​​​​​​​Biến rau củ tươi thành khô, dùng cả năm

(khoahocdoisong.vn) - Tình trạng nông sản ùn ứ cần người giải cứu do ảnh hưởng của dịch Covid-19 diễn ra ở nhiều địa phương. Một trong những cách “tận dụng” rau củ giá rẻ là biến chúng thành đồ khô để dùng trong cả năm.

Các loại củ dễ dàng làm khô

Tại Hà Nội và nhiều địa phương, các điểm giải cứu nông sản cho người nông dân ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được thành lập, song số rau quả cần tiêu thụ vẫn còn rất nhiều. Bắp cải, su hào, cà chua, cà rốt, súp lơ… đều có giá thành rất rẻ, chỉ vài ngàn đồng/kg. Để tận dụng rau củ giá rẻ, chị Cù Thị Hương, Chung cư HDMon, đường Hàm Nghi, Mỹ Đình, Hà Nội chia sẻ, chị cùng hội phụ nữ của tòa nhà nảy ra sáng kiến phơi khô rau củ để dùng dần. Đây cũng là những món ăn rất ngon, có hương vị lạ khi chế biến cùng các thực phẩm khác. Các loại củ để làm khô dễ dàng là su hào, cà rốt, củ cải, thậm chí là các loại rau gia vị.

“Đối với cà rốt, chúng tôi cạo vỏ, rửa sạch rồi thái lát tròn hoặc dài độ dày khoảng 0,5 - 0,7cm. Không nên thái dày quá hoặc mỏng quá vì dày quá làm khô sẽ lâu, mỏng quá làm khô sẽ ngót hết. Phơi nắng hoặc cho vào lò  ở nhiệt độ 70 – 75 độ C đến độ ẩm cuối cùng là 10%. Bao gói bảo quản bằng túi polyetylen hoặc giấy chống ẩm, để nơi khô ráo, thoáng mát, hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh dùng để xào, nấu, làm nộm (khi chế biến ngâm nước lạnh hoặc nước ấm cho nở ra). Hoặc đối với su hào, tương tự như là cà rốt. Đem su hào gọt vỏ, rửa sạch rồi thái lát tròn hoặc dài độ dày khoảng 0,5 - 0,7cm, ngâm trong nước muối pha loãng 3 phút cho ra hết nhựa làm cách này thì khi phơi su hào xong sẽ không bị thâm đen, ảnh hưởng đến mỹ quan của sản phẩm. Không nên thái dày quá hoặc mỏng quá vì dày quá làm khô sẽ lâu, mỏng quá làm khô sẽ ngót hết. Phơi nắng hoặc cho vào lò  ở nhiệt độ 70 – 75 độ C đến độ ẩm cuối cùng là 10%. Bắp cải cũng chỉ cần thái sợi và phơi khô”, chị Hương chia sẻ.

Tuy vậy, chị Hương cũng như nhiều bạn đọc khác băn khoăn thắc mắc không biết rau củ khô có còn chất bổ dưỡng hay không? Theo chuyên gia công nghệ thực phẩm Trương Lan Hương, Viện Công nghiệp Thực phẩm, lợi thế của rau củ khô là dễ bảo quản, tiện lợi khi sử dụng. Rau củ khô có chứa lượng chất dinh dưỡng giống như rau củ tươi, nhưng được cô đọng trong thể tích nhỏ hơn. Tính theo trọng lượng, rau củ khô có chứa tới 3,5 lần chất xơ, vitamin và khoáng chất so với rau củ tươi.

Đồ khô cũng cần để tủ lạnh

Với cách làm khô này chúng ta có thể tận dụng nguồn nguyên liệu dồi dào và giá thành lại vô cùng rẻ để dự trữ có rau củ ăn quanh năm và tha hồ sáng tạo với các món ăn khác nhau. Để sấy rau củ khô, chỉ cần có ánh nắng mặt trời, thoáng gió là đạt chất lượng thành phẩm. Nên chọn những ngày thời tiết nóng để phơi cho các loại rau nhanh khô. Nhớ chọn nơi ít khói bụi, và phủ lên một lớp vải màn mỏng để tránh các loại vi khuẩn, bụi. Rau hương liệu sau khi phơi khô thì giã mịn ra, bảo quản còn các loại rau thì bảo quản luôn để dùng dần. Tùy từng loại rau bạn mới nên sấy khố để bảo quản ăn dần.

Theo TS Trương Lan Hương, quá trình chế biến bảo quản không đúng cách cũng khiến thực phẩm khô dễ phát sinh nấm mốc. Thực phẩm khi bị nhiễm nấm chúng tiết ra độc tố aflatoxin – đây là loại độc tố rất mạnh. Nếu chẳng may ăn phải các loại thực phẩm này, thì chỉ với một liều lượng rất nhỏ, Aflaxtoxin cũng đã có thể gây ngộ độc cấp tính cho các cơ quan nội tạng. Khi xâm nhập vào gan sẽ dẫn tới gan nhiễm mỡ, xơ gan và ung thư gan. Nguyên tắc hàng đầu trong bảo quản thực phẩm khô là bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát và tùy từng loại thực phẩm mà cân nhắc có nên bảo quản trong ngăn mát hay ngăn đá của tủ lạnh.

Theo Đời sống
back to top