồi bổ để phòng chống bệnh.

Thực bổ: Trước tiên phải áp dụng phương pháp thực bổ. Bởi người bị bệnh phế quản mạn sức khỏe tương đối yếu, cho nên phải áp dụng cách ăn uống đạm cao để bổ sung. Bình thường nên ăn nhiều loại protein, có giá trị dinh dưỡng cao như sữa bò, trứng gà, thịt nạc, cá, chế phẩm đậu... để bổ sung phần protein bị tiêu hao, tăng cường chức năng miễn dịch của cơ thể.

Về mùa đông nên tăng cường ăn các loại thịt tính nhiệt như thịt cừu, thịt chó, thịt bò... để có hiệu quả bổ (làm ấm), nhưng những người có chứng thuộc âm hư nội nhiệt, đa đàm, đa hỏa cần thận trọng khi ăn, còn phải ăn nhiều những thức ăn có tác dụng kiện tỳ, bổ thận, ích phế, lý khí, cắt ho, khử đờm như lê, quýt, táo, bách hợp, hạt sen, mộc nhĩ trắng, hồ đào, mật ong và phổi lợn, phổi dê, phổi bò... Những thức ăn này vừa làm khỏe người lại vừa giúp làm dịu triệu chứng, nên dùng làm thức ăn phụ trợ cho viêm phế quản mạn.

Dược bổ: Thứ đến là tiến hành dược bổ hợp lý. Nên uống những vị thuốc bổ có thể tăng cường được sức đề kháng như: Hoàng kỳ, nhân sâm, cáp giới, linh chi, bổ cốt chỉ, tử hà xa... Các thuốc Đông dược chế sẵn: Thai bàn phiến phục phương, kim quỹ thận khí hoàn, viêm bọc đường thích ngũ gia... đều nên chọn uống.

Dinh dưỡng tăng sức đề kháng: Theo Đông y thì trong mọi bệnh tật việc sử dụng các món ăn – bài thuốc cung cấp dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ cho việc trị liệu giúp chóng lành bệnh là điều không thể thiếu.

Vịt nấu nhân sâm: Vịt một con, nhân sâm 10-15g, rượu vang 2 thìa canh, gia vị vừa đủ. Làm sạch vịt, moi bỏ ruột, sau đó ướp rượu và gia vị, nhân sâm thái nhỏ cho vào bụng vịt, sau đó cho hầm nhừ, chia làm 2 - 3 bữa ăn. Công dụng: Kiện tỳ ích phế, bổ huyết, cường tim, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

Canh phổi lợn củ cải: Củ cải trắng 500g rửa sạch cắt miếng; phổi lợn 250g, rửa sạch sau dùng nước sôi chần qua, thái miếng, cho vào nồi sứ hay tráng men, thêm 15g hạnh nhân đắng, đổ nước nấu nhừ, nêm gia vị vừa miệng rồi ăn. Mỗi tuần ăn 3 lần, cần ăn liền 5 tuần. Món này thích hợp cho người ho nhiệt, ho có đờm vàng, miệng khô, họng khát.

Canh sơn dược, hà xa: Nhau thai 1 cái rửa sạch, cho vào nước đang sôi chần qua, rửa lại vài lần bằng nước lạnh, sau thái miếng, cho vào nồi sứ hay tráng men, nêm rượu trắng, nước gừng xào kỹ, cho thêm sơn dược 30g, bổ cốt chỉ 15g, gừng tươi 9g, hồng táo 10 quả, cho nước vừa phải hầm đến khi chín nhừ, nêm đủ mắm muối vừa miệng.  Chia 2 lần, ăn mỗi tuần 2 lần. Đây là món ăn thuốc thích hợp cho người bị ho do hàn tính, có chân tay lạnh, đờm trong loãng, màu trắng lượng nhiều…

Trà lá dâu: Lá dâu 10g, hạnh nhân 10g, sa sâm 5g, bối mẫu 3g, vỏ quả lê 15g. Tất cả thái vụn cho hãm trong bình kín sau 20 phút pha thêm 10g đường phèn, uống thay trà trong ngày. Tác dụng: Thanh bổ phế, chỉ ho, trừ đàm, thích hợp dùng cho người viêm phế quản mạn thời kỳ tiến triển.

Trà bạch quả: Bạch quả 100g, hạnh nhân 100g, hồ đào nhân 200g, lạc nhân 200g, tất cả tán vụn, mỗi sáng dùng 20g, đun sôi với 1 bát nước, sau đó đập 1 quả trứng gà, thêm chút đường phèn đánh đều rồi uống. Món ăn này thích hợp cho người viêm phế quản mạn thể phế thận hư, thường xuất hiện dấu hiệu như ho kéo dài, khó thở nhiều, lười nói và vận động, lưng đau, mỏi gối, lạnh tay chân, dễ cảm mạo.

Lương y Hoài Vũ (Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top