Bí thư Hà Nội: Sẵn sàng phương án khi F0 tăng cao

Bí thư Đinh Tiến Dũng yêu cầu các đơn vị TP nâng mức nguy cơ đối với mỗi kịch bản ứng phó dịch Covid-19 và sẵn sàng phương án khi dịch diễn biến xấu.

Trao đổi với báo chí ngày 22/7, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng thông tin nhanh về một số định hướng chống dịch của Hà Nội giai đoạn hiện nay. Theo ông, diễn biến dịch những ngày qua nhanh và khó lường, thành phố phải có kế hoạch ứng phó những diễn biến xấu, không để bị động, bất ngờ.

Bí thư Hà Nội cho biết đã yêu cầu các đơn vị nâng mức nguy cơ trong các kịch bản phòng, chống dịch, chuẩn bị phương án điều trị khi số lượng F0 tăng cao, nhất là điều trị bệnh nhân nặng. "Hạn chế rủi ro, bảo vệ tính mạng người dân là nhiệm vụ ưu tiên số một", người đứng đầu Thành ủy nhấn mạnh.

3 nhiệm vụ trọng tâm

Theo đó, ông Dũng nhấn mạnh 3 nhiệm vụ trọng tâm và yêu cầu toàn TP quán triệt ngay.

Thứ nhất, bóc tách, cách ly toàn bộ trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng, dập tắt nhanh nhất các ổ dịch mới, không để lan rộng.

Thứ hai, sẵn sàng phương án tiêm vaccine Covid-19 bảo đảm công khai, minh bạch và đặt an toàn, hiệu quả tiêm chủng lên hàng đầu. Bên cạnh đó, TP cần thực hiện tốt chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch.

Thứ ba, ông Dũng yêu cầu nâng mức nguy cơ trong tất cả các kịch bản chống dịch, ở tất cả các cấp độ, bắt tay vào chuẩn bị ngay, xong kịch bản nào phải tổ chức diễn tập cơ chế vận hành ngay.

Bí thư Thành ủy yêu cầu kiểm soát chặt chẽ mọi tuyến đường vào thành phố gồm hàng không, đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; duy trì nghiêm 22 chốt kiểm dịch, bảo đảm đủ lực lượng trực 24/24h kiểm soát 100% người và phương tiện.

Dich Covid-19 Ha Noi,  ca covid Ha Noi anh 1

Bí thư Hà Nội yêu cầu TP có phương án sẵn sàng điều trị 10.000-20.000 người bệnh. Ảnh minh họa: Việt Linh.

Huy động các cơ sở làm bệnh viện dã chiến

Đối với công tác điều trị, Bí thư Hà Nội giao ngành y tế chuẩn bị phương án 10.000-20.000 giường bệnh và nhiều hơn nữa trong tình huống xấu. UBND thành phố làm việc ngay với các bệnh viện thuộc Bộ Y tế phối hợp điều trị F0. Đơn vị theo phân công khẩn trương tăng cường năng lực xét nghiệm, có phương án xét nghiệm diện rộng cho kết quả nhanh.

"Đi kèm với mỗi kịch bản phải bảo đảm chuẩn bị đủ cơ sở vật chất và con người, có phương án dự trữ hoặc huy động tương ứng, không để bị thiếu giường bệnh, thiếu máy thở, thiếu thuốc men, thiếu y bác sĩ, điều dưỡng", Bí thư Hà Nội quán triệt.

Ông Dũng cũng giao đơn vị TP sẵn sàng thiết lập bệnh viện dã chiến. Trước mắt, chính quyền địa phương rà soát để trưng dụng chung cư chưa bàn giao, nhà thi đấu, trung tâm văn hóa thể thao...

Cùng với đó, TP nâng số giường bệnh dự phòng trên địa bàn bao gồm cả hệ thống công lập và tư nhân.

Với việc Hà Nội quyết định cách ly toàn bộ người đến từ 19 tỉnh thành phía nam, ông Dũng giao UBND TP lên phương án cách ly cho từ 30.000-50.000 người. Địa điểm cách ly ưu tiên ở ngoại thành nơi có không gian thoáng rộng, tách biệt với dân cư.

Từ 0h ngày 22/7, Hà Nội quyết định cách ly tập trung đối với toàn bộ người về từ các địa phương có dịch đang thực hiện giãn cách xã hội theo văn bản số 969 ngày 17/7 của Thủ tướng.

19 địa phương là: TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang.

Trong đợt dịch thứ 4 (từ 27/4 đến chiều 22/7), CDC Hà Nội ghi nhận 605 trường hợp mắc Covid-19 và gần 200 ca nhiễm nCoV là nhân viên bệnh viện tuyến Trung ương trên địa bàn.

Các ổ dịch phức tạp nhất hiện nay tại Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Quốc Oai và Đông Anh.

 
Theo zingnews.vn
Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Rối loạn tâm thần do rượu trẻ hóa và tăng từ 5-10%

Hầu hết bệnh nhân vào viện trong tình trạng nặng, có nhiều bệnh lý kèm theo như viêm gan, xơ gan, tim mạch, dạ dày... Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bị sảng run với các biểu hiện như: mê sảng, dễ bị kích động, không điều khiển được cảm xúc,…
back to top