Bí kíp sống "trăm tuổi" có sức khỏe hơn người

(khoahocdoisong.vn) - Ngày xưa do ăn chơi trác táng nên các bậc đế vương thường chết yểu. Tuổi thọ không qua khỏi 50.

Cách đây hơn 2.500 năm Hoàng đế Trung hoa hỏi các danh y thời ấy rằng: “Tôi nghe nói: Người đời thượng cổ đều sống tới hơn trăm tuổi mà sức khỏe vẫn không  sút kém, đến người đời nay tuổi mới năm mươi, mà sức khỏe đã sút kém. Đó là vì thời thế? Hay là lỗi tại người chăng?” (Nội kinh tố vấn)

Ăn vừa đủ, mặc vừa ấm   

Ông Kỳ Bá, một danh y nổi tiếng lúc bấy giờ đã trả lời rằng:“Về đời thượng cổ những người biết đạo, bắt chước âm dương; Điều hòa với thuật số, ăn uống có chừng mực, khởi cư có thường, không làm quá sức, cho nên giữ gìn được hình hài và tinh thần, sống trọn số giời, linh trăm tuổi mới thác. Người đời nay thì không thế, lấy rựợu làm nước uống, làm càn bậy xem là bình thường, đương lúc say lại nhập phòng; Do lòng dục làm kiệt mất tinh, hao tán mất khí chân nguyên, không biết giữ gìn cẩn thận; Không biết điều dưỡng tinh thần, chỉ cốt cho được khoái tâm. Làm trái ngược cái vui thú của sự dưỡng sinh; Ăn uống không điều độ…cho nên mới độ nửa trăm tuổi đã rất suy yếu.

Bậc thánh nhân đời thượng cổ răn dạy người dưới phải biết xa lánh hư tà, tặc phong, trong lòng luôn điềm đạm hư vô, chân khí thuận theo khí trời, tinh thần bền vững, bệnh còn chỗ nào mà sinh ra được. Vì vậy mà phải sống chí nhàn mà ít dục, tâm yên mà không sợ, hình hài, chân khí điều hòa, mọi sự đều được mãn nguyện. Ăn vừa đủ, mặc vừa ấm, hằng ngày vui vẻ, trên dưới êm hòa, người trên không ức hiếp kẻ dưới, kẻ dưới không ganh tỵ người trên. Những điều dâm tà không thể làm bận tâm, những điều ham muốn không thể làm mỏi mắt, vì thế nên mới có thể sống linh trăm tuổi, mà sức khỏe vẫn không sút kém”.

Đối phó khi cơ thể sút kém      

Người ta khi đã lớn tuổi vốn cơ thể suy nhược, khí huyết đình trệ không lưu thông, âm dương mất cân bằng, phủ tạng bị tổn thương sinh ra nhiều bệnh tật. Khi lớn tuổi thường thận âm hư, Can âm hư sinh nội nhiệt, sinh chứng bốc hỏa, làm huyết vong động mà dễ sinh các chứng như đau đầu, hoa mắt, tai ù, tai điếc, mắc chứng huyễn vựng dẫn đến chứng huyết áp cao. Hoặc do dương hư sinh hàn dẫn đến mắc các chứng như: Phong hàn, phong thấp, hàn thấp, tê thấp, mà Tây y gọi là bệnh cơ xương khớp. Muốn tránh bệnh tật nào cũng phải tuân theo một qui luật đó là phòng bệnh và chữa bệnh.

- Về phòng bệnh: Đối với người lớn tuổi không nên lao động quá sức, nên ở nơi thoáng mát, ăn uống điều độ, không ăn các loại thức ăn sống, khó tiêu, đối với người cơ thể hàn không nên ăn nhiều thức ăn lạnh, lạnh vào cơ thể dễ sinh ra hàn, sinh ra chứng đau khắp mình mẩy, hoặc hàn tích lâu ngày hóa hỏa, hỏa dễ biến thành phong. Đối với người cơ thể nhiệt không nên ăn nhiều thức ăn cay nóng, uống nhiều rượu, bia làm huyết nhiệt, dẫn đến cao huyết áp. Người phế nhiệt không nên hút thuốc, làm phế khí tổn thương, sinh ra đàm ẩm dẫn đến ho, hen suyễn có khi sinh ra chứng phế ung, phế nuy (Phổi bị ung nhọt, bị xẹp) hoặc bị ung thư phổi. Người phế hàn về mùa đông phải luôn luôn giữ ấm.

Trong cuộc sống khi gặp những trường hợp khó xử không nên quá bức xúc làm can khí uất, dẫn đến bốc hỏa mà sinh ra các chứng đau đầu, hoa mắt chóng mặt, huyết áp cao. Người cao tuổi thường mắc chứng can âm hư. Trong Đông y, can có chức năng tàng huyết, chủ sơ tiết, khi can âm hư làm cho thận âm cũng hư theo, âm hư thì dương cang làm tinh huyết suy kiệt, gân mạch không được nuôi dưỡng mà sinh ra chứng đau nhức các cơ bắp, ta thường  gọi chứng cơ xương khớp của người lớn tuổi. Cũng có trường hợp do can âm hư sinh phong. Theo Đông y can thuộc mộc, thuộc mùa xuân, khí của can vốn mạnh nhưng khi bị uất thì sinh phong, chứng này thuộc phong nhiệt. Khi tinh huyết bị tổn thương, sự vận hành của khí huyết không được lưu thông “Bất thông thì thống”. Trong Đông y Can thận đồng nguyên. Thận sinh ra cốt tủy khi thận âm bị tổn thương thì không sinh ra được xương tủy làm cho xương tủy bị thoái hóa mà sinh bệnh đau nhức xương, đau các khớp, mà Tây y thường gọi là bệnh loãng xương, hoặc thoái hóa xương khớp. Cũng có những trường hợp bị teo cơ, đi lại khó khăn.

- Cách điều trị: Các chứng phong trong Đông y như đã trình bày ở trên. khi điều trị nên khu phong tán hàn, trừ thấp, thông kinh hoạt lạc. Nói theo cách khác là điều trị chứng đau nhức mỏi thì phải phục hồi chứng thoái hóa xương khớp. Phải bồi bổ can thận để sinh ra tinh và huyết. Khi tinh huyết đầy đủ thì bệnh sẽ khỏi. Khi mắc chứng này thường dùng phương pháp Đông y để điều trị là hiệu quả nhất, tuy chuyển biến chậm so với điều trị bằng Tây y nhưng kết quả tốt hơn, lâu bền hơn mà chúng ta thường gọi là “có hậu”. Về thuốc Đông y có nhiều bài, có một số bài chúng tôi đã có dịp giới thiệu trên một số phương tiện đại chúng.

Ngoài ra khi lớn tuổi thường mắc chứng tỳ dương hư, cho nên ăn uống hấp thụ kém, đại tiện phân lỏng, có khi đi ra cả thức ăn chưa tiêu hóa. Hoặc do âm hư sinh nội nhiệt, làm tổn thương tân dịch ở tràng vị (ruột và dạ dày) mà sinh ra chứng táo bón. Hoặc vì ăn uống kém không đủ tinh khí của thủy cốc để trao đổi với khí của trời đất, để nuôi dưỡng cơ thể. Khí kém thì huyết kém không đủ để cung cấp cho tim mạch mà sinh ra chứng hồi hộp, mất ngủ triền miên, khi ngủ hay thấy chiêm bao. Trong Đông y phế là thượng nguồn của nước, khi phế khí kém không thông giáng để chế thủy, nên sinh ra chứng đi tiểu tiện về ban đêm…

Cũng nên chú ý rằng, việc ăn uống, tập luyện tùy theo cơ địa của từng người mà thực hiện, không nên bắt chước người khác, vì âm dương, hàn nhiệt, khí huyết của mỗi người khác nhau như đã phân tích ở trên.

TTND.BS cao cấp Nguyễn Xuân Hướng (Nguyên chủ tịch Hội Đông y Việt Nam)

Theo Đời sống
Thực phẩm giúp nhanh khỏi đau nhức xương khớp

Thực phẩm giúp nhanh khỏi đau nhức xương khớp

Đau nhức xương khớp không chỉ gây đau đớn, khó chịu mà còn gây nhiều biến chứng nghiêm trọng. Khi bị đau nhức xương khớp, ngoài việc chữa trị cũng nên bổ sung các thực phẩm giúp bệnh nhanh khỏi.
back to top