Bí mật “thành phố vô hình” của Liên Xô khiến Mỹ khiếp sợ

Thành phố vô hình Krasnoyarsk-26 của Liên Xô không xuất hiện trên bất cứ tấm bản đồ nào cũng như thông tin về nơi này được giấu kín. Chính phủ Liên Xô che giấu thành phố bí mật này nhằm mục đích nghiên cứu, sản xuất vũ khí hạt nhân thời Chiến tranh Lạnh.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô đã thành lập một số thành phố “vô hình” nhằm che giấu các hoạt động làm giàu uranium hay plutonium, phục vụ cho việc sản xuất vũ khí hạt nhân trong cuộc chạy đua với Mỹ.

Trong số những thành phố này có Krasnoyarsk-26. Nơi này được biết đến mật danh “thành phố vô hình” khi không có tên trên bất cứ tấm bản đồ nào của Liên Xô cũng như thế giới.

Thêm nữa, “thành phố vô hình” Krasnoyarsk-26 được bảo vệ vô cùng cẩn mật và nghiêm ngặt nên người ngoài không hề biết đến sự tồn tại của nơi này.

Chính phủ Liên Xô lập nên “thành phố vô hình” Krasnoyarsk-26 để thực hiện việc làm giàu plutonium ở sâu trong lòng núi của Krasnoyarsk Krai. Sở dĩ Liên Xô chọn Krasnoyarsk Krai làm nơi xây dựng “thành phố vô hình” Krasnoyarsk-26 là vì kết cấu đá của núi này là đá granit nên vô cùng bền chắc.

Thêm nữa, do nằm sâu trong lòng núi nên thành phố bí mật của Liên Xô có khả năng tránh được một vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân của kẻ địch.

Để xây dựng nên “thành phố vô hình” này, chính phủ Liên Xô đã tuyển hàng chục nghìn thợ mỏ, công nhân, kỹ sư… để xây dựng căn cứ ngầm mang mật danh Combine No. 815.

Sau khi hoàn thành quá trình xây dựng, Combine No. 815 chính thức đi vào hoạt động với mục tiêu là sản xuất plutonium – thành phần quan trọng trong sản xuất hầu hết vũ khí hạt nhân.

Khoảng 100.000 người bao gồm các chuyên gia, nhà khoa học, công nhân sống và làm việc tại nơi này. Do tính chất của công việc nên họ không được tiếp xúc với bên ngoài cũng như bị cấm tiết lộ thông tin. Thêm nữa, mọi hoạt động của những người làm việc tại Combine No. 815 đều bị các điệp viên KGB theo dõi.

Nơi này còn được bảo vệ nghiêm ngặt bằng nhiều lớp an ninh như quân đội có vũ trang cùng các vũ khí tối tân để kịp thời phát hiện và ngăn chặn bất cứ người nào đột nhập hoặc đào tẩu.

Theo ước tính, 40 tấn plutonium đủ để sản xuất khoảng 10.000 quả bom hạt nhân đã được tạo ra tại Krasnoyarsk-26 trong hơn 40 năm qua.

Theo Tâm Anh (Kiến Thức – TH)

Theo Đời sống
back to top