Bộ GD-ĐT: “Không thể chờ hết dịch để đi học”

Trước khi vào năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT đã cùng các địa phương bàn kỹ việc làm sao để linh hoạt, chủ động sáng tạo, tận dụng mọi giải pháp, công cụ, công nghệ để tổ chức dạy và học trong điều kiện dịch bệnh có thể kéo dài, diễn biến phức tạp.

Chiều tối 6/9, tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2021, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Hoàng Minh Sơn đã thông tin về công tác dạy và học trong năm học 2021-2022 trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, trước khi vào năm học 2021-2022, Bộ GD-ĐT đã cùng với các địa phương bàn kỹ về vấn đề trọng tâm, đó là làm sao để linh hoạt, chủ động sáng tạo, tận dụng mọi giải pháp, công cụ, công nghệ để tổ chức dạy học, thích ứng trong điều kiện dịch bệnh có thể kéo dài, diễn biến phức tạp.

Bộ GD-ĐT cũng đã tổ chức Hội nghị tổng kết đối với từng bậc học; hướng dẫn thực hiện năm học mới. Bộ đang chuẩn bị hướng dẫn địa phương, cơ sở giáo dục nhiều biện pháp để dạy học cả ngày. Trong điều kiện nhiều địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội thì cần khai thác các phương tiện khác nhau; trong đó có học liệu điện tử, dạy học trên truyền hình, tổ chức lớp học ảo, dạy học từ xa…

“Dù khó khăn đến đâu cũng tổ chức dạy và học tốt và tận dụng mọi điều kiện để thực hiện. Nơi nào có điều kiện thì dạy học trực tiếp. Nơi nào chưa đủ điều kiện thì dạy học trực tuyến và dạy trên truyền hình”, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhấn mạnh.

Bộ GD-ĐT đang đẩy mạnh hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục vận dụng bài giảng trên điện tử. Bài giảng này có thể tải trên mạng và Bộ đã chuẩn bị kho học liệu lớn, kết nối trên YouTube và hệ tri thức Việt số hoá. Riêng với lớp 1, hiện nay đã có video bài học môn tiếng Việt, tiếng Anh, những bài giảng này được phát trên truyền hình hằng ngày.

Với những học liệu đó, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, nơi nào không có điều kiện, thầy cô có thể gửi cho học sinh qua mail, Zalo… và kèm theo đó bài hướng dẫn. Các địa phương cũng có thể sử dụng tài nguyên này để phát trên Đài phát thanh truyền hình địa phương. Ở những nơi nào không có điều kiện nữa thì Bộ đã ban hành văn bản hướng dẫn các nhà trường tạo điều kiện cho học sinh học từ xa, thông qua các tài liệu, hỗ trợ học tập tốt nhất cho các em học sinh, sinh viên trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp.

Trong điều kiện hiện nay, ông Sơn nhấn mạnh cho biết việc giáo dục đào tạo không chỉ ngành giáo dục có thể thực hiện tốt, mà cần phải sự chung tay vào của toàn xã hội, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, sự vào cuộc quyết liệt của các địa phương trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên, từ đường truyền, các thiết bị, hướng dẫn hỗ trợ các phụ huynh, gia đình hỗ trợ học sinh trong việc học.

“Dù khó khăn đến mấy chúng ta cũng phải thi đua dạy tốt - học tốt, trong thời chiến làm được thì trong thời này cũng làm được. Cũng có ý kiến cho rằng sao không lùi năm học? Dịch bệnh có thể kéo dài và nơi nào có điều kiện thì cố gắng tổ chức dạy học, nhưng chúng ta không thể chờ được. Vậy thời gian này, chúng ta tận dụng tất cả những gì đang có để tổ chức dạy tốt - học tốt”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.

Đề cập những khó khăn thực tế, ông Hoàng Minh Sơn cho biết, có 2 khó khăn lớn nhất là thiết bị và đường truyền: “Với 20 triệu học sinh, sinh viên, chỉ cần 2 triệu lượt truy cập cùng lúc thì rất khó để đường truyền đảm bảo được”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT đặc biệt thông tin, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo sẽ ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho học sinh, sinh viên khi có đủ điều kiện./.

Theo vov.vn
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top