Bộ trưởng Nông nghiệp: Giải quyết vấn đề "được mùa mất giá" phải trông chờ địa phương

Chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững thời gian tới là chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp.

Chiều 7/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã đăng đàn trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội về các vấn đề liên quan đến ngành.

Cơ cấu ngành nông nghiệp 

Đại biểu Dương Khắc Mai nhắc tới điệp khúc được mùa mất giá chưa hồi kết, sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc số ít thị trường. "Giải pháp căn cơ nào cho vấn đề nêu trên?", ông chất vấn.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, việc "được mùa mất giá" là theo quy luật kinh tế cung - cầu. 

Bộ trưởng cho biết có thể khống chế quy luật này qua hai cách. Cụ thể gồm khi dư thừa thì phải tăng chế biến để giảm lượng đưa ra thị trường và chuẩn hóa sản phẩm nông sản để thị trường thông suốt.

Tuy nhiên, để thực hiện được giải pháp trên cần tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

"Bộ Nông nghiệp nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản. Chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất nguyên liệu một loại nông sản, và khi đó chưa đồng nhất thương hiệu", ông nói và cho hay sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này.

le-minh-hoan.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn

Về câu chuyện nhiều nhà vườn phải phá bỏ vườn thanh long do bí đầu ra, chi phí vật tư đầu vào tăng cao, theo Bộ trưởng Nông nghiệp, chỉ khoảng 1/10 sản xuất theo quy trình hợp tác xã, phần lớn là bà con trồng không theo quy chuẩn.

"Tôi tha thiết mong 14 triệu hộ nông dân vào kinh tế tập thể, vào hợp tác xã. Vì nếu ta canh tác khối lượng càng lớn, sẽ giảm chi phí đầu vào, giảm giá khi sản xuất tập thể, sẽ ít đối mặt rủi ro và bất ổn thị trường, nâng cao chất lượng nông sản"- Bộ trưởng nói.

Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào. "Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn. Tức là tối thiểu hóa chi phí, và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp. Chúng ta cũng phải phấn đấu theo hướng này", ông nói.

Bộ trưởng cũng cho rằng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao, có tính hệ thống trên dưới trong ngoài, vận hành theo kinh tế thị trường. Vì vậy, không thể bằng một mệnh lệnh hành chính là có thể thay đổi được.

Lấy ví dụ như nông nghiệp hữu cơ phải an toàn, được kiểm chứng bởi hệ thống phân phối. Nhưng hiện chưa có hệ thống để đánh giá chất lượng nông sản, dẫn đến nền nông nghiệp Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi lời nguyền manh mún, nhỏ lẻ, tự phát.

Nếu không tổ chức được ngành hàng sản xuất thì còn rủi ro, trong đó có vai trò địa phương. Ông Hoan "tha thiết" mong muốn các địa phương cùng vào cuộc để xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao.

Né tránh trách nhiệm?

Chưa hài lòng với câu trả lời về câu trả lời của Bộ trưởng Nông nghiệp, Chủ tịch Vương Đình Huệ khi điều hành phiên chất vấn đã lưu ý Bộ trưởng Nông nghiệp rằng các đại biểu đang chất vấn bộ trưởng với trách nhiệm quản lý nhà nước với ngành, lĩnh vực. Vì thế, nếu câu trả lời "giải quyết điểm nghẽn, ách tắc ở đâu mà nói hỏi địa phương thì vai trò của Bộ Nông nghiệp ở đâu, bộ trưởng thế nào?".

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời thẳng, nêu rõ thực trạng đang thế nào, đã có chủ trương, chính sách gì, và tới đây làm cách nào để giải quyết điểm nghẽn trong ngành nông nghiệp.

chat-van-quoc-hoi.jpg

Chủ tịch Quốc hội nêu dẫn chứng của đại biểu Trần Thị Hoa Ry hỏi về giá vật tư nông nghiệp tăng cao, được mùa mất giá thì nghẽn ở đâu, giải quyết thế nào? "Hỏi địa phương thì không cần buổi chất vấn này", Chủ tịch Quốc hội nói.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan sau đó khẳng định không thoái thác trách nhiệm mà "sẽ làm hết mình trên cương vị Bộ trưởng Nông nghiệp". Tuy nhiên, ông cho rằng nếu địa phương cùng vào cuộc, năng động hơn thì những điểm nghẽn, ách tắc trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ được giải quyết nhanh hơn.

Ông ví dụ việc tiêu thụ, tìm đầu ra cho quả vải thiều Bắc Giang trong mùa dịch 2021, nhãn lồng Hưng Yên hay vải Thanh Hà (Hải Dương)... Nhờ các địa phương vào cuộc chủ động tiếp thị, lãnh đạo địa phương cũng tiếp thị sản phẩm nông sản, đặc sản địa phương tại nhiều hội nghị xúc tiến, nên quả vải thiều Bắc Giang vẫn tìm được đầu ra, tiêu thụ tốt dù năm ngoái dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng.

Theo ông, lúc này hình ảnh lãnh đạo địa phương cũng chính là thương hiệu nông sản, là lời hiệu triệu để kết nối nông sản.

Theo Đời sống
back to top