Biến bún “bẩn” thành bún mới nhờ… bột trắng

Nhờ một loại hóa chất “thần thánh” mà bún “bẩn” (bún ế, bún thiu) sau khi được thu gom về tái chế trở nên trắng tinh. Thông tin này khiến không ít người dùng hoang mang, bởi bún là món ăn khá phổ biến trong gia đình và ngoài hàng quán.

Nhận biết bún “bẩn”

Một cơ sở sản xuất bún bẩn tại TPHCM vừa được các phương tiện truyền thông đưa tin. Cơ sở sản xuất bún tươi này nằm trên đường số 4, phường 4, quận 8, TPHCM. Được biết, cơ sở này thường xuyên thu gom bún “bẩn” (bún ế, bún thiu” về tái chế thành bún mới.

Để bún “bẩn” sau khi được tái chế không bị hôi mà còn có mùi thơm, cơ sở dùng một loại dung dịch màu trắng trộn vào. Loại dung dịch này được bà Hoa bật mí mua ở chợ Kim Biên, quận 5, TPHCM. Chiêu thức biến bún cũ thành bún mới này không phải là mới và cũng không chỉ có ở TPHCM.

Bà Phạm Thị Phương (Phú Đô, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một người chuyên bán bún cho biết, người bán bún không lo ế vì còn thừa bao nhiêu lại đem trả lại nơi sản xuất. Cứ buổi sáng sớm bà lấy bún đi bán, buổi chiều còn bao nhiêu lại đem trả lại cho nhà làm bún.

Bà Phương cho biết, bún là loại mặt hàng nhanh thiu nên không dùng qua ngày. Ở Phú Đô, bún được sản xuất và tiêu thụ trong ngày chứ không ai để đến ngày hôm sau. Lượng bún thừa trả lại thì chỉ có cách bỏ đo.

Cứ mỗi sáng sớm, lượng bún mới, nóng hổi, trắng tinh lại được những người như bà Phương đem đi tiêu thụ khắp các ngõ ngách của Hà Nội. Thông tin về loại bột biến bún thiu thành bún mới, bà Phương chưa nghe đến.

Bằng cảm quan có thể nhận biết được bún “bẩn” hay bún sạch.

Trao đổi với KH&ĐS, PGS.TS Trịnh Lê Hùng, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, loại hóa chất để phù phép bún cũ thành bún mới có thể là chất tinopal. Chất này được thêm vào trong bún để giúp cải thiện độ bóng của bề mặt sợi bún.

Nếu bún nào có tinopal nhìn sẽ sáng hơn màu hơi đục của bún không sử dụng chất tinopal và để lâu bún không bị thiu. Chất Tinopal có trong bún sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của người tiêu dùng, nó sẽ làm hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày.

“Ngoài ra người ta có thể cho bột huỳnh quang làm trắng bún. Bún chứa huỳnh quang sẽ có màu trắng, bóng, sáng óng ánh và nhìn đẹp mắt hơn khi đưa ra ngoài ánh sáng. Loại bột này cũng tác động không tốt đến sức khoẻ”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho biết.

Theo kinh nghiệm về cách chọn bún ngon của bà Phạm Thị Phương, có thể sờ vào các sợi bún và miết hai đầu ngón tay, nếu thấy mềm, dính nhiều thì đó là bún thường, còn ngược lại là bún chứa hóa chất độc hại.

Bún sạch không bắt mắt

Theo PGS.TS Trịnh Lê Hùng, những sợi bún sạch sẽ hơi nát, có màu trắng đục hoặc tối màu và dễ đứt gãy. Ngoài ra, chạm tay vào có cảm giác hơi dính, nhuyễn. Đặc biệt, mùi của bún sạch mang vị chua hoàn toàn tự nhiên của gạo ngâm, không quá nặng mùi và khi ăn sẽ nồng lên hương thơm của bột gạo.

Bún sạch để trong thời gian dài hoặc qua ngày sẽ dễ gây chua và ôi thiu. Bún chứa hàn the, hóa chất độc hại có màu trắng trong, sáng và sợi bún bóng mẩy, dai, khó đứt gãy. Chạm vào không có cảm giác nhuyễn, dính của bột gạo.

Nhận biết là vậy nhưng đa phần người tiêu dùng không có lựa chọn, hoặc là ít để tâm, cứ thấy về cảm quan bún không có vấn đề gì là yên tâm sử dụng.

“Thậm chí nhiều người thấy bún có màu ố vàng thì không thích vì cho rằng màu đó là do bụi bẩn. Bún trắng tinh, dai lại được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Đây là lựa chọn sai, bún nguyên sơ không có hóa chất thì không bao giờ trắng tinh và cũng không dai như bún có hóa chất”, PGS.TS Trịnh Lê Hùng cho biết thêm.

Cũng theo cảnh báo của một số chuyên gia về dinh dưỡng, bún không có dinh dưỡng. Lượng dinh dưỡng có trong gạo đã bị mất đi hết trong quá trình chế biến bún, nên bún là nhóm thức ăn không thích hợp với trẻ nhỏ và người có bệnh đường tiêu hóa.

Những người này ăn bún sẽ dễ bị đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu và dễ gây tổn thương cho niêm mạc dạ dày, tăng nguy cơ đau dạ dày. Vì vậy, trẻ nhỏ, người già và người bệnh đường tiêu hóa thì không nên ăn bún.

Hà Bình

Theo Đời sống
back to top