Bố mẹ chửi bậy, đánh lộn, đừng mong con ngoan ngoãn

(khoahocdoisong.vn) - "Qua thực tế làm giáo viên, theo dõi nhiều năm tôi thấy, phần lớn những đứa trẻ có bố mẹ thường xuyên chửi bậy, đánh lộn, thì cũng có những hành vi bắt chước bố mẹ", cô Lê Huyền, Trường Tiểu học Thụy Lâm A chia sẻ.

Bạo lực học đường thời gian vừa qua đã trở thành một vấn đề nhức nhối. Thực tế, bạo lực học đường luôn tồn tại, nhưng nếu biết được nguyên nhân và cách khắc phục, thì sẽ giảm thiểu được, đặc biệt là ngăn chặn những vụ việc lớn, đau lòng.

Bạo lực đến từ đâu?

Đầu tiên, là từ gia đình 

Qua thực tế làm giáo viên chủ nhiệm, theo dõi nhiều năm tôi thấy, phần lớn những đứa trẻ có bố mẹ thường xuyên văng tục, chửi bậy, thì cũng sẽ văng tục, chửi bậy một cách bình thường, như thói quen.

Đặc biệt, với những bố mẹ có hành vi bạo lực như đánh đập, chửi rủa con cái thường xuyên, đập phá đồ đạc, thì đứa trẻ sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều.

Trẻ thường có hiện tượng sợ sệt, mất tự tin, thậm chí dẫn đến tự kỉ. Lại có trẻ lặp lại đúng những hành vi bạo lực của bố mẹ đối với bạn bè, như một cách thể hiện sức mạnh, "ra oai", giải phóng những dồn nén tâm lý, hoặc đơn giản chỉ là "bắt chước".

Mỗi khi có sự việc đau lòng liên quan tới bạo lực học đường nào xảy ra, nhiều người hay đổ lỗi cho giáo dục nhà trường. Nhưng một ngày, với hơn nửa thời gian tiếp xúc với người thân, các em chịu tác động lớn nhất từ môi trường gia đình.

Mỗi thái độ hay hành vi ứng xử trong gia đình, nhất là của bố và mẹ sẽ in dấu lên tâm lí của đứa trẻ.

Bố mẹ có hành xử xấu, nói tục, chửi bậy, đánh lộn thì cũng đừng mong con ngoan ngoãn.

Thứ hai là ảnh hưởng từ mạng xã hội

Tôi thấy, với những trẻ thường xuyên tiếp xúc với những trò chơi và phim ảnh có tính chất bạo lực thì cũng dễ có xu hướng bạo lực.

Nhiều trò chơi hoặc phim ảnh hiện nay có nội dung đánh đấm, chém giết một cách dã man. Người tham gia chơi đóng vai những nhân vật trực tiếp tham gia chém giết, đánh nhau.

Tuy là "ảo" nhưng sự tinh thần ham chém giết, hiếu thắng là thật. Đặc biệt, việc "nhập vai" vào những cảnh tượng chết chóc, đánh đập khiến người chơi có thể quen dần với chúng, coi đó là chuyện bình thường. Điều đó rất nguy hiểm, khiến các em ra ngoài đời thực, có những hành xử dã man với đồng loại nhưng coi việc làm đó là chuyện thường.

Ngoài ra, mạng xã hội thời gian gần đây còn xuất hiện nhiều video và những tài khoản facebook có những phát ngôn lệch lạc, không chuẩn mực, cổ vũ những hành vi côn đồ, thiếu văn hóa, khiến tư duy của một bộ phận không nhỏ các em học sinh bị ảnh hưởng.

Ví dụ như: Khá Bảnh trở thành hình ảnh nổi tiếng trên mạng xã hội, đến một số ca sĩ, bạn trẻ thu âm bài hát chế lời có ngôn ngữ kích động bạo lực hoặc hành vi thiếu chuẩn mực lại được các em tiếp nhận rồi truyền nhau nghe, học theo cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến gia tăng hành vi bạo lực tinh thần bằng ngôn ngữ và hành vi bạo lực thân thể.

Học không đi đôi với hành

Nhiều năm nay, mặc dù có nhiều cải tiến hướng tới môn Đạo đức, môn Công dân, hướng tới dạy văn hóa ứng xử cho học sinh, nhưng trên thực tế, tôi thấy việc giảng dạy những môn học này vẫn còn có nhiều hạn chế, học chưa đi đôi với hành, học trước quên sau, học kiểu cưỡi ngựa xem hoa, học chiếu lệ, coi như môn phụ.

Thử hỏi, chúng ta có bao nhiêu học sinh nắm được bộ luật Dân sự, luật Hình sự cơ bản trước khi bước vào tuổi 18, chính thức phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trước pháp luật? Chúng ta có bao nhiêu đứa trẻ biết đi xe đúng luật giao thông và tham gia các hoạt động văn hóa xã hội một cách văn minh và tôn trọng quy tắc ứng xử?...

Câu trả lời chắc chắn là rất ít.

Từ sự vô tâm của người lớn 

Những va chạm giữa các em học sinh mới đầu có thể chỉ ở mức độ nhẹ. Nhưng nhiều bậc cha mẹ biết chuyện không ngăn cản, thậm chí còn tham gia, buông lời “vô tâm” khiến xung đột ấy bị đẩy lên. 

Một số giáo viên cũng biết nhưng đã bỏ qua, không có biện pháp giải quyết triệt để, thấu đáo khiến cho học sinh đem nhau ra ngoài đường để “tự giải quyết ân oán”.

Ngoài ra, mạng xã hội là môi trường thuận lợi để học sinh lập hội nhóm mà thầy cô không kiểm soát được. Đó là nguyên nhân dẫn tới những trận đánh nhau hội đồng hoặc các hình thức bạo lực nghiêm trọng.

Cần sự chung tay của gia đình và nhà trường

Từ những phân tích trên, tôi xin đưa ra một số giải pháp, trên cơ sở cần sự chung tay của cả gia đình và nhà trường như sau:

Trước tiên, mỗi cha mẹ hãy trở thành một tấm gương sáng cho các con. Vợ chồng tôn trọng nhau, bố mẹ tôn trọng con cái, gia đình sống thương yêu, hòa thuận, mọi cư xử đều đúng mực từ trong nhà tới ra ngoài xã hội… thì con cái sẽ soi vào đó để mà học tập.

Khi phát hiện con bị bạo lực hoặc chuẩn bị bạo lực người khác, thay vì bênh con, tìm đứa trẻ khác để đe dọa hoặc mắng mỏ con mình, thì hãy lắng nghe trẻ và tìm hiểu nguyên nhân để gỡ dần. Điều quan trọng là trở thành bạn của con, được con tin tưởng.

Cha mẹ nên thường xuyên trò chuyện, khuyến khích con chia sẻ những vấn đề khúc mắc tại trường học trong mối quan hệ với bạn bè, thầy cô giáo. Xây dựng niềm tin rằng cha mẹ luôn là người ủng hộ và sẵn sàng chia sẻ cùng con vượt qua khó khăn. Khi có sự việc xảy đến với con, bố mẹ cần bình tĩnh tìm hiểu ngọn nguồn vấn đề và đưa ra các giải pháp hỗ trợ

Thứ hai, là phải quản lí được các kênh thông tin mà con truy cập. Vẫn biết quản lí các tài khoản thật khó, nhưng cần có các quy định đối với trẻ về những gì được xem, nên xem, và giám sát trẻ.

Về phía nhà trường, tôi cho rằng, không chỉ giáo viên chủ nhiệm hàng ngày phải quan tâm đến học sinh mà tất cả giáo viên bộ môn cũng nên là người bạn đồng hành cùng các em.

Khi nắm bắt một thông tin có nguy cơ xuất hiện hành động bạo lực, giáo viên nên khéo léo xử lí một cách nhẹ nhàng, phù hợp với đặc điểm tâm lí lứa tuổi.

Không nên dùng lí lẽ làm thầy để đe nẹt các em (đặc biệt với học sinh lớn). Thay vào đó, hãy dùng thái độ ôn hòa, khoan dung, dùng lòng nhiệt tình để tìm hiểu nguyên nhân một cách kĩ càng và xử lí một cách thấu đáo để các em tâm phục, khẩu phục mà thoát ra khỏi những hiềm khích mà xây dựng tình bạn trong sáng tốt đẹp.

Nên tổ chức nhiều hoạt động để học sinh có cơ hội giao lưu, hiểu bạn, từ đó bồi đắp tình thương yêu và gắn bó giữa các em học sinh với nhau.

"Theo nghiên cứu của tổ chức Plan trong phạm vi một số trường học ở Hà Nội thì có đến 65% học sinh đã bị bạo lực tinh thần như mắng chửi, đặt biệt danh xấu, nhắn tin đe dọa, nói xấu trên mạng... Năm học mới đã bắt đầu, tôi mong sẽ không có sự việc đau lòng nào xảy ra liên quan tới bạo lực học đường, để thực sự "mỗi ngày đến trường là một ngày vui"", cô giáo Lê Huyền.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top