Biện pháp tổng thể chữa cước mùa lạnh

(khoahocdoisong.vn) - Rét đậm mùa đông kéo theo những khí độc xâm nhập vào cơ thể là nguyên nhân chính khiến chân, tay, tai bị ngứa, sưng tấy dẫn đến cước. Bệnh gây sưng đau các ngón tay, chân, gót chân; bắp chân đến đầu gối, khớp đau buốt…

Tay chân và tai đều có thể bị cước, đây là một chứng bệnh thường gặp vào mùa đông. Khi nhiệt độ xuống thấp ở mức 0 - 10C thì có thể gây ra bệnh cước. Cước là một dạng tổn thương da do lạnh, thường xuất hiện ở ngón tay, ngón chân, với biểu hiện sưng tấy, ngứa ngáy, da rộp hoặc nứt, đau buốt gây khó chịu.

 Theo Đông y, nguyên nhân gây bệnh cước là do khí độc ở ngoài xâm nhập vào cơ thể. Các loại khí độc này là hàn (lạnh) và thấp (ẩm ướt) khí. Bệnh nhân sống ở vùng ẩm ướt, hay tiếp xúc với nước lạnh (đồng ruộng, chế biến thực phẩm đông lạnh mà không dùng găng, ủng), khí hậu lạnh lẽo, hay đi chân đất, nằm ngồi hoặc ngủ dưới đất lâu ngày hàn và thấp khí xâm nhập vào da thịt, gân mạch mà sinh bệnh. Vào mùa mưa hoặc mùa lạnh thì bệnh thường phát nặng hơn. Bệnh gây tổn hại cho sức khỏe nên biết cách phòng ngừa và trị bệnh.

Giữ ấm, bôi kem và ăn thực phẩm giàu vitamin A: Cước có thể đề phòng bằng cách giữ ấm. Khi rửa tay, chân không nên dùng các lọai xà phòng có tính kiềm mạnh để tránh kích thích da. Sau khi rửa và lau khô chân tay có thể xoa một chút kem dưỡng da có nguồn gốc thảo mộc.

Người bị cước nặng có thể bôi một chút kem chống cước không có tính kích thích sau khi ngâm nước nóng, người bị nhẹ có thể bôi một chút kem hoặc dầu dưỡng da thông thường.

Ngoài ra, vitamin A có tác dụng bảo vệ da và phòng chống nứt nẻ rất tốt. Vì vậy mùa đông nên ăn nhiều củ cải, rau chân vịt, cà rốt, cà chua, gấc và các loại thực phẩm có nhiều vitamin A để nâng cao sức đề kháng của da.

Rửa mặt : Dùng hai lòng bàn tay áp lên hai má, sau đó xoa mật một cách nhẹ nhàng. Nếu vết cước ở đầu mũi, có thể dùng hai ngón tay cái kẹp đầu mũi, sau đó vuốt lên vuốt xuống nhiều lần.

Vuốt tai: Dùng mặt trong của ngón tay cái và đốt cuối ngón trỏ của hai bàn tay kẹp lấy phía trên của tai sau đó vuốt chậm và nhẹ nhàng xuống phía dưới dái tai nhiều lần sao cho tai nóng ấm lên là được.

Xoa chân: Để các ngón tay trỏ, giữa và ngón út vào chỗ bị cước rồi xoa đều theo hình tròn nhiều lần. Nếu chỗ bị cước ở gót chân thì làm động tác xoa từ phía gót trở ra lòng bàn chân.

Thuốc trị: Đem ngâm ớt và gừng tươi, mỗi lọai 60g trong 300 ml rượu 95 %, sau nửa tháng là có thể dùng được. Khi dùng, lấy bông tẩm dịch thuốc bôi vào chỗ bị cước mỗi ngày 2 lần. Bài thuốc này có hiệu quả đặc biệt với người bệnh còn nhẹ. Hoặc dùng Vân Nam Bạch dược pha với một chút rượu rồi đem bôi vào chỗ bị cước.

Nếu chỗ cước đã nứt có thể bôi Vân Nam Bạch dược trực tiếp vào chỗ đau, rồi dùng băng vô trùng quấn lại, thông thường chỉ sau 2-6 ngày là khỏi. Vân Nam Bạch dược là một chế phẩm Đông dược nổi tiếng của Trung Quốc đã được nhập vào nước ta, có thể tìm mua ở các hiệu thuốc có giấy phép kinh doanh.

BS Khánh Hiển (Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top