Biến chứng thần kinh của tay chân miệng đa dạng
Theo TS.BSCKII Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, cứ đến mùa nắng nóng, các bệnh liên quan thời tiết (như say nắng, cảm lạnh, tiêu chảy, viêm mũi - họng, viêm phổi, chốc lở, rôm sẩy...), các bệnh truyền nhiễm đường ruột (như tiêu chảy cấp, tiêu chảy nhiễm trùng, tả, lỵ, thương hàn...), các bệnh truyền nhiễm như tay - chân - miệng, cúm, bệnh do muỗi là trung gian truyền bệnh (sốt xuất huyết Dengue, viêm não...) gia tăng mạnh.
![]() |
Một bệnh nhi tay chân miệng có biến chứng nặng đang được theo dõi tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. |
Theo BSCKI Phạm Thái Sơn, Phó Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, tháng 4 và 5 là đỉnh dịch đầu tiên của bệnh tay chân miệng trong năm. Số ca tay chân miệng đang tăng rất nhiều. Trước đó, mới chỉ khoảng 10 ca điều trị mỗi ngày, nhưng hiện nay bệnh tay chân miệng nội trú là 20 - 30 ca/ngày. Số ca mắc tay chân miệng sẽ còn tiếp tục tăng lên, kéo theo đó là xuất hiện thêm những ca nặng, thậm chí độ IV với những biến chứng hô hấp - tuần hoàn nặng cần phải thở máy.
BSCKI Phạm Thái Sơn cảnh báo, đặc điểm của các ca tay chân miệng nặng hiện có biểu hiện biến chứng thần kinh đa dạng hơn những năm trước. Những năm trước, biểu hiện thần kinh có thể là giật mình, chới với, nhưng năm nay, những ca tay chân miệng có biểu hiện thần kinh nổi bật hơn như yếu liệt chi, rối loạn thần kinh tự chủ gây ra bí tiểu.
Hiện Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, đang điều trị một ca tay chân miệng độ III với biến chứng rối loạn hô hấp - tuần hoàn, tăng huyết áp và 5 bệnh nhi tay chân miệng bị biến chứng thần kinh.
Theo các chuyên gia, những ca tay chân miệng biến chứng thần kinh hoặc biến chứng hô hấp - tuần hoàn nếu được phát hiện và điều trị kịp thời, những biến chứng thần kinh từ từ hồi phục. Thời gian hồi phục từ 2 - 4 tuần sau đó.
Trẻ nhũ nhi mắc sốt xuất huyết nặng, hôn mê sâu
"Sốt xuất huyết hiện không phải vào mùa. Hiện trong Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM, đang điều trị 5 ca sốt xuất huyết, nhưng vẫn có những ca sốt xuất huyết đột nhiên trở nặng rất nhanh. Trong đó có một ca nhũ nhi (9 tháng tuổi, Tây Ninh) mắc sốt xuất huyết nặng, đang bị sốc sâu phải thở máy", BSCKI Phạm Thái Sơn cho biết.
Bé nhập viện trong Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM trong tình trạng khi mắc sốt xuất huyết ngày thứ ba, sốt cao liên tục, sốc, hôn mê sâu, mạch và huyết áp không đo được. Bé phải truyền dịch liên tục và diễn tiến rối loạn đông máu nhiều và phải truyền các chế phẩm máu như kết tủa lạnh, hồng cầu lắng, tiểu cầu, thở máu và truyền thuốc vận mạch…
![]() |
Một trẻ nhũ nhi mắc sốt xuất huyết nặng đang điều trị tại Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM. |
Khi bị sốt từ 2 ngày trở đi, cần đưa người bệnh đi khám để làm các xét nghiệm xác định trẻ có mắc sốt xuất huyết hay không để có hướng điều trị thích hợp và theo dõi các dấu hiệu: sốt cao liên tục khó hạ, nhức mỏi cơ thể, trên người nổi những chấm đỏ xuất huyết trên da hoặc nôn ói, đau bụng nhiều, chảy máu răng, chảy máu mũi, ói ra máu cầu phân đen, tay chân lạnh, vã mồ hôi…
Thời tiết nóng nắng, thứ ăn ôi thiu, dễ gây ngộ dộc
Theo TS.BSCKII Thu Hậu, thời tiết mùa hè là điều kiện để vi khuẩn hoạt động mạnh khiến thức ăn nhanh chóng bị ôi thiu và gây ra ngộ độc thức ăn, độc tố của vi khuẩn trong thức ăn sẽ phát tác trong khoảng từ 12 - 36 giờ và các triệu chứng gồm buồn nôn, nôn và tiêu chảy. Vi khuẩn E.coli, tác nhân chính gây ngộ độc thực phẩm thường có nhiều trong nước uống, rau sống, thịt nhiễm khuẩn.
Để phòng bệnh tiêu chảy, nên cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu để trẻ có các kháng thể bảo vệ từ mẹ.
“Ngoài ra trẻ còn có thể bị tiêu chảy do virus hay nhiễm trùng tiêu hóa do tả, lỵ, thương hàn…Khi tiêu chảy hay nôn ói, việc bù đủ lượng nước mất đi là rất quan trọng, cho trẻ uống dung dịch oresol chậm bằng thìa hay muỗng. Trong trường hợp bị nặng, trẻ khát nước nhiều, nôn ói nhiều, không uống được, mệt hay phân có máu, nên đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt”, TS.BSCKII Thu Hậu khuyến cáo.
Trẻ em và người già rất hay bị viêm nhiễm do có sức đề kháng yếu, nhất là khi họ đang bị tổn thương hoặc mắc bệnh nào đó, nguy cơ nhiễm vi khuẩn càng cao. Bảo đảm thực phẩm an toàn là điều rất quan trọng, đồng thời phải hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, không nên đưa họ tới bệnh viện hay chỗ đông người khi không thực sự cần thiết.
![]() |
Những trường hợp sốt kèm giật mình nhiều, sốt kèm nôn ói nhiều, sốt kèm yếu tay chân, đi loạng choạng, run tay chân… cần đưa đến bệnh viện ngay lập tức. |