Biến chứng khủng khiếp do bệnh khuẩn phế cầu

(khoahocdoisong.vn) - Dù y học hiện đại đã có nhiều tiến bộ, nhưng việc điều trị các bệnh do khuẩn phế cầu ở trẻ nhỏ hiện nay vẫn còn rất phức tạp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng.

Không tiêm phòng dễ nhiễm bệnh

Chia sẻ tại hội thảo kỷ niệm hành trình 5 năm đồng hành bảo vệ 1 triệu trẻ em Việt Nam khỏi các bệnh bởi khuẩn phế cầu do GSK Việt Nam tổ chức, BS. Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm thần kinh BV Nhi Đồng 1 TP HCM cho biết, là người từng chứng kiến và điều trị những ca viêm phổi hay viêm màng não do phế cầu với những di chứng nặng nề tại khoa nhiễm nên ông đặc biệt ám ảnh với căn bệnh này. Ông rất mừng khi Việt Nam có văcxin phế cầu năm 2014.

Bệnh phế cầu là thuật ngữ dùng để mô tả một số bệnh nhiễm trùng gây ra bởi vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, ước tính hàng năm có gần nửa triệu trẻ em tử vong trên toàn thế giới vì phế cầu. Do vậy, việc chủng ngừa cho trẻ từ sớm sẽ giúp giảm thiểu tác hại của các căn bệnh do phế cầu gây ra.

Có rất nhiều chủng vi khuẩn Streptococcus pneumoniae khác nhau, nhiều chủng thường trú trong mũi, họng và đường thở của người khỏe mạnh, thường gây bệnh ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi như viêm họng, viêm mũi, viêm tai và rất nặng là viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết. Để phòng ngừa, cần thường xuyên vệ sinh vùng tai mũi họng, rửa tay, tăng sức đề kháng cơ thể... Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất vẫn là chủ động tiêm văcxin từ sớm, ngay từ 6 tuần tuổi.

Nhiều trẻ mới sinh chưa được tiêm phòng

Ông Dan Millard, Trưởng đại diện GSK tại Việt Nam cho biết, các nghiên cứu chỉ ra, cứ 15 trẻ dưới 5 tuổi bị viêm màng não do phế cầu thì có 1 trẻ tử vong. Nhiễm trùng máu do phế cầu với tỉ lệ tử vong là 20%. Hiện nay, mỗi năm vẫn còn đến hơn 1 triệu trẻ mới sinh tại Việt Nam chưa được chủng ngừa để phòng các bệnh do phế cầu. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính có gần 1 triệu ca tử vong hàng năm ở trẻ dưới 5 tuổi do viêm phổi. Việt Nam đứng top thứ 15 về số trẻ em mắc bệnh do phế cầu trên thế giới. Trong đó viêm phổi do vi khuẩn phế cầu chiếm đến 33%. Đây là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Qua thăm khám, các bác sĩ nhận thấy trong 10 trường hợp bị viêm tai giữa cấp thì có đến 7 ca là do vi khuẩn, trong đó phế cầu khuẩn chiếm từ 28-55% và vi khuẩn Heamophilus influenza (HI) chiếm 17-48%. Nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến viêm tai giữa chảy mủ mạn tính, tái phát thường xuyên và các biến chứng nặng nề cần phải nhập viện.

Theo các chuyên gia, phế cầu là vi khuẩn rất dễ lây lan qua đường hô hấp, thông qua việc ho, hắt hơi, hôn, dùng chung vật dụng… hoặc tiếp xúc, va chạm với người bệnh hoặc người khỏe mạnh mang mầm bệnh. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm vệ sinh kém, hệ miễn dịch yếu, nhập viện thường xuyên, sử dụng máy thở, mắc bệnh tiến triển như COPD, hen suyễn, tim mạch, hút thuốc lá. Vì bệnh dễ lây qua đường tiếp xúc nên có thể xảy ra ở mọi người, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, trẻ em dưới 2 tuổi và người lớn trên 65 tuổi có nguy cơ cao hơn. Người bị suy giảm hệ miễn dịch, người có các bệnh lý mạn tính, bệnh lý về gan, phổi, tim, người hút thuốc lá… cũng được xếp vào nhóm đối tượng dễ bị vi khuẩn phế cầu tấn công.

Theo BS Trương Hữu Khanh, phế cầu khuẩn ngày càng gia tăng mức độ đề kháng với các loại kháng sinh, gây khó khăn trong việc điều trị và tạo áp lực, gánh nặng lên ngành y tế và toàn xã hội. Hiện nay, để điều trị cho bệnh nhân mắc phế cầu khuẩn, các bác sĩ phải sử dụng kháng sinh mạnh nhất đồng thời phải phối hợp nhiều loại kháng sinh khác nhau, vì vậy việc tiêm văcxin là biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất giúp ngăn ngừa nguy cơ nhiễm các bệnh nhiễm trùng liên quan do khuẩn phế cầu.

Thanh Thủy

Theo Đời sống
Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Thói quen xấu làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông

Cục máu đông, hay còn gọi là huyết khối, nếu xảy ra trong mạch máu của các cơ quan trong cơ thể, nó sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe nguy hiểm và đôi khi có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời.
Cách tránh hạ canxi máu sẽ gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nguy hiểm

Hạ canxi máu nguy hiểm thế nào?

Hạ canxi máu là bệnh lý nguy hiểm. Tình trạng hạ canxi máu kéo dài có thể dẫn đến suy tim, động kinh, loạn nhịp tim, lú lẫn, suy giảm trí nhớ, trầm cảm và ảo giác. Bệnh có thể điều trị được nếu phát hiện kịp thời.
back to top