Biến chứng nguy hiểm của bệnh tim bẩm sinh... phòng ngừa thế nào?

Tim bẩm sinh thường có triệu chứng trong vài tuần đầu sau khi sinh, vì vậy cần nhận biết sớm bệnh để điều trị tránh gặp phải những biến chứng nguy hiểm.

2 nguyên nhân chính dẫn đến mắc tim bẩm sinh

Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền được xem là căn nguyên lớn nhất của việc hình thành những dị tật bẩm sinh ở trẻ, đặc biệt là dị tật ở tim. Nếu bố, mẹ hoặc người thân trong gia đình mắc một trong những bệnh tim bẩm sinh thì trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Tuy nhiên, một số trường hợp bố mẹ mang gen bệnh, không mắc tim bẩm sinh nhưng trẻ sinh ra vẫn có nguy cơ cao.

Nhiễm độc và nhiễm bệnh trong thời gian thai kỳ: Trong suốt quá trình mang thai, nếu mẹ có sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, ma túy, hút thuốc lá… hoặc một số loại thuốc thì trẻ sinh ra có nguy cơ mắc các dị tật tim bẩm sinh.

Nếu người mẹ thường xuyên tiếp xúc với các chất phóng xạ, tia X-quang, hoặc sống trong môi trường độc hại cũng có thể có nguy cơ nhiễm độc thai kỳ, dẫn đến các dị tật bẩm sinh ở trẻ.

Hoặc mẹ nhiễm các virus Rubella, Herpes, Cytomegalo… trong 3 tháng đầu thai kỳ; mẹ mắc bệnh đái tháo đường, lupus ban đỏ hệ thống… trong thời gian mang thai cũng có thể có nguy cơ gặp phải các biến chứng nguy hiểm, trong đó có dị tật tim bẩm sinh.

Dấu hiệu nhận biết tim bẩm sinh

Ở trẻ sơ sinh, các biểu hiện bệnh tim bẩm sinh gồm khó thở, thở nhanh, bú ít, bú ngắt quãng, cữ bú kéo dài. Trẻ được vài tháng tuổi sẽ có những biểu hiện rõ rệt hơn như ho thường xuyên, thở khò khè và có những triệu chứng của viêm phổi. Thêm vào đó, trẻ có thể chậm phát triển thể chất, xanh xao, hay vã mồ hôi, tay chân lạnh, một số trẻ tim bẩm sinh tím sẽ dễ quan sát thấy môi, đầu ngón tay-chân chuyển sang tím, tăng khi trẻ khóc…

Các dị tật tim bẩm sinh cũng thường đi kèm với các bệnh lý có liên quan đến đột biến nhiễm sắc thể như hội chứng Down, thiếu hoặc thừa ngón chân, sứt môi… Do đó, trong những trường hợp này trẻ cần được theo dõi kỹ, sát sao để sớm phát hiện những dị tật tim bẩm sinh nếu có.

Trẻ được vài tháng tuổi trở lên sẽ có biểu hiện rõ rệt hơn: Thường xuyên ho, thở khò khè và hay bị viêm phổi.

Biến chứng khi mắc tim bẩm sinh

Các biến chứng của bệnh tim bẩm sinh vẫn có thể tiếp tục phát triển theo thời gian, kể cả khi trẻ đã được điều trị:

Loạn nhịp tim: Là tình trạng tim đập không đều, quá nhanh hoặc quá chậm. Ở một số bệnh nhân, loạn nhịp tim có thể gây đột quỵ hoặc đột tử nếu không được can thiệp điều trị kịp thời và đúng cách.

Nhiễm trùng tim: Còn gọi là viêm nội tâm mạc, là bệnh lý nhiễm trùng của lớp nội mạc cơ tim, thường xảy ra khi vi trùng xâm nhập vào máu và di chuyển đi đến tim. Viêm nội tâm mạc có thể làm hỏng, phá hủy van tim, thậm chí thuyên tắc gây đột quỵ.

Đột quỵ: Dị tật tim bẩm sinh có thể khiến hình thành các cục máu đông trong tim, gây thuyên tắc mạch máu, làm giảm hoặc ngăn chặn việc cung cấp máu đến não.

Tăng áp động mạch phổi: Là tình trạng tăng áp lực trong động mạch phổi, phần lớn do lưu lượng máu đến phổi tăng lên.

Suy tim: Một số dị tật tim bẩm sinh không phát hiện và điều trị kịp thời dẫn tới tim bơm không đủ máu so với nhu cầu cơ thể, dẫn đến suy tim.

Biện pháp phòng ngừa dị tật tim bẩm sinh

Các cặp đôi trước khi có kế hoạch mang thai, hoặc kết hôn nên thực hiện đầy đủ xét nghiệm tiền hôn nhân, trong đó đã bao gồm các xét nghiệm gene di truyền để xác định rõ về tình trạng gene của vợ và chồng. Trong trường hợp vợ, hoặc chồng, hoặc cả hai cùng mang gene bệnh, các chuyên gia tư vấn di truyền sẽ giúp bạn có biện pháp tối ưu nhất để sinh con khỏe mạnh.

Khi có kế hoạch mang thai, người mẹ nên bổ sung vitamin cần thiết trước, trong quá trình mang thai. Đặc biệt là axid folic – vitamin có vai trò quan trọng trong việc sản xuất tế bào máu và phát triển ống thần kinh. Nếu thiếu axid folic, thai nhi sẽ có nguy cơ cao bị mắc dị tật ống thần kinh.

Phụ nữ khi có kế hoạch mang thai cần thận trọng trong việc sử dụng thuốc điều trị, không uống thuốc khi không có sự chỉ định của bác sĩ. Khi gặp bất kỳ vấn đề gì về sức khỏe cần được bác sĩ tư vấn và đưa lời khuyên chính xác nhất.

Phụ nữ mang thai cần tránh xa các hóa chất độc hại, hay các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá, cà phê.

Trước khi mang thai, mẹ bầu cần được tiêm vắc xin phòng bệnh Rubella hoặc sởi để phòng bệnh xảy ra trong thai kỳ.

Đảm bảo nguồn dinh dưỡng sạch, phong phú, tránh các loại cá nhiều thủy ngân như cá thu, cá kiếm, cá ngừ…tránh tiếp xúc với chì và dùng quá liều vitamin A.

Chắc chắn lượng đường trong máu mẹ được kiểm soát trước khi mang thai.

Theo dõi sức khỏe mẹ bầu định kỳ, không lơ là bỏ qua các xét nghiệm sàng lọc trước sinh.

Bệnh tim bẩm sinh là những dị tật của cơ tim, van tim, buồng tim xảy ra ngay từ lúc còn trong bào thai và tồn tại sau sinh. Lúc này, một vài cấu trúc tim sẽ bị khiếm khuyết dẫn đến các hoạt động và chức năng của tim bị ảnh hưởng.

Đây là dị tật phổ biến nhất, và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong số những trường hợp dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ. Ở các nước phát triển, tỷ lệ trẻ mắc các bệnh tim bẩm sinh khoảng 0,8 – 1% các trường hợp trẻ sinh ra còn sống.

Theo Đời sống
back to top