Bí ấn vẻ đẹp Mai hoa quyền

(khoahocdoisong.vn) - Lấy hình ảnh hoa mai nở rộ đẹp đẽ trong tiết xuân tạo ra những đường quyền như cánh hoa nhẹ rung trước gió, bay lượn dập dờn... đẹp đến mê hồn nhưng lại toát ra sự dũng mãnh của gốc mai già chịu phong ba bão táp.

Dùng nhu thắng cương

Võ sư Phạm Quang Thịnh, huấn luận viên CLB Bình Định Gia kết thúc bài Mai hoa quyền trong hơn 1 phút tôi vẫn ngỡ ngàng, không thể tưởng tượng nổi đánh võ mà mềm mại, lả lướt, uyển chuyển và tinh tế như một bài múa nghệ thuật đặc sắc...

Theo võ sư Thịnh, không phải ngẫu nhiên mà võ thuật cổ truyền chọn Mai hoa quyền làm biểu tượng chuẩn mực cho phẩm đức nhẫn nại và hy sinh cao cả, cho sức sống bền bỉ dẻo dai, cho sự tao nhã không dung tục của đấng trượng phu, cho khí tiết bất diệt của người quân tử. Cây mai gắn bó với ruộng vườn quê hương, rễ ăn sâu vào lòng đất, chịu đựng thời tiết khắc nghiệt, thi gan cùng tuế nguyệt, với gió bão, mưa giông. Mai sống bền bì theo năm tháng, trút những chiếc lá cuối đông và đâm chồi nảy lộc cho mùa xuân.

Nói đến Võ cổ truyền dân tộc, có câu ca truyền đời là: “Thứ nhất Lão Mai, thứ hai Ngọc Trản”. Lão Mai (cây mai già) và Ngọc Trản (chiếc chén ngọc) là hai bài danh quyền, ai học võ ta, võ cổ truyền dân tộc cũng đều biết. Nhiều môn phái, võ phái, võ đường võ thuật cổ truyền có truyền dạy bài Mai hoa quyền, Mai hoa tiên, Mai hoa kiếm, Mai hoa đao... nhưng không phải ai cũng học được và được học. Luyện Mai hoa quyền thuộc hệ luyện cao cấp từ huấn luyện viên, võ sư hệ trung cấp trở lên, có thời gian luyện võ, làm huấn luyện viên từ 5 – 7 năm.

Bởi luyện Mai hoa quyền đòi hỏi các đòn thế kỹ thuật rất khó và điêu luyện. Người biểu diễn phải thể hiện được sự tinh túy của bài quyền, cánh mai nở rộ khoe sắc và tung bay trong gió xuân, nhẹ nhàng, mềm mại, thanh thoát nhưng vẫn toát ra được sự dũng mãnh, những đòn bay lượn trên không, giơ tay, tung đầu gối, đi ngón trỏ...như mây bay, bướm lượn nhưng lại có thể dễ dàng đoạt mạng đối thủ khi tạt vào mặt, vào gáy đối thủ... Đó chính là thể hiện được nét đẹp “nhu thắng cương” trong võ thuật.

Mỗi thế một nét đẹp

Võ sư Phạm Quang Thịnh cho biết, mỗi môn phái, võ đường có cách lời giới thiệu hay diễn về Mai hoa quyền khác nhau, nhưng hình bóng hoa mai là một. Mai hoa quyền được nhiều người biết đến có nguồn gốc từ môn phái Thiếu Lâm Nội quyền Tây Sơn nhạn. Tây Sơn nhạn là võ hiệu lớn, uy vũ một thời do cố võ sư Bùi Văn Hóa hay còn gọi là thầy Chín Hóa (1894 -1958) sáng lập. Tây Sơn nhạn là sự kết hợp của 2 dòng võ Thiếu Lâm và Võ Đang phối triển tính cương mãnh của võ công Phật gia, âm nhu của Đạo gia, Thiếu lâm Nội quyền Tây Sơn nhạn công hãm mạnh mẽ, phòng thủ chặt chẽ, biến hóa khôn lường.

Lão Mai quyền có nhiều động tác phong phú, đa dạng. Khi giáp mặt với đối thủ, chân trụ tấn vững chắc, tay khấu quyền chặc chẽ như cây mai già đứng trước gió đông hoặc như con khỉ già lui về thủ thế. Khi thi triển xuất chiêu có lúc nhẹ nhàng như bướm lượn (thế “Hồ điệp song phi”), có lúc mạnh mẽ như long hổ tranh hùng. Khi phát thế dụ địch có lúc thư thả, tự tại như ông già ngồi chống gậy (trong thế võ Lão hồi thối tọa) hoặc như mây bay, hoa tàn (trong thế Vân tôn tam tảo và Liên ba biến), có lúc nhanh nhẹn, chớp nhoáng như sấm sét (trong thế Lôi điển chấn) hoặc như rắn mổ, cọp vồ (trong thế Hổ xà thành).

Ngoài bài Lão Mai quyền còn có nhiều bài quyền tay không khác và những bài quyền có sử dụng vũ khí mang tên cây mai cũng được người xưa sáng tác từ sự mô phỏng các tư thế thân cây mai già sừng sững, cành mai uốn khúc quanh co, hoa mai nhẹ rung trước gió, cánh mai bay lượn dập dờn như: Mai Hoa ngũ lộ quyền, Mai hoa kiếm pháp…

Đặc biệt nhất phải kể đến Mai hoa thung. Đây là công phu rất khó luyện, thường chỉ dành cho các quyền sư cao đẳng luyện tập và thi đấu để định lượng tài sức của bản thân và của người khác. Khởi sự người tập luyện Mai hoa thung thường không bắt đầu đứng trên các cọc gỗ mà dùng phấn hay sơn vẽ vài đóa hoa mai trên mặt đất để tập, cánh hoa này cách cánh hoa khác khoảng 8 tấc đến 1 thước 20 phân, được xếp lộn xộn không thứ tự. Mỗi đóa hoa gồm 5 vòng tròn làm cánh hoa và mỗi cánh hoa cách nhau 4 tấc, đường kính cánh hoa (vòng tròn) lớn 1 tấc 20. Vẽ xong người tập vẽ một hai đóa là hư thung (được đánh dấu riêng).

Khi luyện thì đứng vào cánh hoa thực của một đóa hoa, khi đứng chỉ dùng mỗi chân trên một cánh hoa và sử dụng đầu ngón chân để bấm xuống cho chắc, tính toán trước thứ tự bước rồi tiến hành nhảy (ví dụ: Trái 3, phải 4, trước 5, sau 2 không nhất thiết là bao nhiêu. Thường tốt nhất là có người đứng bên đọc số và người tập nhảy vào cánh hoa theo số thứ tự nghe được, ví dụ hô: Bên phải, đóa thứ 2; đằng sau, đóa thứ 3.... Thường người tập cố gắng tránh các đóa hư thung và khi nhảy mũi bàn chân phải đạp đúng vòng tròn của cánh hoa. Khi ở trên thung mà đạp sai sẽ bị ngã hoặc lảo đảo đứng không vững, do đó cần song luyện cả  nhãn lực cho tinh tường.

Sau khi đã luyện tập thành thục khiến bộ pháp trở nên chính xác hoàn hảo, người tập mới tiến hành đóng cọc gỗ xuống đất để luyện nhảy trên các cọc gỗ cứng chắc như các cánh hoa như đã vẽ trên mặt đất. Tập luyện trên Mai Hoa thung để rèn tấn pháp bộ pháp phối hợp tủ cướp tấn công phòng ngự hóa giải trên các cọc không được ngã xuống (nếu té ngã có thể mất mạng do cọc vạt nhọt, đao, thương ...bên dưới). Mai hoa thung pháp được luyện thành thục sẽ giúp cho người luyện có một bộ pháp linh hoạt, tấn pháp vững chắc, chuẩn xác. Những cuộc tỷ thí võ công trình độ cao trên các cọc gỗ đóng theo hình mai hoa rất nổi tiếng trong lịch sử võ lâm.

Theo Đời sống
back to top