Bị cận do áp lực học tập?

(khoahocdoisong.vn) - Hiện nay tỷ lệ tật khúc xạ đang tăng cao, đặc biệt ở trẻ em trong lứa tuổi đến trường. Có 3 loại tật khúc xạ mà lứa tuổi học đường hay mắc phải là cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị là tật khúc xạ học đường phổ biến nhất chiếm tới 2/3 số ca mắc.

Hỏi: Tôi có 3 con thì  2 cháu bị cận thị. Lúc bé các cháu bình thường, nhưng đi học 1-2 năm là phải đeo kính. Gia đình tôi không có ai bị cận, có phải các cháu mắc bệnh do áp lực học tập?

Mỹ Hà (Gia Lâm, Hà Nội)

BS. Diệu Hương, BV Mắt Việt Nhật cho biết, hiện nay tỷ lệ tật khúc xạ đang tăng cao, đặc biệt ở trẻ em trong lứa tuổi đến trường. Có 3 loại tật khúc xạ mà lứa tuổi học đường hay mắc phải là cận thị, viễn thị và loạn thị, trong đó cận thị là tật khúc xạ học đường phổ biến nhất chiếm tới 2/3 số ca mắc. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, cận thị nặng có thể dẫn đến thoái hóa võng mạc, bong võng mạc và mù lòa.

Để phòng tránh tật khúc xạ tuổi học đường, cần phải phân phối thời gian học tập và vui chơi ngoài trời hợp lý cho trẻ, có thời gian cho mắt nghỉ ngơi, điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Sau mỗi tiết học trẻ phải được chạy ra ngoài hoạt động 5-10 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không nên ngồi chơi quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt.

Khi học ở nhà, cha mẹ nên bố trí bàn học nơi có ánh sáng ban ngày, buổi tối dùng đèn học dây tóc có máng hắt để đủ ánh sáng. Các cháu đang tuổi đi học cần ngủ đủ giấc. Nên ăn nhiều rau xanh, trái cây để cung cấp vitamin cho mắt. Cận thị nói riêng và tật khúc xạ nói chung liên quan cả yếu tố học hành. Cha mẹ cần để ý điều chỉnh khi con ngồi học, ngồi xem phim, quản lý giờ giấc để tránh cho con cận thị, và nếu đã mắc bệnh thì cũng giữ gìn đôi mắt, không để tăng số nhanh.

Theo Đời sống
back to top