Bộ Nội vụ trả lời về việc xử lý kỷ luật đối với chức danh Hiệu trưởng

(khoahocdoisong.vn) - Bộ Nội vụ có công văn trả lời Bộ GD&ĐT liên quan đến nội dung Bộ GD&ĐT xin ý kiến về thẩm quyền xử lý kỷ luật trong trường đại học công lập và của Bộ trưởng đối với cá nhân trong trường đại học công lập trực thuộc.

Hiệu trưởng là người đứng đầu cơ sở giáo dục công lập

Trong công văn trả lời Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật nào quy định chung về khái niệm thế nào là người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị thì người đứng đầu là ai phải căn cứ vào quy định tại các văn bản pháp luật khác nhau để xác định.

Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34/2018/QH14) và Nghị định 99/2019/NĐ-CP không quy định địa vị pháp lý và chỉ rõ ai là người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập giữa Chủ tịch Hội đồng và Hiệu trưởng của cơ sở giáo dục đại học công lập.

Từ một số căn cứ pháp lý dẫn ra quy định về người đứng đầu ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị và trên cơ sở quy định của Luật số 34, Bộ Nội vụ cho rằng, Hiệu trưởng sẽ là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập vì những lý do sau đây:

Thứ nhất: Hiệu trưởng là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học; là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của các cơ sở giáo dục đại học theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; là người tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của Hội đồng trường, Hội đồng đại học (người thực hiện việc ký quyết định tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc; người chịu chế độ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trong điều hành hoạt động đơn vị, trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng, trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, trong thực hiện dân chủ trong hoạt động của đơn vị, trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo…).

Thứ hai: Hiệu trưởng là thành viên đương nhiên trong Hội đồng trường (không phải là thành viên bầu bởi hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học).

Thứ ba: Còn nếu Chủ tịch Hội đồng trường là người đứng đầu cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ không phù hợp, vì những lý do sau:

Một là: Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền của đại diện chủ sở hữu và các bên có lợi ích liên quan. Chủ tịch Hội đồng trường do Hội đồng trường bầu trong số các thành viên của Hội đồng trường theo nguyên tắc đa số, bỏ phiếu kín; trong đó có thể thành viên ngoài trường đại học trúng cử chủ tịch Hội đồng trường, nếu trúng cử mới chuyển thành viên chức cơ hữu của trường đại học công lập.

Hai là: Hội đồng trường làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số; quyết định của Hội đồng trường được thể hiện bằng hình thức nghị quyết. Như vậy, hoạt động của Hội đồng trường theo cơ chế tập thể, không phải theo nguyên tắc thủ trưởng lãnh đạo.

Ba là: Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng tường chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng trường; chỉ đạo tổ chức và chủ trì các cuộc họp hội đồng trường; ký văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Hội đồng trường; thực hiện nhiệm vụ của thành viên Hội đồng trường.

Bốn là: Luật 34 không có điều khoản nào quy định Chủ tịch Hội đồng trường là người chịu trách nhiệm quản lý, điều hành các hoạt động của cơ sở giáo dục đại học; là người đại diện theo pháp luật, là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học; là người tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản…

Xử lý kỷ luật đối với Hiệu trưởng

Bộ Nội vụ cho rằng, Luật số 34/2018 quy định Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập do Hội đồng trường quyết định và được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.

Đồng thời, Luật số 34/2018 có quy định trong Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học công lập theo quy định về Hội đồng trường có nội dung: Thủ tục Hội đồng trường quyết định nhân sự hiệu trưởng trường đại học, việc quyết định chức danh quản lý khác của trường đại học trong quy trình bổ nhiệm nhân sự; căn cứ và thủ tục đề xuất bãi nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học…

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật về viên chức thì bãi nhiệm, miễn nhiệm không phải là hình thức kỷ luật đối với viên chức quản lý. Theo quy định tại khoản 1, Điều 55, Nghị định 115/2020 thì việc miễn nhiệm viên chức quản lý được thực hiện trong các trường hợp sau:

Có 2 năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ; Bị xử lý kỷ luật chưa đến mức cách chức nhưng do yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế; Bị xử lý kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo 2 lần trong cùng một thời gian bổ nhiệm; Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm quy định của Đảng về bảo vệ chính trị nội bộ; Các lý do miễn nhiệm khác theo quy định của Đảng và pháp luật.

Theo quy định tại Luật số 34/2018 thì việc xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học do Hội đồng trường thực hiện.

Do vậy, để tránh tình trạng mỗi trường đại học công lập lại có quy định khác nhau về việc quyết định nhân sự Hiệu trưởng, đồng thời để bảo đảm tính thống nhất khi các cơ sở giáo dục đại học công lập xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của trường, trong đó quy định về thủ tục quyết định nhân sự Hiệu trưởng, phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật, Bộ Nội vụ cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải có hướng dẫn và làm rõ về trình tự, thủ tục quyết định Hiệu trưởng theo cơ bầu hay cơ chế bổ nhiệm; quy định về tính chất pháp lý về quyết định công nhận của cơ quan có thẩm quyền quản lý sau khi Hội đồng trường đã quyết định nhân sự Hiệu trưởng, để có đủ căn cứ, cơ sở để xác định thẩm quyền khi xem xét, xử lý kỷ luật đối với Hiệu trưởng, bảo đảm phù hợp với quy định của Đảng và của pháp luật hiện hành có liên quan.

Vì nếu không rõ về trình tự, thủ tục quyết định hiệu trưởng theo cơ chế bầu hay cơ chế bổ nhiệm sẽ dẫn tới tình huống sau trong quá trình thực hiện:

Thứ nhất: Nếu Hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định theo cơ chế bầu thì Bộ trưởng có thẩm quyền xử lý kỷ luật (theo quy định tại Nghị định 112/2020) thì cấp có thẩm quyền phê chuẩn, quyết định công nhận kết quả bầu cử tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật).

Thứ hai: Nếu Hiệu trưởng do Hội đồng trường quyết định theo cơ chế bổ nhiệm thì Hội đồng trường có đủ thẩm quyền xử lý kỷ luật hay không? Vì Hội đồng trường là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu và các bên lợi ích liên quan. Hiệu trưởng lại được cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận theo quy định của Luật số 34/2018.

Ngoài các tình huống nêu trên thì Bộ GD&ĐT cần nghiên cứu để có hướng dẫn việc thực hiện kỷ luật trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thực hiện việc kiện toàn Hội đồng trường theo quy định của Luật số 34/2018 và Nghị định 99/2019, theo đó, thẩm quyền xem xét xử lý lỷ luật đối với Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học công lập trong trường hợp này thuộc thẩm quyền xem xét, quyết định của người đứng đầu cơ quan bổ nhiệm Hiệu trưởng (vì Luật số 08/2012/QH13 quy định Hiệu trưởng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền bổ nhiệm).

Bộ Nội vụ cho biết, trong thời gian qua, Bộ Nội vụ nhận được một số ý kiến phản ánh, kiến nghị của một số Bộ, ban ngành liên quan trong quá tình thực hiện Luật số 34/2018 và Nghị định 99/2019 như:

Việc xác định ai là người đứng đầu trường đại học công lập (xác định giữa Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng); quy định tuổi đảm nhiệm Chủ tịch Hội đồng trường, tuổi đảm nhiệm Hiệu trưởng trường đại học công lập và tuổi tái cử Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng; quy định việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của Hội đồng trường, Hiệu trưởng khi đã hết nhiệm kỳ tại thời điểm giao thoa giữa Luật số 08/2012 và Luật số 34/2018; quy định thẩm quyền, trách nhiệm và việc xử lý của cơ quan có thẩm quyền quản lý trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học công lập chưa thành lập được Hội đồng trường theo quy định của Luật mới và chưa kiện toàn Ban giám hiệu; quy định việc kiện toàn Hội đồng trường, Hiệu trưởng trong trường hợp toàn bộ tập thể lãnh đạo của cơ sở giáo dục đại học công lập liên đới khi xem xét, xử lý kỷ luật…

Theo KH&ĐS
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top