Bệnh nhân ung thư không tự ý sử dụng chè đắng

(khoahocdoisong.vn) - Tuy thành phần trong chè đắng rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải ai cũng uống được và nếu lạm dụng có thể làm thương tổn khí của tì vị.

Bạn Nguyễn Phương Phúc (Phú Thọ) và nhiều bạn đọc viết thư về Tòa soạn hỏi, nhiều người dân uống trà đắng thay nước nói là rất tốt cho sức khỏe, giúp khỏe mạnh và trường thọ nhưng không rõ thành phần và công dụng thực sự của nó. Uống nhiều có hại gì không? Có phòng ngừa và điều trị được tai biến mạch máu não và ung thư như đồn thổi không?

Cây chè đắng.

Cây chè đắng.

Trả lời về vấn đề này, ThS Hoàng Khánh Toàn, nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, trong vài năm gần đây chè đắng được các nhà khoa học chú ý nghiên cứu khá sâu và đồng thời được bày bán rộng rãi trên thị trường Đông dược với những lời quảng cáo khá hấp dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế, chè đắng vẫn là cây thuốc dân gian, những nghiên cứu về tác dụng dược lý và lâm sàng vẫn chưa đầy đủ và thật sự có hệ thống, bởi vậy việc nắm vững công dụng của chúng là rất cần thiết.

Chè đắng, còn gọi là chè vua, chè khôm, khổ đinh trà, đại diệp trà, vương trà, nhất diệp thanh, thọ trà, mỹ dung trà, đa la thu... được chế biến từ lá của loài Ilex kudincha C.J. Tseng và một số loài khác trong chi Ilex, thuộc họ Trâm bùi (Aquifoliaceae). Cây chè đắng mọc ở vùng đá vôi thuộc tỉnh Cao Bằng và một số địa phương khác ở nước ta có tên là Ilex kaushue S.Y.Hu. Đây là một loại cây gỗ cao chừng 6 - 20m, lá được dùng làm thuốc và hãm nước uống từ cách đây 2.000 năm.

Chè đắng thành phẩm.

Chè đắng thành phẩm.

Theo các y thư cổ như Bản thảo cương mục, Bản thảo tái tân, Bản kinh phùng nguyên, Bản thảo cầu nguyên, Cương mục thập di... chè đắng vị đắng ngọt, tính rất lạnh, vào được ba đường kinh can, phế và vị, có công dụng tán phong nhiệt, thanh đầu mục, trừ phiền khát, tiêu thực hóa đàm và hoạt huyết, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như đầu thống (đau đầu), nha thống (đau răng), mục xích (đau mắt đỏ), lỵ tật (kiết lỵ), nhiệt bệnh phiền khát (hội chứng rối loạn nước và điện giải trong những bệnh lý có sốt), nhĩ lung và nhĩ minh (tai ù, tai điếc), nhĩ nùng (tai chảy mủ), thực tích (rối loạn tiêu hoá gây chậm tiêu, đầy trướng...), sang thương (vết thương, viêm loét)...

Nghiên cứu hiện đại cho thấy, thành phần chính trong lá chè đắng là saponin tritecpen (từ 5,1 - 5,5%), đây là nhóm chất có nhiều tác dụng sinh học như tăng lực, tăng cường miễn dịch, kích thích thần kinh, chống viêm, hạ cholesterol máu, hạ huyết áp, tác dụng nội tiết sinh dục, phòng chống loãng xương, lợi tiểu... Ngoài ra, trong lá chè đắng còn có flavonoid là nhóm chất có tác dụng chống oxy hoá khử, làm tăng độ bền thành mạch, làm giảm nguy cơ tai biến mạch máu ở người có tuổi và hợp chất carotenoid là những chất hiện nay được dùng để điều trị các khối u lành và ác tính.

Điều này giải thích vì sao kinh nghiệm dân gian cho rằng dùng chè đắng có thể làm tăng cường sức khoẻ và kéo dài tuổi thọ. Tuy nhiên, ở nước ta, chưa có các công trình nghiên cứu đủ sức thuyết phục trên thực nghiệm cũng như lâm sàng để khẳng định vấn đề này. Hơn nữa, theo y học cổ truyền, chè đắng tính rất lạnh, được xếp vào nhóm thuốc thanh nhiệt (thuốc bệnh) nên khi dùng dài ngày, tuỳ đặc điểm thể chất và bệnh tật của từng người, rất cần có sự tư vấn của thầy thuốc có chuyên khoa. Về liều dùng, mỗi ngày hãm hoặc sắc uống từ 3 - 12g, không nên lạm dụng.

Với người bệnh ung thư, tai biến mạch máu não, suy giảm khả năng tình dục... tuyệt đối không nên tự ý sử dụng chè đắng điều trị vì thuốc thanh nhiệt dễ làm thương tổn khí của tì vị. Khi sử dụng nếu thấy có biểu hiện bất thường cần thông báo cho bác sĩ.

ThS Hoàng Khánh Toàn (nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học Cổ truyền, Bệnh viện T.Ư Quân đội 108)

Theo Đời sống
back to top