Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa: Lần đầu tiên ghép thận thành công

Nhờ sự chuyển giao kỹ thuật từ tuyến TƯ (Bệnh viện Việt Đức) về địa phương, Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa đã thực hiện ghép thận cùng huyết thống thành công đầu tiên cho bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối.
ghép thận

Lễ chúc mừng bệnh nhân ghép thận đầu tiên ra viện tại Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa.

46 cán bộ đi học tập ghép thận

Bệnh nhân Nguyễn Thị Hà, 31 tuổi (Sơn Lư, Quan Sơn, Thanh Hóa) bị suy thận mạn giai đoạn cuối cách đây 2 năm, đã phải lọc máu chu kỳ 3 lần mỗi tuần, sức khỏe ngày càng yếu. Ngày 27/6/2018, mẹ đẻ chị đã cùng chị nhập viện cho chị quả thận để ghép. Ngày 29/6 ca mổ đã được thực hiện dưới sự chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện Việt Đức và kíp phẫu thuật của Bệnh viện đa khoa Thanh Hóa.

BSCKII Lê Văn Sỹ, Giám đốc BV cho biết, thành công của ca ghép thận này là nhờ sự chuẩn bị rất kỹ của BV  trong dự án “chuyển giao gói kỹ thuật ghép thận, triển khai ứng dụng kỹ thuật mới trong khám và chữa bệnh…” từ năm 2016 đến nay. Theo đó, ngoài việc chuẩn bị trang thiết bị, xây dựng phòng mổ lấy ghép thận đạt chuẩn…, BV đã cử 46 cán bộ (trong đó có 30 các bác sĩ của các chuyên khoa) đến BV Việt Đức học tập với tổng số 12 lớp, mỗi lớp từ 3 – 6 tháng.

BSCKII Tô Hoài Phương cho biết, sau thành công của ca bệnh đầu tiên này, tháng 8, bệnh viện sẽ tiếp tục ghép ca thứ 2, 3 dưới sự chuyển giao kỹ thuật của BV Việt Đức, sau đó sẽ cố gắng làm chủ kỹ thuật và đưa vào ghép thận thường quy.

Yếu tố quyết định phụ thuộc người cho thận

TS Trương Thanh Tùng, trưởng kíp ghép thận cho biết, ghép thận được thực hiện nhiều ở tuyến TƯ nhưng ở tuyến tỉnh có rất ít BV thực hiện được. Ghép thận rất tốt cho BN với tỷ lệ sống trên 1 năm là 95%. Tỷ lệ thận ghép còn hoàn động sau 5 năm là 70 – 80%. Sau 10 năm còn khoảng 50 – 60% . Sau ghép thận, BN có cuộc sống lao động bình thường 75%, đặc biệt đã có nhiều trường hợp kết hôn và sinh con sau khi ghép.

Người cho thận cũng không ảnh hưởng tới sức khỏe, bởi theo cơ chế bù trừ một quả thận vẫn có khả năng hoạt động như bình thường. Tuy nhiên, số BN được ghép vẫn chưa nhiều, nhiều BN vì không có ngồn thận ghép đã phải tử vong. Nguyên nhân của tình trạng này là do không có người cho thận, hoặc người cho không phù hợp…

Theo BSCKII Hán Thị Bích Hằng, Trưởng kíp điều trị sau ghép, khó khăn lớn nhất trong ghép thận là quả thận của người cho đưa sang người nhận phải phù hợp, nếu không, thận ghép sẽ bị đào thải. Vì vậy, công tác xét nghiệm có yếu tố quyết định 50% sự thành công của ca ghép. Có khi phải thử trên 5, 7 người cho mới tìm được 1 quả thận phù hợp.

Trên nguyên tắc người cho thận sẽ trải qua các khâu xét nghiệm để tìm hiểu nhóm máu, kiểu gene, sức khỏe và khả năng làm việc của quả thận sắp cho cũng như quả thận còn lại. Người cho thận phải có độ tuổi từ 18 – 60. Những người quá lớn tuổi (trên 65) thì không được lấy thận vì chức năng của chúng đã yếu, một quả ở lại không đủ đáp ứng khả năng lọc chất độc. Tuổi người cho tốt nhất là tương đương hoặc lớn hơn người nhận.

Quy định của Bộ Y tế không cho phép tiến hành lấy hoặc ghép thận cho các trường hợp bệnh ung thư; nhiễm khuẩn cấp chưa khống chế; rối loạn tâm thần chưa kiểm soát; bệnh cường giáp chưa điều trị ổn định… và phải thật cân nhắc với người mang bệnh tiểu đường. Những người mắc bệnh truyền nhiễm, phổi, tim mạch, cao huyết áp cũng không được cho thận vì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người khác.

Đặc biệt mạch máu thận của người cho không bị dị dạng để cắt nối tốt, trường hợp bị bệnh máu không đông thì tuyệt đối không được cắt thận vì dễ gây tử vong hoặc tai biến do mất máu…. Nghĩa là, không chỉ người được ghép, người cho cũng phải làm tới trên dưới 50 loại xét nghiệm khác nhau vì vậy rất khó khăn. Trường hợp này là của mẹ cho con, nên các xét nghiệm tương đối thuận lợi.

Theo BSCKII Lê Đình Vũ, Trưởng khoa ngoại tiết niệu, các nghiên cứu của các nước phát triển cho thấy, người cho thận, có tuổi thọ cao bằng những người bình thường khỏe mạnh, bởi họ có chế độ kiểm tra sức khỏe định kỳ nên luôn phát hiện và điều trị kịp thời nếu mắc một bệnh gì đó, do vậy tuổi thọ của họ không bị ảnh hưởng. Vì vậy, hãy cứu bệnh nhân bằng cách hiến tạng.

Thúy Nga

Theo Đời sống
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top