Biến chứng tiểu đường

Biến chứng tiểu đường có cấp tính và mãn tính. Biến chứng cấp tính thường xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, có thể hôn mê, thậm chí rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Hỏi: Tôi phát hiện tiểu đường 2 năm nay nên tôi thực hiện ăn uống kiêng khem, tập thể dục và uống thuốc đều. Xin bác sĩ cho biết, tại sao tôi đã thực hiện kiêng tốt thế rồi mà nhiều lúc chân tay vẫn run rẩy, vã mồ hôi và rất mệt. Không biết bệnh này sẽ biến chứng trong bao lâu?

Ngọc Hân (Phố Huế, Hà Nội)

Biến chứng tiểu đường ảnh 1

ThS.BS. Đỗ Đình Tùng.

ThS.BS. Đỗ Đình Tùng, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Biến chứng tiểu đường có cấp tính và mạn tính. Biến chứng cấp tính thường xảy ra đột ngột trong thời gian ngắn, có thể hôn mê, thậm chí rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Nguyên nhân chủ yếu là do ăn uống kiêng khem quá mức, uống quá liều thuốc, không ăn nhưng vẫn dùng thuốc, tập luyện quá sức. Biến chứng mãn tính thường xuất hiện sau đó 10 - 20 năm khi đường huyết tăng cao gây tổn thương tim mạch, gây cao huyết áp, tắc mạch vành tim, xơ cứng động mạch, tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim gây bại liệt hoặc tử vong.

Tổn thương thần kinh cũng là biến chứng phổ biến và xuất hiện sớm nhất gồm bệnh thần kinh thực vật và thần kinh ngoại biên làm bệnh nhân tê bì chân tay, yếu cơ, loét bàn chân, da khô, táo bón hoặc tiêu chảy. Một số người có tổn thương thận do hàm lượng đường trong máu cao, ảnh hưởng lên vi mạch tại thận dẫn đến suy giảm các chức năng bài tiết và lọc của thận. Ngoài ra là biến chứng về mắt, người bệnh dễ nhiễm trùng răng lợi, đường tiết niệu, sinh dục… Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể ngăn chặn được các biến chứng nếu kiểm soát tốt đường máu, không để xuống quá thấp hoặc lên quá cao.

Theo Đời sống
back to top