“Bí kíp” giúp lão ông U90 khoẻ mạnh

tuổi 90, nhưng hằng ngày cụ Phan Đăng Toản, làng Trung Kính Thượng (phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy, Hà Nội) vẫn có thể làm mọi việc. Cụ hăng say làm việc yêu thích, tham gia hoạt động xã hội. Cụ cho biết, đó là nhờ rèn luyện thể thao và ăn uống điều độ. Mấy chục năm qua cụ ăn uống, sinh hoạt rất khoa học.

Bất đắc dĩ mới  ăn cơm đường cháo chợ

Cụ Toản cho hay, gia đình cụ xưa kia không giàu cũng không nghèo. Đời bố mẹ cụ chủ yếu làm nông nghiệp, nhưng đến đời cụ chỉ xem ruộng vườn là công việc phụ khi rảnh rỗi. Còn công việc chính của cụ là làm nhân viên văn phòng ở Xí nghiệp xe điện Hà Nội.

Cụ Toản bảo, ngày nhỏ cụ từng chết hụt vài lần. Cụ nhớ một lần đi tắm sông cùng người anh họ, không may gặp vũng nước sâu, chảy xiết khiến cụ chìm dưới dòng nước. May thay cụ được mọi người cứu vớt kịp thời nên thoát nạn.

Một lần khác cụ cũng bị chết hụt bởi nghịch cùng đám bạn đốt lửa chơi trò trốn tìm. Trò chơi dại dột ngày đó khiến cụ bị bỏng nặng, may mắn tính mạnh vẫn giữ được. Đó là hai lần tai nạn mà cụ nhớ nhất trong đời.

Theo cụ Toản, để có sức khoẻ như hiện nay nhờ kiên trì tập thể dục.

Theo cụ Toản, từ nhỏ so với đám bạn cùng lứa cụ không nổi trội về sức khoẻ. Lớn lên làm đồng áng cụ  cũng không gánh gồng được nhiều. Điểm mạnh của cụ là làm việc tận tuỵ và dai sức. Cụ là người sống rất nguyên tắc. Khi còn công tác và đến tận bây giờ rất hiếm khi con cháu thấy cụ ra hàng quán ăn quà bánh.

“Trong 30 năm làm việc Nhà nước, gần như tôi không ăn uống ở hàng quán. Bần cùng bất đắc dĩ lắm tôi mới ăn cơm hàng cháo chợ. Cụ thân sinh ra tôi cấm không được ăn uống hàng quán.

Làm việc xong về nhà nấu nướng ăn uống sinh hoạt cho đàng hoàng. Vì thế tôi thực hiện nghiêm lời ông cụ dặn. Hằng ngày trước khi đi làm tôi đều ăn uống ở nhà, hết giờ làm việc tôi về nhà ăn uống, nghỉ ngơi”, cụ Toản kể.

Ngồi cạnh tôi, ông Đức – con trai út cụ Toản cho biết, việc ăn uống, sinh hoạt của cụ rất nề nếp, đúng giờ. Trước đây khi gia đình còn làm ruộng, có hôm việc đồng áng tất bật, mọi người trong nhà vội vàng chưa ăn sáng đã đòi đi làm từ sáng sớm.

Cụ lên tiếng ngay, bắt phải ăn uống nghỉ ngơi một lúc mới đi làm. Cụ nói, công việc cũng rất quan trọng. Nhưng sức khoẻ là trên hết. Phải ăn uống đầy đủ mới có sức làm việc. Nghe cụ nói cả nhà đều rất phục và làm theo.

Cụ là người rất kỹ tính trong việc ăn uống. Từ thời trẻ cụ ăn uống vừa phải, không ăn quá nhiều thức ăn và uống nhiều bia rượu. Kể cả những dịp lễ Tết, cơ quan liên hoan cụ uống bia rượu giao lưu vui vẻ với mọi người cũng hết sức chừng mực.

Cụ không bao giờ uống quá chén đến say xỉn. Đến giờ cụ vẫn thực hiện nề nếp ăn uống theo thói quen đó. Mỗi bữa ăn cụ uống một chén rượu thuốc, cơm ăn một bát. Cụ ăn nhiều rau và qua hoả.

Sức khoẻ người già phụ thuộc vào các yếu tố sau: Ăn uống, tập luyện, ngủ nghỉ, tâm lý. Cụ Toản có được sức khoẻ như vậy nhờ vào việc tập luyện thể dục điều độ, ăn uống khoa học. Cuộc sống cụ an lạc, tự do tự mới khoẻ như vậy. Thói quen sinh hoạt cùng với tập luyện giúp cụ khoẻ mạnh, minh mẫn. Cụ là tấm gương cho mọi người cao niên học tập.

BS.VS Nguyễn Văn Thắng (Chủ tịch Câu lạc bộ Thăng Long võ đạo)

Tập thể dục đều đặn

Cụ kể, từ thời thanh niên cụ rất ham mê chơi các môn thể thao. Các môn bóng đá, bóng chuyền, bơi lội cụ đều chơi rất tốt. Ngày còn tham gia công tác, cụ là nhân tố tiên phong trong hoạt động thể dục thể thao của đơn vị mình. Cụ giúp cho đội nhà giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi đấu thể dục thể thao.

“Sau gần 30 năm về hưu tôi vẫn duy trì việc tập thể dục. Gần như sáng  nào tôi cũng dạy đi bộ tập thể dục. Thường tôi dạy từ 5 giờ sáng, đi bộ xung quanh các khu phố đến 7h về nhà ăn sáng. Buổi chiều tôi cũng đi bộ từ 5h-7h.

Chỉ khi nào mưa to bão lớn tôi mới nghỉ ở nhà. Nhiều hôm trời mưa nhỏ, con cháu khuyên ở nhà nghỉ ngơi. Nhưng tôi vẫn đội mũ  đi ra ngoài để tập thể dục”, cụ kể.

Cụ Toản cho hay, chính việc đi bộ, tập thể thao thường xuyên giúp cho cụ mạnh khoẻ, sức khoẻ dẻo dai.  Từ ngày cụ về hưu đến giờ, số lần cụ ốm chỉ tính trên đầu ngón tay. Rất ít khi con cháu phải mua thuốc cho cụ uống. Cụ nhớ mới đây phải đi khám xương khớp và uống thuốc vài hôm. Điều đặc biệt nữa là từ nhỏ đến bây giờ  rất ít khi cụ ốm.

Căn nhà cổ các cụ để lại còn ít tuổi hơn cụ.

Cụ nói: “Tôi có được sức khoẻ như hôm nay đó là nhờ việc ăn uống sinh hoạt điều độ, rèn luyện thể thao thường xuyên. Muốn sống lâu cần có thêm yếu tố đó là tư tưởng phải thoải mái. Tôi nhận thấy mình là người vô tư, thoải mái, không nặng nề bất cứ việc gì.

Khi còn làm việc tôi cố gắng hoàn thành công việc cấp trên giao phó. Không đố kỵ, ganh đua công danh, địa vị với ai. Cố gắng vun vén gia đình hạnh phúc, con cháu ngoan ngoãn, học hành đến nơi đến chốn. Thế là cảm thấy vui và sống có ý nghĩa”.

Cụ Toản buồn vì thế hệ trẻ hiện nay cuộc sống quá đầy đủ, quá sướng mà không biết hưởng thụ. Nhìn thấy nhiều người xung quanh qua đời ở tuổi đời trẻ do lạm dụng bia rượu mà cụ buồn.

Cụ nói, đáng nhẽ cuộc sống sung túc đầy đủ thế hệ trẻ phải khoẻ mạnh hơn so với trước đây. Nhưng thật buồn thay nhiều người sống buông thả, không biết giữ mình, ăn uống sinh hoạt bừa bãi dẫn tới bệnh tật nhiều.

90 tuổi vẫn đam mê viết chữa Hán Nôm

Cụ Toản cho hay dù cao tuổi, nhưng sức khoẻ và độ minh mẫn cụ vẫn tốt. Những lúc con cháu bận bịu, cụ có thể làm việc nhà giúp. Cụ coi đó là niềm vui của mình. Từ khi về hưu đến giờ niềm đam mê nhất của cụ là viết và dạy chữ  Hán Nôm cho người khác.

Ban đầu cụ học chữ Hán Nôm để đọc và hiểu gia phả cha ông để lại. Sau này biết cụ ham hiểu về chữ này nhiều người trong vùng đến nhờ cụ dạy.

Rất nhiều cuốn sách được cụ Toản viết bằng chữ Hán Nôm.

Vừa nói cụ Toản vừa dẫn chúng tôi lên tầng 3 vào phòng riêng của cụ để xem kho sách Hán Nôm của mình. “Mấy chục năm qua, những lúc rảnh rỗi tôi dành thời gian sưu tầm các loại sách Hán Nôm cổ để đọc nâng cao  kiến thức. Tôi viết được vài chục cuốn sách  bằng chữ Hán Nôm làm tư liệu cho con cháu sau này.

Cũng vì đam mê loại chữ này mà khi nghĩ ra một ý tưởng mới hay câu chữ hay, chứa đựng nhiều ý nghĩa là tôi ngồi viết”. Việc viết chữ Hán Nôm đối với một người bình thường không phải đơn giản. Nhưng đối với cụ Toản ở tuổi 90 viết loại chữ này như chữ quốc ngữ quả  hiếm có.

  Đức Trọng

Theo Đời sống
back to top