Bộ GD&ĐT giải thích về quy định “hạng nào đạo đức đó”

(khoahocdoisong.vn) - Trước những phản ánh của dư luận, báo chí, Bộ GD&ĐT đã đăng đàn giải thích về quy định xếp hạng đạo đức đối với giáo viên trong chùm thông tư mới gây tranh cãi.

Phải kết hợp cả tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp

Bộ GD&ĐT vừa ban hành các Thông tư 01, 02, 03, 04 quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục mầm non, các trường phổ thông công lập.

Những thông tư này đã có nhiều điểm khiến giáo viên phản ứng, bức xúc, thắc mắc, trong đó có các nội dung liên quan tới quy định về đạo đức nghề nghiệp khác nhau ở từng hạng giáo viên.

Theo đó, mỗi hạng giáo viên lại có những tiêu chuẩn đạo đức khác nhau. Nhiều ý kiến cho rằng, đã có quy định về đạo đức nghề giáo rồi, mà giờ lại còn phải thêm các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp riêng của từng hạng là điều gây khó hiểu.

Hơn nữa, không thể nào lại đưa ra tiêu chuẩn đạo đức giáo viên cho từng hạng. Và ở hạng cao, thì yêu đạo đức càng cao. Bởi, đạo đức là giá trị phổ quát, nếu nói tới đạo đức nghề giáo, thì mọi giáo viên đều phải đạt được khi đứng trên bục giảng. Chứ không phải, khi ở hạng thấp thì chỉ cần đạo đức thế này, khi ở hạng cao hơn, thì lại cần đạo đức cao hơn.

KH&ĐS cũng đã có bài viết phản ánh những ý kiến băn khoăn của giáo viên trong bài viết "Xếp hạng giáo viên: Hạng nào đạo đức đó?".

Trước những băn khoăn của dư luận, Bộ GD&ĐT đã đăng đàn báo chí trả lời về vấn đề này.

Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT cho biết, nhà giáo đã có quy định riêng về đạo đức nhưng nhà giáo ở đây cũng là một viên chức. Do đó, phải có sự kết hợp cả tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo và đạo đức nghề nghiệp.

Việc ở mỗi hạng đều có tiêu chuẩn về đạo đức nhà giáo thì chùm thông tư phải tuân thủ yêu cầu theo quy định của Luật, hướng dẫn của Chính phủ và Bộ Nội vụ. Cụ thể, mỗi hạng chức danh nghề nghiệp ngoài tên hạng phải có 4 tiêu chuẩn: Tiêu chuẩn nhiệm vụ, đạo đức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Bộ chỉ có một quy định về tiêu chuẩn đạo đức nhà giáo thống nhất cho tất cả giáo viên ở các hạng. Nhưng ở các hạng cao hơn, lại có yêu cầu và mức độ thực hiện khác nhau.

Tất cả giáo viên hạng 2 đều phải thực hiện yêu cầu đạo đức của giáo viên ở hạng 3 nhưng đã phấn đấu lên hạng 2 thì thầy cô đều phải gương mẫu trong thực hiện các quy định này. Ở hạng 1 cũng phải thực hiện tất cả quy định ở hạng 3 nhưng khi đã phấn đấu lên hạng 1 thì thầy cô còn phải có nhiệm vụ hỗ trợ đồng nghiệp cùng thực hiện tốt các quy định này.

Chẳng hạn, với quần chúng chỉ cần chấp hành tốt nhưng Đảng viên thì phải nêu gương, gương mẫu. Hoặc trong công chức, chuyên viên sẽ phải chấp hành tất cả các quy định chung nhưng chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp hoặc những người ở chức danh lãnh đạo thì phải có trách nhiệm nêu gương, nhắc nhở, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện.

Trước đây, trong ngành đã xảy ra một số vụ việc đáng tiếc khi giáo viên vi phạm đạo đức nhà giáo. Rõ ràng, đối với giáo viên hạng 2, hạng 1 sẽ phải có trách nhiệm phát hiện những hành vi, biểu hiện để kịp thời hỗ trợ giúp đỡ để đồng nghiệp không dẫn đến hành vi vi phạm khiến xã hội, dư luận lên án.

Không có chuyện giáo viên bị giảm đi quyền lợi của mình

Ông Bình cho biết, chùm thông tư mới này ra đời một mặt phải khắc phục được những bất cập trong quá trình thực hiện của chùm thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23; đồng thời phải bổ sung được những điểm mới của Luật Giáo dục và Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực từ năm 2020 cũng như một số quy định mới về việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông cho phù hợp.

Thứ nhất, đối với giáo viên mầm non và tiểu học, trước đây cũng quy định 3 hạng nhưng là hạng IV, hạng III, hạng II (mà không có hạng I, do chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học là trung cấp, nên phải áp dụng chức danh tương đương), nhưng khi Luật Giáo dục 2019 được ban hành, chuẩn trình độ giáo viên được nâng lên thì ở thông tư mới xếp giáo viên mầm non và tiểu học ở 3 hạng (hạng I, hạng II, hạng III) như giáo viên THCS và THPT.

Việc chuyển các quy định từ chùm thông tư cũ sang chùm thông tư mới sẽ đảm bảo chuyển hạng tương ứng. Cũng như vậy, các quyền lợi của giáo viên, cũng như các yêu cầu về thực hiện nhiệm vụ và tiêu chuẩn về năng lực sẽ được giữ nguyên hoặc theo chiều hướng có lợi cho giáo viên, chứ không có chuyện giáo viên bị giảm đi quyền lợi của mình.

Thứ hai là việc xếp lương giáo viên, trước đây tất cả giáo viên mầm non, tiểu học đều được xếp vào hạng lương cán sự (hệ số 1,86). Nhưng đến thời điểm này, giáo viên mầm non xếp vào hệ 2,10; giáo viên tiểu học xếp vào hệ 2,34, bởi lương được xếp theo trình độ đào tạo.

Đây cũng là một sự thuận lợi và cũng là giải quyết được một vấn đề mà nhiều giáo viên băn khoăn nhiều, bức xúc trong thời gian qua về việc lương phải được xếp theo trình độ đào tạo.

Thứ ba, chùm thông tư mới được ban hành quyết định không quy định giáo viên phải có trình độ ngoại ngữ, tin học mà tương đương với đó là các chứng chỉ ngoại ngữ, tin học.

Tuy các chùm thông tư mới không quy định nhưng không có nghĩa là hạ thấp yêu cầu, mà các yêu cầu này đã được Bộ GD-ĐT tính toán đưa vào các chương trình đào tạo, quy định chuẩn đầu ra của giáo viên cũng như đưa vào các chuyên đề bồi dưỡng nâng cao năng lực nghề nghiệp.

Yêu cầu này cũng được quy định trong các thông tư về tiêu chuẩn năng lực thực hiện nghề nghiệp của giáo viên. Có nghĩa là giáo viên nào cũng phải có năng lực công nghệ thông tin, ngoại ngữ trong hoạt động nghề nghiệp và một số nhiệm vụ cụ thể mà vị trí việc làm yêu cầu.

Thứ tư, việc quy định hạng chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên sẽ không cứng nhắc. Có nghĩa một giáo viên mà suốt cả đời chỉ là giáo viên hạng 3 cũng không sao cả. Ai có nhu cầu thăng tiến trong nghề nghiệp thì sẽ có sự phấn đấu cả về mặt phẩm chất, nghề nghiệp, trình độ và năng lực để lên hạng 2, rồi hạng 1.

Khi giáo viên đã phấn đấu thăng các hạng cao hơn thì dĩ nhiên sẽ được hưởng các quyền lợi và chế độ cao hơn.

Ông Bình cho biết, trước khi ban hành một chính sách mới và cả trong quá trình thực hiện thì cần lắng nghe tất cả ý kiến từ dư luận để có những nghiên cứu, xem xét. 

Có những việc có thể còn vướng ở quy định này kia thì chúng ta cần phải có thời gian, lộ trình cụ thể. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT đều tôn trọng và trân trọng tất cả ý kiến đóng góp từ dư luận xã hội và các cá nhân.

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top