Bộ trưởng hãy dám nhận trách nhiệm!

(khoahocdoisong.vn) - Lần đầu tiên, Quốc hội đổi mới hình thức chất vấn. Thay vì chất vấn theo nhóm vấn đề, lĩnh vực thì tất cả các thành viên Chính phủ đều tham gia trả lời chất vấn.

Lần đầu tiên, Quốc hội đổi mới hình thức chất vấn. Thay vì chất vấn theo nhóm vấn đề, lĩnh vực thì tất cả các thành viên Chính phủ đều tham gia trả lời chất vấn. Các đại biểu Quốc hội cũng thoải mái chất vấn tất cả các vấn đề. Theo cử tri Phan Văn Độ, cử tri phường Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội, để chất vấn có hiệu quả, không lan man, vụn vặt thì cả người hỏi và trả lời đều phải nâng cao trình độ.

Chất vấn không báo trước

Ông đánh giá thế nào về cách đổi mới hoạt động chất vấn ở Quốc hội tại kỳ họp này?

Trước tiên theo tôi quan sát có thể thấy rằng hoạt động chất vấn sôi động hơn, nóng hơn, sát với thực tế cuộc sống hơn. Những vấn đề nóng hổi dư luận đang quan tâm, được đặt ngay lên bàn chất vấn. Số người chất vấn cũng tăng lên. Trong ngày đầu tiên đã có tới 15 bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn và cũng đã có tới 121 đại biểu đăng ký chất vấn. Trong đó 36 lượt đại biểu đã tham gia chất vấn ngay ngày đầu tiên. Đây có lẽ là con số kỷ lục từ trước đến nay trong một ngày chất vấn tại Quốc hội.

Về nội dung chất vấn thì sao, ông nhận xét thế nào về sự đổi khác này?

Về nội dung chất vấn, không bó lại ở 3-4 tư lệnh ngành như trước mà hàng chục lĩnh vực từ nhập khẩu xe ô tô, thủy điện gây lũ quét, đạo đức xuống cấp, tiêu cực thi cử, tín dụng đen, y tế, vi phạm xây dựng, hoạt động tư pháp và nhiều vấn đề khác về kinh tế xã hội... đều được đại biểu tập trung mổ xẻ, yêu cầu làm rõ. Chất vấn không báo trước là sự đổi mới vượt bậc trong hoạt động của Quốc hội kỳ này rất đáng ghi nhận. Nội dung chất vấn không bị giới hạn, khoanh vùng.

Vậy là bất cứ vấn đề gì nóng cũng sẽ được chất vấn, thay vì chỉ những vấn đề được chọn. Thách thức này đặt ra cho các bộ trưởng thế nào?

Bản thân các bộ trưởng cũng sẽ không đoán trước câu hỏi của đại biểu và thay vì chỉ có 4 bộ trưởng chuẩn bị trả lời chất vấn như trước thì nay tất cả các bộ trưởng đều phải chuẩn bị phần trả lời cho công việc mà mình phụ trách. Do đó, bộ trưởng nào cũng phải nắm chắc, hiểu rõ vấn đề của ngành mình. Nếu có lỗ hổng, thiếu sót, chưa nghiên cứu, chưa cập nhật… lập tức sẽ thể hiện ngay sự yếu kém trên nghị trường. Khi đó, đương nhiên tín nhiệm sẽ rất thấp.

Còn các đại biểu, làm sao để câu hỏi trúng vào vấn đề đông đảo cử tri quan tâm, không rơi vào vụn vặt?

Đại biểu cần có kỹ năng chắt lọc thông tin, nhãn quan rộng để nhìn nhận vấn đề nào là quan trọng khi chất vấn. Câu hỏi cũng thể hiện năng lực, trình độ, mối quan tâm, sự ưu tiên, lựa chọn của đại biểu trong việc truyền tải những điều cử tri gửi gắm. Tôi thấy hoạt động chất vấn như vậy là rất mở, được cử tri rất ủng hộ.

Bộ trưởng hãy dám nhận trách nhiệm

Ông đánh giá thế nào về phần trả lời của các bộ trưởng qua các phiên chất vấn?

Tôi có theo dõi thì thấy rằng các bộ trưởng trả lời khá thẳng thắn, đi trực tiếp vào vấn đề. Có những vấn đề liên quan đến nhiều ngành thì cũng được nhiều bộ trưởng trả lời. Tuy nhiên, chỉ có điều đáng tiếc là chưa thấy bộ trưởng nào nhận trách nhiệm cá nhân về những sai sót của ngành mình. Ngoài ra nhiều câu trả lời vẫn còn chung chung, thậm chí là “đá bóng” xuống cấp dưới. Nhiều khi trả lời vụn vặt, không đúng tầm. Ví dụ như Bộ VHTT&DL trả lời khá chung chung, cho rằng đó là vấn đề của toàn xã hội, không phải của riêng ngành mình. Hay Bộ GD&ĐT thì cho rằng lỗi quy định sinh viên mua bán dâm 4 lần bị đuổi học là do cấp dưới trình độ thấp, non kém…

Nhưng ở góc độ nào đó thì cũng đúng thế?

Tôi không nói là sai, nhưng khi đã là tư lệnh ngành thì bất cứ việc gì của ngành mình cũng phải có trách nhiệm của mình. Hay bất cứ ngành nào cũng phải có liên quan đến ngành khác. Ví dụ tai nạn giao thông đâu phải chỉ việc của ngành giao thông. Đào tạo, sử dụng giáo viên, đâu chỉ có mỗi ngành giáo dục. Thế thì trong mối liên quan ấy, bộ trưởng phải thấy được trách nhiệm của mình để chỉnh sửa, giải quyết, chứ không phải là đổ lỗi.

Nếu thế thì các vấn đề bộ trưởng phải chịu trách nhiệm nhiều lắm?

Đúng là rất nhiều vấn đề, nhưng bộ trưởng nên dám nói, dám nhận trách nhiệm. Nếu không thì vấn đề nào của bộ ngành nào cũng là trách nhiệm của toàn xã hội cả. Bộ trưởng nên nhận trách nhiệm của chính cá nhân mình trước, sau đó chỉ đạo xử lý vấn đề sau, thì sẽ thỏa đáng hơn.

Hãy hỏi trúng, trả lời đúng

Có người cho rằng chất vấn không theo nhóm vấn đề sẽ dàn trải, vụn vặt, có thể không đi vào trọng tâm vấn đề quan trọng cần giải quyết, ông nghĩ sao?

Đúng là hạn chế của trả lời chất vấn này là có thể không đi vào vấn đề quan trọng mà dễ sa đà vào những thứ vụn vặt, tủn mủn, không phải là mối quan tâm của đa số cử tri. Nhưng theo tôi, có như thế thì vai trò của đại biểu Quốc hội và các Bộ trưởng mới được thể hiện rõ. Làm sao để đại biểu phải hỏi trúng, bộ trưởng trả lời đúng vấn đề. Có như vậy thì hoạt động chất vấn mới tạo ra hiệu quả tốt.

Việc các bộ trưởng trả lời không chuẩn bị trước, liệu có khiến câu trả lời không sâu sắc, không có nhiều số liệu?

Bộ trưởng có nhiệm vụ phải nắm chắc ngành mình, dù là vấn đề gì. Có như vậy mới đáp ứng được mong mỏi của cử tri. Còn các đại biểu thì phải chắc lọc vấn đề để chất vấn. Để qua đây, cử tri thấy được các đại biểu Quốc hội và các thành viên Chính phủ đều có năng lực, trình độ, hiểu biết để quản lý lĩnh vực, ngành mình.

Ông có kỳ vọng gì vào hoạt động chất vấn lần này?

Đổi mới trong hoạt động chất vấn lần này cho thấy Quốc hội hoạt động không dập khuôn, máy móc mà luôn sáng tạo, đổi mới, nâng tầm cho hoạt động chất vấn. Tôi  mong chính các đại biểu Quốc hội sẽ là người giám sát đầu tiên những câu hỏi của mình gửi tới các bộ trưởng được thực hiện như thế nào để kỳ họp sau lại tiếp tục chất vấn nếu chưa được giải quyết. Tất nhiên, nhiều vấn đề thì giám sát sẽ khó hơn, nhưng cử tri luôn bám sát, theo dõi các hoạt động sau chất vấn.

Việc các bộ trưởng thực hiện lời hứa khi chất vấn như thế nào, có lẽ cũng không quá khó để giám sát?

Tôi đặt nhiều kỳ vọng vào sự đổi mới chất vấn và coi đây là sự tiếp sức nâng cao hiệu quả trong hoạt động của Quốc hội trong thời gian tới. Đã là bộ trưởng thì phải làm hết trách nhiệm, toàn tâm toàn ý cho công việc, đừng đổ lỗi cho trên cho dưới. Nếu không làm được, không đảm đương được thì nên xin nghỉ. Đừng để đến khi tín nhiệm thấp rồi, vi phạm rồi bị phát hiện mới nghỉ.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Theo báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2, lĩnh vực công thương đã rà soát tổng thể, xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ. Đến nay, hai nhà máy bước đầu có lãi trên tổng số 6 nhà máy từng thua lỗ, một nhà máy vận hành trở lại trên tổng số 3 nhà máy bị dừng sản xuất kinh doanh.

Ở lĩnh vực giáo dục, Bộ Giáo dục đã phân tích những tác động tích cực và hạn chế của Luật Giáo dục hiện hành; đánh giá việc thi hành Luật Giáo dục. Bộ đang hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Giáo dục (sửa đổi) để trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 6.

Tại kỳ họp thứ 3, kết quả cho thấy lĩnh vực y tế đã đạt nhiều thành tựu. Cụ thể, thủ tục hành chính được cải cách mạnh mẽ hơn, công nghệ thông tin được ứng dụng trong khám chữa bệnh, giám định và thanh toán bảo hiểm y tế nhằm rút ngắn thời gian chờ của bệnh nhân, giúp việc thanh toán chi phí được chính xác, kịp thời. Các kết quả nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học cũng góp phần quan trọng vào chẩn đoán, điều trị bệnh.

Sau hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách vĩ mô khác để kiểm soát lạm phát, bảo đảm an toàn của hệ thống tín dụng...

Theo Đời sống
“Không dám tham nhũng”

“Không dám tham nhũng”

Năm 2023, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được lãnh đạo, chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt, đồng bộ, có bước đột phá mới, đạt nhiều kết quả toàn diện.
Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Có nên bỏ Quỹ Bình ổn Giá xăng dầu?

Tại KLTT việc chấp hành chính sách, pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu, TTCP chỉ ra nhiều bất cập trong quản lý, sử dụng Quỹ BOG. Dư luận đặt câu hỏi có nên tiếp tục duy trì quỹ này khi có nhiều bất ổn.
Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Duyên nợ với… GS.VS Trần Đại Nghĩa

Nhớ về Khoa học và Đời sống, chúng ta nhắc đến các vị Chủ nhiệm của Báo - những nhà khoa học tài năng, giàu lòng yêu nước, thương nòi, trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại.
70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

70 Trần Hưng Đạo… mái nhà chung để trở về

Đối với những người đã và đang công tác tại Khoa học và Đời sống, 70 Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là mái nhà chung để trở về trong tình đồng nghiệp mến thương cùng niềm tự hào về tờ báo có truyền thống 65 năm.
Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Sản phẩm báo chí tạo dựng thương hiệu

Trong gần 65 năm qua, với đội ngũ phóng viên và cộng tác viên đông đảo là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Khoa học và Đời sống đã có nhiều bài viết ấn tượng, làm nên thương hiệu, tên tuổi của tờ báo khoa học hàng đầu.
back to top