Bỏ tiền mua lấy nỗi lo

(khoahocdoisong.vn) - Bỏ tiền mua lấy nỗi lo khi tới các phòng khám tư bởi bác sĩ giờ cứ như mẹ mìn, dọa cho người bệnh sợ chết khiếp để thu tiền.

Sự việc một phụ nữ ở Hà Nội đi khám kiểm tra vòng tránh thai rồi được bác sĩ tư vấn điều trị tốn mất 24 triệu đồng khiến tôi suy nghĩ mãi. Bác sĩ giờ không phải là từ mẫu nữa mà là những mẹ mìn, dọa cho người ta khiếp sợ để thu tiền. Thử hỏi như thế có còn là y đức nữa hay không?

Thực sự mà nói, trong cơ chế thị trường này nói đến lương tâm, nói đến y đức khó lắm. Bởi phòng khám to đẹp thế, trang thiết bị hiện đại thế, bác sĩ nước ngoài nữa... họ đã đầu tư vào đó rất nhiều, thì phải tìm cách mà thu lại chứ.

Nếu mỗi lần khám chỉ có 30.000đ thì biết đến khi nào mới thu cho đủ vốn. Vẫn biết là vào các phòng khám là phải chịu để cho người ta “chặt chém”, nhưng “chặt” đến mức dọa dẫm bệnh nhân đến như thế thì thật không thể chấp nhận được.

Tâm lý của người bệnh là nhất nhất nghe theo bác sĩ. Bác sĩ kê loại thuốc ngoại này đắt gấp chục lần loại thuốc nội cũng cắn răng mà theo, không dám hỏi lại. Bác sĩ bảo phải chụp, chiếu này nọ, tốn tiền lắm cũng vẫn phải làm theo. Nhiều bác sĩ đã lợi dụng lòng tin đó của người bệnh để kiếm tiền.

Sự phát triển rầm rộ của các loại hình khám chữa bệnh gần đây trong khi khâu quản lý lại chưa tốt khiến cho người bệnh như rơi vào ma trận. Thực sự lúc này người bệnh chỉ có thể trông mong vào chính bản thân mình. Phải có kiến thức để giữ gìn sức khỏe, phải tự biết cách phòng bệnh để khỏi phải đến bệnh viện.

Nếu bần cùng bất đắc dĩ phải đi khám bác sĩ, phải có bản lĩnh để biết nên nghe theo đến đâu, chứ không phải cứ mù quáng làm theo những chỉ dẫn nhiều khi oái oăm của bác sĩ, không thể để cho người ta hù dọa. Có bệnh phải biết chọn nơi để khám nếu không sẽ phải chịu cảnh bỏ tiền để mua lấy nỗi lo.

Tôi nghĩ có 2 ngành nghề không thể thả ra thị trường được, đó là y tế và giáo dục. Bởi vì đã ra thị trường là phải chịu sự chi phối của đồng tiền. Nếu đã vì đồng tiền thì thầy giáo sẽ vừa đứng trên bục giảng vừa thu tiền, vừa nhắc học sinh nộp học phí, vừa quảng cáo để học sinh đến học...

Thầy thuốc thì vừa khám vừa dọa để bệnh nhân phải đến điều trị. Những gì khiến chúng ta đau lòng hôm nay là hậu quả của việc thả ra mà chưa quản lý được.

Theo Đời sống
Tại sao không đánh thuế vàng?

Tại sao không đánh thuế vàng?

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải đánh thuế vàng. Nhiều người mua vàng đầu cơ, mua bán nhằm sinh lời, khi đã kinh doanh cần phải chịu một số sắc thái thuế cho hoạt động đầu tư giống bất động sản, chứng khoán.
back to top