Bỏ đuổi học: Cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình

(khoahocdoisong.vn) - Việc bỏ điều khoản đuổi học sinh trong dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh của Bộ GD&ĐT được đánh giá là nhân văn. Tuy nhiên, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường.

Thay đuổi học bằng tạm dừng học

Bộ GD&ĐT vừa công bố dự thảo Thông tư Quy định về khen thưởng và kỷ luật đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, thay thế Thông tư số 08, được Bộ GD&ĐT ban hành từ năm 1988.

Điểm mới trong dự thảo thông tư của Bộ GD&ĐT, các hình thức kỷ luật đối với học sinh không còn "buộc thôi học". Các hình thức kỷ luật với học sinh gồm khiển trách, cảnh cáo, tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng.

Trong đó, việc tạm dừng học tập trên lớp được áp dụng đối với trường hợp học sinh đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng không sửa chữa, tái phạm hoặc vi phạm thêm những khuyết điểm khác trong khoảng thời gian một học kỳ.

Hoặc học sinh vi phạm lần đầu nhưng ở mức độ đặc biệt nghiêm trọng như đánh nhau có tổ chức, sử dụng hung khí, vũ khí gây thương tích nặng cho người khác; xâm phạm nhân phẩm, thân thể của giáo viên, cán bộ, nhân viên, học sinh khác hoặc có những hành vi vi phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương nhưng chưa đến mức bị các cơ quan có thẩm quyền xử lí theo quy định của pháp luật.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của Hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, Hiệu trưởng xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.

Khi áp dụng xử lý kỷ luật bằng hình thức tạm dừng học tập trên lớp, nhà trường thông báo bằng văn bản đến chính quyền cấp xã nơi học sinh cư trú để phối hợp, hỗ trợ quản lý, giáo dục học sinh theo quy định.

Trong thời gian tạm dừng học tập trên lớp, học sinh có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên được phân công và gia đình học sinh; nhưng phải đảm bảo thời gian thực hiện kế hoạch giáo dục bằng với thời gian học sinh đến trường khi không kỷ luật.

Hết thời hạn tạm dừng học tập trên lớp, học sinh phải giải trình về kết quả rèn luyện của bản thân trong thời gian bị kỷ luật và đề xuất kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện của bản thân trong thời gian tới, có xác nhận và cam kết của gia đình học sinh. Hiệu trưởng nhà trường xem xét và quyết định cho học sinh tiếp tục học tập trên lớp. 

Trong trường hợp học sinh không thực hiện đầy đủ các biện pháp giáo dục của nhà trường và gia đình thì hiệu trưởng nhà trường họp Hội đồng kỷ luật để xem xét, tiếp tục áp dụng hình thức kỷ luật tạm dừng học tập trên lớp lần tiếp theo.

Cần sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường

Việc bỏ điều khoản đuổi học sinh trong dự thảo thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh của Bộ GD&ĐT được đánh giá là nhân văn so với thông tư số 08 và được các giáo viên ủng hộ. Bởi trong cuộc sống, bất kỳ ai cũng có thể có những sai lầm. Những lúc đó, rất cần có sự dìu dắt, giúp đỡ từ phía các thầy cô giáo, tránh các em càng lún sâu hơn vào những lỗi lầm.

Thầy giáo Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), người sáng lập ngôi trường “không chọn lọc đầu vào”, sẵn sàng tiếp nhận những học sinh bị đuổi học theo thông tư 08 cho biết, quan điểm của thầy là không có học sinh hư, mà chỉ có học sinh chưa được giáo dục đúng. Mục đích mở ngôi trường này, cũng là để “giáo dục đúng” những học sinh bị đuổi học.

Chia sẻ với phóng viên KH&ĐS, ông Lâm kể câu chuyện, một cô giáo chủ nhiệm mới ra trường đã tìm ra được thủ phạm đốt pháo trong nhà trường. Sau đó, học sinh này bị đuổi học.

Nhưng sau 5 năm thì cô mới nhận ra được rằng, trong số những học sinh bị đuổi học có em tiếp tục học bổ túc, có em làm nghề nhưng có em bị kẻ xấu lôi kéo.

Và cô ấy đã rút ra được rằng, trong mối quan hệ giữa thầy và trò, không có thua và thắng, mà chỉ có ân hận và niềm tự hào.

Ân hận là vì những phương pháp giáo dục của mình chưa phù hợp với học trò, chưa đúng với nguyên tắc giáo dục cụ thể, không giúp học sinh vượt qua chính mình để tồn tại và phát triển trong cuộc sống. Còn tự hào là ngược lại, khi có cách giáo dục phù hợp giúp học trò phát triển vượt qua được chính mình.

Cũng tán thành việc bỏ hình thức kỷ luật là đuổi học sinh, tuy nhiên, cô giáo Nguyễn Hạnh, Trường THPT Thuận Thành 3, Bắc Ninh chia sẻ, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường đối với những học sinh vi phạm kỷ luật.

Bởi thực tế, hơn chục năm làm giáo viên chủ nhiệm, cô Hạnh thấy, có những học sinh rất bướng bỉnh, ngỗ ngược. Nhưng vẫn còn có giới hạn để các em biết sợ, đó là bị đuổi học. Khi cái “sợ nhất” này không còn, thì có thể sẽ có nhiều em ỷ vào đây không chịu thay đổi.

Hơn nữa, quãng thời gian tạm dừng học có thể lên tới 2 tuần (so với trước đây là 3 ngày), cho nên, rất cần sự phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình phụ huynh. Nếu không, thì đây có thể là quãng thời gian các em được “buông lỏng”, càng khó quản lý hơn.

Trong thông tư mới, việc khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường cũng được xóa bỏ.  Theo ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Bộ GD&ĐT, việc khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước trường trong những nội dung của thông tư 08 bị phản ứng gay gắt vì "phản giáo dục".

Theo Đời sống
Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa tình yêu nhạc cổ điển

Hòa nhạc giáo dục Classical Wonderland: Lan tỏa âm nhạc cổ điển tới cộng đồng

Hòa nhạc Giáo dục "Classical Wonderland" với sự tham gia của Dàn nhạc Giao Hưởng Việt Nam, nhạc trưởng Honna Tetsuji, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Hà, cùng những người chiến thắng từ VYMI EduConcert Piano Audition 2022 vừa diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Chương trình nằm trong Dự án mang Âm nhạc cổ điển đến với cộng đồng của thành phố Hà Nội.
Đại diện Quỹ Toyota Việt Nam và các đơn vị đồng hành bàn giao điểm trường Lũng Lậu

Quỹ Toyota Việt Nam hỗ trợ xây dựng điểm trường cho trẻ em vùng cao tỉnh Cao Bằng

Ngày 8/7, với mục tiêu đóng góp cho sự nghiệp giáo dục đào tạo và phát triển nguồn nhân lực tại Việt Nam và góp phần mang lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân và toàn xã hội, Quỹ Toyota Việt Nam đã tiến hành bàn giao điểm trường Lũng Lâu, thuộc trường Tiểu học & Trung học cơ sở Vần Dính tại huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng.
back to top