Bộ trưởng Tài chính Mỹ tin FED sẽ ngăn lạm phát hai con số lặp lại

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho hay không cần quá lo ngại về lạm phát có thể tăng lên mức kỷ lục như thời kỳ suy thoái kinh tế những năm 1970. Bà khẳng định Fed sẽ hành động trước khi mức tăng lạm phát đột biến.

Bà Janet Yellen nhiều lần nhấn mạnh, lạm phát sẽ trở lại mức có thể chấp nhận được khoảng 2% vào năm 2022.

Xuất hiện trên chương trình radio “Marketplace”, người đứng đầu Bộ Tài chính Mỹ cho rằng điều kiện kinh tế sẽ được cải thiện khi nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Đáp lại nghi ngờ về tính chính xác của dự báo, bà Yellen đảm bảo rằng tình hình lạm phát sẽ được "theo dõi cẩn thận". Bà cho biết FED "sẽ không cho phép" mức lạm phát đạt đến hai con số như đã thấy trong những năm 1970.

Khi đó, người Mỹ trải qua tình trạng thiếu khí đốt nghiêm trọng trên toàn quốc, và những khó khăn kinh tế do chi phí cho chiến tranh đã ngốn quán nhiều ngân sách của Mỹ.

janet-yellen-treasury-secretary.jpg

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen tham dự phiên điều trần của Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện (ảnh Reuters)

Bà Yellen cho biết thêm: “Chính sách tiền tệ luôn có vai trò nhất định. Vào những năm 1970, chúng tôi chứng kiến ​​những cú sốc về nguồn cung, tiền lương tăng, giá cả tăng lên. Hiện tại chúng tôi không thấy điều đó. Nhưng nếu mọi việc diễn ra đúng như vậy, Cục Dự trữ Liên bang sẽ sẽ có những biện pháp nhằm giữ nó trong tầm kiểm soát”.

Lạm phát của Mỹ đạt mức cao nhất trong 13 năm là 5,4% vào tháng 9/2021. Chính quyền của Tổng thống Biden đã phải đối mặt với áp lực ngày càng lớn trong việc giải quyết chi phí cao cho các nhu cầu thiết yếu hàng ngày. Chẳng hạn như khí đốt và thực phẩm. Trong khi các doanh nghiệp đang phải đối mặt với sự tắc nghẽn của chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu lao động.

Cựu cố vấn kinh tế của chính quyền Obama, Larry Summers, tháng trước đã nhận định có "ít hơn 50/50 cơ hội" cho việc lạm phát sẽ giảm vào năm tới theo những như dự tính của bà Yellen.

Yellen nói trên "Marketplace" sẽ có thêm nguồn cung lao động, một mô hình nhu cầu bình thường hơn. “Khi mọi người cảm thấy an toàn hơn, nhu cầu đối với những hàng hóa đang tăng giá sẽ giảm xuống, và họ sẽ quay lại với các dịch vụ theo mô hình bình thường hơn. Tại thời điểm đó, chúng tôi sẽ giữ lạm phát gần với mức 2% - điều mà chúng tôi coi là bình thường.”

Đảng Cộng hòa cho rằng các chính sách kinh tế của chính quyền Biden là nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng. Và cảnh báo cuộc khủng hoảng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu Quốc hội ban hành dự luật chi tiêu xã hội mở rộng của tổng thống Biden.

Trong khi đó, tổng thống và các đồng minh của ông quả quyết mức lạm phát chỉ là tạm thời. Tổng thống Biden đã lập luận rằng chính sách về cơ sở hạ tầng và các hóa đơn chi tiêu của ông sẽ giúp giải quyết các nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng lạm phát hiện nay.

Kinh tế thế giới đang phải đối mặt với nguy cơ khủng hoảng vô cùng lớn. Không chỉ riêng tại Mỹ, lạm phát hiện là nguy cơ hiện hữu của nhiều quốc gia trên thế giới.

Đứt gãy chuỗi cung ứng và tình trạng thiếu hụt nhiên liệu đang xảy ra ở hầu hết các nền kinh tế lớn trên thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ… Và đòi hỏi các chính phủ cần có những biện pháp mạnh tay can thiệp vào nền kinh tế, nhằm kiềm chế lạm phát ở mức cho phép, tránh một sự đổ vỡ có hệ thống có thể gây ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Theo Đời sống
back to top