Bổ sung folat trước khi có thai, tránh dị tật cho con

(khoahocdoisong.vn) - Folat giảm tới 70% dị tật bẩm sinh nứt ống sống ở trẻ gây chậm phát triển trí tuệ, liệt và khuyết tật não ở trẻ.

63% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thiếu folat

TS Nguyễn Đăng Khoa, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em cho biết, axit folat còn được gọi là axit folic, vitamin B9. Đây là một dạng vitamin hỗn hợp nhóm B hòa tan trong nước không chỉ cần thiết cho quá trình tạo và duy trì tăng trưởng của mọi tế bào mà còn rất cần thiết để tạo DNA và RNA (các khối xây dựng của tế bào) và ngăn ngừa những thay đổi DNA có thể dẫn đến ung thư. Phụ nữ có thai cần lượng folat gấp 1,5 lần so với lúc bình thường để ngăn ngừa thiếu máu và chống dị tật thai nhi.

Tuy nhiên, ở nước ta có tới 63% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ có nồng độ axit folic trong máu thấp dưới ngưỡng tối ưu để ngăn ngừa dị tật ống thần kinh thai nhi. Cứ hai người phụ nữ Việt Nam thì có một người mang thai nguy cơ tiềm ẩn sinh con bị dị tật ống thần kinh.

Điều đáng lo ngại là nhiều bà mẹ cho rằng, việc thiếu hụt vitamin B9 không diễn ra ở người trẻ, người khoẻ mạnh, vì thế không nghĩ đến việc bổ sung. Đặc biệt, hầu hết không dùng folat trước khi có thai, vitamin B9 chỉ được bổ sung sau khi đã thụ thai, điều đó rất không tốt vì có thể dẫn đến thiếu ở thời kỳ đầu ngay khi thụ thai, dẫn đến dị tật ống thần kinh.

DS Trần Xuân Thuyết, Nguyên cán bộ Cty dược phẩm TƯ 1 cho biết, folat  là coenzym của nhiều quá trình chuyển hóa trong cơ thể, rất cần để sản xuất tế bào mới, trong đó có hồng cầu, bạch cầu; nó đặc biệt quan trọng ở giai đoạn phân chia và lớn nhanh của tế bào trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai.
Thiếu vitamin B9 trong khi mang thai thì người mẹ có thể bị thiếu máu hồng cầu khổng lồ gây nguy cơ sẩy thai cao, sinh non, suy dinh dưỡng bào thai và dị tật ống thần kinh  của thai nhi như vô sọ, thoát vị màng tủy, nứt đốt sống, não úng thủy và các dị tật khác như: sứt môi, chẻ vòm, dị tật ở tim và chân tay…

Bổ sung để bảo vệ đứa con trong bụng

Theo PGS.TS Lưu Thị Hồng, Nguyên Vụ trưởng Vụ Sức khoẻ Bà mẹ - Trẻ em hầu hết phụ nữ không dùng axit folat trước khi có thai. Axit folat thường chỉ được bổ sung sau khi đã thụ thai, điều đó rất không tốt vì có thể dẫn tới thiếu axit folic ở thời kỳ đầu ngay sau khi thụ thai, dẫn tới dị tật ống thần kinh. Tại các hội nghị về sản khoa, phụ khoa và vô sinh, các thành viên tham dự đều thống nhất cần bổ sung folat cho phụ nữ chuẩn bị có con.

Hiện nay ở các nước phát triển vẫn còn nhiều trường hợp trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh nứt đốt sống. Ở Pháp mỗi năm có đến 1000 ca dị tật nứt đốt sống. Theo một điều tra chu sinh năm 2010, hơn phân nửa phụ nữ mang thai chưa được bổ sung vitamin B9. Một số phụ nữ cho rằng: mang thai đâu phải là bị bệnh, vì vậy không cần bổ sung vitamin. Sử dụng folat không nhằm mục đích bảo vệ bà mẹ đang khỏe mạnh mà để bảo vệ đứa con trong bụng.

PGS.TS Lưu Thị Hồng khuyên, phụ nữ nên bổ sung folat mỗi ngày, ít nhất 3 tháng trước khi mang thai sẽ làm giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh, đáp ứng sự gia tăng của quá trình phân chia tế bào cũng như tăng kích thước của tử cung, cần cho sự tổng hợp nhân tế bào và protein, hình thành nhau thai, tăng trưởng của bào thai, sự phát triển thần kinh trung ương của thai nhi. Axit folat có nhiều trong rau mầu xanh sẫm như: hoa lơ xanh, trái cây (đặc biệt là cam, chuối, đậu), ngũ cốc, các loại củ, gan lợn, trứng, sữa, khoai mì, thịt mỡ...

Theo khuyến cáo, phụ nữ muốn có con nên bổ sung mỗi ngày 0,4mg folat từ khi mới thấy kinh nguyệt và trong cả 3 tháng đầu thai kỳ. Bởi ống thần kinh của phôi khép kín vào khoảng từ ngày 22 đến ngày 28 của thai kỳ. Một số phụ nữ có thể thiếu folat do chế độ ăn không cân bằng trước khi mang thai hoặc không có khả năng chuyển hóa tốt chất folat đưa vào cơ thể.

Trong khi đó lợi ích của folat đã được xác định từ lâu: folat giảm đến 70% dị tật bẩm sinh nét đốt sống. Trong thời kỳ đầu của thai kỳ, thiếu hụt folat có thể dẫn đến dị tật bẩm sinh. Hậu quả rất quan trọng: liệt hai chân, không kiềm chế tiểu tiện, chậm phát triển tâm trí và thường có kết hợp với khuyết tật não...

Thiếu vitamin B12 cũng có thể gây nguy cơ sinh con bị dị tật nứt đốt cao hơn 5 lần. Nếu bổ sung 400mcg vitamin B9 và vitamin B12 trước khi sinh 3 tháng có thể giảm dị tật ống thần kinh  từ 50 – 70%. Nếu bổ sung dưới dạng đa sinh tố có vitamin B12, khoáng vi lượng và vitamin B9 sẽ giảm khuyết tật 90%.

Theo Đời sống
back to top