Bình Dương xây dựng kịch bản tái sản xuất ngay cả khi nhà máy có F0

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bình Dương đang duy trì mô hình sản xuất “3 tại chỗ”, đồng thời thêm 2 hình thức “3 xanh”, “3 tại chỗ linh hoạt”. Tuy nhiên, mô hình hoạt động mới này điều kiện rất khắt khe nhằm duy trì sản xuất trong trường hợp phát hiện F0 nhà máy không đóng cửa, vẫn phải “sáng đèn”.

Thêm mô hình hoạt động cho doanh nghiệp

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương cho biết, thời gian qua, do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất công nghiệp trong quý III/2021 có chậm lại và giảm so với những tháng đầu năm. Dù vậy, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 9/2021 tăng 3,15% so với tháng trước. Lũy kế 9 tháng năm 2021, chỉ số IIP ước tính tăng 4,87% so với cùng kỳ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bình Dương đã duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ở những nơi đủ điều kiện theo nguyên tắc "an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn". Bình Dương đã nỗ lực để bảo vệ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thực hiện "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm" để có thể tiếp tục sản xuất. Sau khi trở lại trạng thái bình thường mới, Bình Dương thêm mô hình hoạt động “3 xanh” (nhà máy, công nhân và nhà trọ). Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương có 3.197 doanh nghiệp đã đăng ký và đang hoạt động theo phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường, 2 địa điểm", "3 xanh" cho 264.621 lao động.

Song song với việc xét nghiệm, truy vết, rà soát, bóc tách F0, đảm bảo hoạt động sản xuất, Bình Dương triển khai tiêm vắc xin diện rộng cho tất cả người lao động trong các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tính đến nay, Bình Dương đã tổ chức xét nghiệm COVID-19 cho 133.995 người lao động và tổ chức tiêm 150.673 liều vắc xin ngừa COVID-19 cho người lao động trong hệ thống phân phối hàng hóa thiết yếu; các hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp.

Bình Dương xây dựng kịch bản tái sản xuất ngay cả khi nhà máy có F0 ảnh 1
Doanh nghiệp tái sản xuất phải đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch tại chỗ

Ngoài việc tổ chức mô hình hoạt động mới “3 xanh”, Bình Dương đã triển khai mô hình " 3 tại chỗ linh hoạt". Hai mô hình mới này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng chi phí duy trì chuỗi cung ứng sau thời gian dài giãn cách xã hội, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất và đảm bảo điều kiện sản xuất an toàn, góp phần giải quyết được việc làm, đảm bảo đời sống cho người lao động.

Nhà máy vẫn phải “sáng đèn” dù có F0

Theo ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương Bình Dương, các DN thực hiện tổ chức sản xuất trở lại trong trạng thái “bình thường mới” phải là DN xanh, không còn ca nhiễm F0, không còn bị phong tỏa và các F1 phải được cách ly. DN tổ chức sản xuất trở lại phải tiến hành sàng lọc bảo đảm an toàn COVID-19 một cách triệt để, thực hiện theo dõi, giám sát và tiến hành xét nghiệm, 100% người lao động (NLĐ) tham gia thuộc “vùng xanh”. Các DN chỉ được hoạt động trở lại khi đã xây dựng phương án sản xuất được Sở Công thương phê duyệt.

Theo lộ trình, DN nâng công suất hoạt động dần dần theo các mức 30% - 50% - 70% và cao hơn. Việc nâng công suất và quy mô hoạt động phải tính toán phù hợp với đặc điểm của DN và diễn biến tình hình phòng, chống dịch bệnh của địa phương. Trong đó, ưu tiên việc trở lại làm việc trước hết cho người lao động sống ở “vùng xanh” hoặc không bị phong tỏa, không bố trí công việc cho người có mức độ rủi ro nhiễm bệnh cao.

Doanh nghiệp hoạt động phải tự xét nghiệm sàng lọc (hoặc thuê đơn vị dịch vụ) để kiểm soát đầu vào, bảo đảm 100% người lao động qua xét nghiệm có kết quả âm tính với SARS-CoV-2, được tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 sau 14 ngày hoặc đã tiêm 2 mũi. Trong quá trình sản xuất thực hiện xét nghiệm 3 ngày/ lần (có thể thực hiện mẫu gộp hoặc mẫu đơn tùy thuộc kết quả xét nghiệm thực tế) cho những đối tượng nguy cơ cao, với mục tiêu là 20% tổng lao động, báo cáo kết quả xét nghiệm cho Sở Công thương, chính quyền địa phương.

Bình Dương xây dựng kịch bản tái sản xuất ngay cả khi nhà máy có F0 ảnh 2
Công nhân được tiêm vắc xin mới trở lại làm việc

Khi phát hiện có F0, DN chỉ tạm ngừng hoạt động tại dây chuyền/khu vực nơi có ca liên quan trực tiếp, không phải dừng toàn bộ nhà máy. Do đó, điều kiện để doanh nghiệp hoạt động phải bố trí khu vực cách ly F0 tại nhà máy bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất, có đội ngũ chăm sóc y tế, có tủ thuốc bảo đảm cơ số để phục vụ công tác điều trị ban đầu, khuyến khích các DN thực hiện tự cách ly, điều trị F0 nhẹ.

Tăng cường hoạt động và phát huy vai trò chủ đạo của Tổ an toàn COVID-19 trong DN bao gồm lãnh đạo, những người trực tiếp quản lý lao động tại các phân xưởng, các khâu trong dây chuyền sản xuất. Thực hiện thí điểm việc sắp xếp lại nơi ở nhà trọ của công nhân đang làm việc trong DN theo hướng toàn bộ công nhân trong một doanh nghiệp sẽ được sắp xếp ở tập trung trong một hoặc một số khu nhà trọ xanh để doanh nghiệp đủ điều kiện tổ chức sản xuất.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, địa phương tập trung thực hiện 5 nhóm nhiệm vụ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất bao gồm: Hỗ trợ tín dụng, thực hiện các chính sách thuế - bảo hiểm xã hội, các chính sách về lao động, tiếp cận thị trường, tổ chức lại hoạt động sản xuất kinh doanh theo lộ trình cụ thể. Các sở, ngành sẽ tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuế đất trong năm 2021.

Đồng thời, tiếp tục thống kê tình hình lao động, xử lý, giải quyết các vướng mắc về lao động trong các doanh nghiệp và có giải pháp để động viên tinh thần của người lao động; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau giãn cách, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo tienphong.vn
back to top