Bé trai suýt chết vì uống thực phẩm chức năng giống oresol

Một số loại thực phẩm chức năng có tác dụng bù nước điện giải, được quảng cáo tốt hơn oresol thông thường, nhưng lại gây nguy hiểm cho tính mạng của trẻ.

PGS Nguyễn Tiến Dũng (khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội) cho biết cơ sở y tế này vừa tiếp nhận một bé trai 11 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng sốt cao, co giật do bị mất nước trầm trọng. Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ đã chỉ định chọc dịch não tủy để loại trừ khả năng viêm não.

Kết quả cuối cùng cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là trẻ bị tiêu chảy, mất nước nghiêm trọng, bù nước và điện giải tại nhà không đủ.

Theo PGS Dũng, đây là trường hợp thứ ba ở trong độ tuổi từ 6 tháng đến 1,5 tuổi bị tiêu chảy nhập viện gần đây do mất nước rất nặng. Trong số đó, một trường hợp đã tử vong, một trường hợp nhập viện bị hôn mê, đáng nói là cả ba trẻ này đều uống thực phẩm chức năng giống oresol.

Tại đây, mẹ cháu bé được quầy thuốc bán cho một gói bột có tác dụng bù nước điện giải và một chai nhựa 200 ml có ghi chữ oresol.Hiện tại, sau một tuần nằm viện, sức khỏe bé trai đã ổn định và qua cơn nguy kịch. Theo chia sẻ của người mẹ, cách đây hơn một tuần, cháu bé bị đi ngoài nhiều lần, nghĩ con bị tiêu chảy nên người mẹ này đã ra quầy thuốc mua oresol về bù nước cho con.

Về nhà, người mẹ này pha nước oresol vào bình bú cho con uống liên tục trong 2 ngày, nhưng tình trạng không đỡ, cháu bé bị tiêu chảy, đi ngoài hơn 10 lần/ngày, kèm theo đó là sốt cao, mệt lả, da nhợt nhạt… Khi đó, gia đình mới đưa trẻ vào Bệnh viện Y học cổ truyền, sau đó chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.

Cũng theo thông tin người mẹ cung cấp, khi con phải đi viện cấp cứu, chị mới biết chai nước oresol và gói bột mua trước đó có ghi dòng chữ thực phẩm chức năng, thực phẩm bổ sung trên nhãn, chứ không phải thuốc.

PGS Dũng cảnh báo hiện trên thị trường xuất hiện một số loại thực phẩm chức năng có tác dụng bù nước điện giải, được quảng cáo tốt hơn cả oresol thông thường. Tuy nhiên, loại này sẽ không giải quyết được tình trạng tiêu chảy mất nước, mà còn gây nguy hiểm cho tính mạng trẻ nhỏ.

Khi bị tiêu chảy, bệnh nhân phải uống oresol theo chỉ định của bác sĩ để bù nước, điện giải. Trường hợp sử dụng thực phẩm chức năng để thay thế oresol rất nguy hiểm.

Các ống dung dịch bù nước được chủ quầy thuốc giới thiệu thay thế oresol có thể có các chất phụ gia như tạo màu, mùi vị cho trẻ dễ uống nhưng không được sản xuất theo tiêu chuẩn của thuốc không thể nào đạt tiêu chuẩn điều trị bệnh. Thành phần ghi trên ống dung dịch này giống với thành phần thuốc hoặc dung dịch bù nước điện giải thông thường khác nên khiến nhiều người nhầm lẫn.

Bác sĩ Dũng khuyến cáo các phụ huynh cần mua thuốc theo đúng đơn của bác sĩ cấp, đọc kỹ hướng dẫn cách dùng, liều lượng của thuốc oresol nếu không sẽ gây tác dụng ngược.

Nếu đã bù oresol đường uống đúng cách mà trẻ vẫn nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước (mệt, khát, tiểu ít...), cha mẹ cần đưa bé đến viện để bác sĩ khám, chỉ định bù nước bằng truyền dịch, phòng nguy cơ mất nước.

Theo news.zing.vn
Xước da bệnh nhân 52 tuổi nguy kịch vì uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Cứu bệnh nhân 52 tuổi bị uốn ván nặng kèm thuyên tắc phổi

Người dân không nên chủ quan với bệnh uốn ván, khi gặp các vết thương cần phải chủ động tiêm ngừa. Trong trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cần sớm đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời, tránh những diễn biến nguy hiểm.
Bệnh dại lây qua đường nào?

Bệnh dại lây qua đường nào?

Đường lây bệnh dại phổ biến nhất là do bị động vật dại cắn, bên cạnh đó bệnh còn có thể lây từ nước bọt của chó, mèo dại hoặc động vật khác mắc bệnh do cào hoặc liếm vào vết thương, vùng da bị trầy xước của cơ thể.
back to top