Bê bối trứng gà nhiễm chất độc Fipronil ở Châu Âu

Trước bê bối trứng gà nhiễm chất độc Fipronil ở một số nước châu Âu, rất nhiều người dân Việt Nam thắc mắc về độc chất Fipronil, cách nhận biết trứng gà bị nhiễm khuẩn, nhận biết trứng gà ngon…

Không thấy có trứng gà nhập khẩu

Ngày 13/8, tại Big C Thăng Long (Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội), khu vực bán trứng khá tấp nập người mua. Trong vai người mua hàng, phóng viên báo KH&ĐS ghi nhận quầy bán trứng tại Big C khá đa dạng từ trứng gà, trứng vịt, trứng cút. Riêng với trứng gà cũng đủ loại từ trứng gà ta, trứng gà quê, trứng gà công nghiệp, trứng gà H’ Mông, thậm chí còn có cả trứng gà được quảng cáo là giàu dinh dưỡng như trứng gà Omega3, trứng gà DHA… Các loại trứng này đều được sản xuất trong nước mang thương hiệu Ba Huân, Dabaco…

Mức giá của các loại trứng từ 28.000 – 65.000/chục quả. Trứng được đựng trong giỏ tre, hộp nhựa có nhãn mác với các thông tin về nơi đóng gói và sản xuất, hướng dẫn bảo quản, hạn sử dụng của trứng… Tùy theo nhà sản xuất, cách bảo quản và nhiệt độ bảo quản trứng sẽ có hạn sử dụng khác nhau từ 15 – 40 ngày.

Theo giải thích của nhân viên bán hàng, trứng tại đây, chủ yếu được sản xuất tại miền Bắc, xa nhất là miền Nam chứ không có trứng nhập khẩu nước ngoài. Lý do là bởi trứng gà là loại có thời gian bảo quản ngắn, hơn nữa trứng gà sản xuất trong nước khá phong phú và có chất lượng tốt, giá hợp lý. Theo quan sát của KH&ĐS, khi mua trứng, khách hàng đều tập trung tìm hiểu thông tin về giá thành, loại trứng (gà ta, gà công nghiệp…), không có ai hỏi trứng nhập khẩu.

Tương tự, tại siêu thị Fivi Mart (Mỹ Đình, Hà Nội), trứng được bày bán trong một khu riêng với các loại trứng Việt, không có trứng nhập khẩu. Trứng ở đây bao gồm  trứng gà ta, trứng gà ta quê, trứng gà công nghiệp an toàn… mức giá từ 28.000- 42.000 đồng/chục quả.

Không thấy có trứng gà nhập khẩu tại các siêu thị

Fipronil được dùng tràn lan ở Việt Nam

Theo TS Phạm Thị Khoa, nguyên trưởng khoa Hóa Thực nghiệm, Viện sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ, hóa chất Fipronil là chất diệt côn trùng độc loại II (2) theo bảng phân loại chất độc của Tổ chức y tế thế giới WHO. Nếu dùng, WHO chỉ cho phép dưới dạng bả với liều lượng hoạt chất chỉ từ 0,1 – 0,5% (Theo Danh mục các hoạt chất được sử dụng trong y tế và gia dụng năm 2006.1), không dùng dưới dạng phun.

Các tài liệu cũng cho thấy, Fipronil là chất độc có tác động lên hệ thần kinh của côn trùng và động vật như thằn lằn, chuột… nên khi sử dụng để làm thuốc bảo vệ thực vật hay côn trùng sẽ hiệu quả cao vì làm chúng chết nhanh. Hiện Châu Âu cấm chất này vì có độ độc cấp tính và có thể gây ung thư, suy thận và các cơ quan nội tạng. Hay nói cách khác, chất này không được có trong cơ thể người và động vật.

Đối với Việt Nam, hiện đang chủ yếu sử dụng hóa chất diệt côn trùng độc loại III (3), tuy nhiên chất Fipronil vẫn được dùng, thậm chí sử dụng một cách tràn lan trên thị trường. Chất này được dùng phổ biến trong những sản phẩm, hóa chất diệt mối, gián, kiến, phun muỗi… Tất cả hầu hết đều được phép sử dụng với nhiều tên thương mại khác nhau như King Fip, Tedomi, Gado…

Hiện nay nhiều loại côn trùng cũng như muỗi đang có tính kháng với các hóa chất thuộc nhóm hoa cúc tổng hợp (độc loại III) nên việc sử dụng hóa chất Fipronil (độc loại II) ngày càng nhiều, nhất là khoảng 2 năm trở lại đây. Đặc biệt giai đoạn này đang có muỗi sốt xuất huyết nên chất này được pha cùng với thuốc ở một số điểm phun muỗi tự phát để diệt muỗi chết ngay.

PGS.TS Phạm Thị Khoa nhấn mạnh, “Đây là hóa chất tồn lưu nên chúng lưu lại lâu trong không gian, đồ dùng, phát tán trong môi trường nên gây độc. Hơn nữa, chất này không có mùi, diệt con trùng nhanh gọn nên người dân thường thích, còn người bán được tiếng mang lại quả cao. Nhưng chính điều gây nên những nguy cơ nhiễm độc nặng cho con người”.

Chất Fipronil vẫn được dùng, thậm chí sử dụng một cách tràn lan trên thị trường.

Đối với chăn nuôi, hóa chất Fipronil được dùng trong các sản phẩm xử lý chuồng trại như diệt côn trùng như mạt hút máu, ve rận, bọ chét… Gà là loài thường hay gặp các côn trùng này nên có thể bị nhiễm do yếu tố trên. Khi phun, chất này ngấm vào thức ăn cũng như qua da, sau đó vào máu, nội tạng và qua trứng. Người ăn theo hệ chuỗi thức ăn từ gia cầm cũng bị nhiễm độc.

Chưa được chú ý trong kiểm nghiệm trứng

Ở góc độ là người thường xuyên làm mảng thí nghiệm, kiểm nghiệm thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam, TS Phạm Kim Đăng, Trưởng phòng Phân tích, Khoa Chăn nuôi và Nuôi trồng thủy sản cho hay, từ trước đến nay chất Fipronil không được để ý trong trứng gia cầm bởi chưa có tình trạng phát hiện ra như ở các nước phát triển. Vì thế, nếu ở góc độ chăn nuôi để nói về chất này rất ít thông tin.

Tuy nhiên, là chất mới nên nếu kiểm nghiệm chất này cũng cần một thời gian nhất định. Khi có thông tin này, các cơ quan chức năng cần vào cuộc cũng như làm các kiểm nghiệm nhằm mang kiểm soát cũng như có những câu trả lời khoa học đến người dân để tránh tình trạng hoang mang, lo lắng.

Chuyên gia Dương Thị Thu Anh, Phòng Phân tích Thức ăn và Sản phẩm chăn nuôi cũng cho hay, từ trước đến nay phòng bà chưa phân tích chất này dù mới đây nghe thấy thấy nói về chất này ở các phương tiện thông tin đại chúng.

Hạn chế nhiễm khuẩn không khó

TS Nguyễn Thu Minh, chuyên viên công nghệ sinh học, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, cho biết, vỏ trứng bao gồm một hệ thống hàng rào bảo vệ trứng: các lớp biểu bì, vỏ, màng vỏ, albumin của lòng trắng trứng. Khi trứng vừa mới đẻ trên bề mặt vỏ có một lớp protein gọi là lớp biểu bì. Lớp biểu bì này bao phủ, bịt kín những lỗ hổng để giảm thiểu sự xâm nhập của vi khuẩn.

Trường hợp nếu lớp biểu bì mỏng, các lỗ hổng quá lớn, hoặc trong quá trình vận chuyển, lớp vỏ bị nứt vỡ nhẹ (có thể mắt thường không nhìn thấy) thì vi khuẩn sẽ xâm nhập vào trong trứng thông qua những khe hở và lỗ hổng của vỏ. Tuy nhiên, lớp màng sát vỏ trứng sẽ tiếp tục ngăn chặn vi khuẩn xâm nhập và lòng trắng trứng. Ngoài ra trong lòng trắng trứng cũng chứa một số các hợp chất tự nhiên có thể tiêu diệt vi khuẩn. Về nguyên lý, trứng có thể được bảo quản vài tuần mà không hỏng.

Nhưng trong thực tế, khi số lượng vi khuẩn quá lớn hệ thống phòng vệ tự nhiên của trứng không thể ngăn chặn được sự xâm nhập thì trứng sẽ hỏng. Bởi lẽ, khi số lượng vi khuẩn trên bề mặt của vỏ trứng quá lớn sẽ tăng cơ hội để vi khuẩn xâm nhập vào quả trứng. Chính những vi khuẩn này sử dụng các chất dinh dưỡng có trong trứng để nhân lên, phá hủy phôi trứng và sản sinh ra các những chất độc hại (trứng thối).

Ông Nguyễn Văn Tiến, Công ty CP Gia cầm Tiến Đạt, xã Liên Hà, huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết, để hạn chế trứng gà nhiễm khuẩn, về phía người chăn nuôi phải thu thập trứng thường xuyên ngay khi gà đẻ để giảm thiểu thời gian mà trứng tiếp xúc với môi trường ô nhiễm; vệ sinh khu vực đẻ trứng; chuyển trứng sau khi đẻ vào nơi mát mẻ càng sớm càng tốt…

Ngoài ra, nên sử dụng các biện pháp vệ sinh, khử trùng vỏ trứng, dùng khay bảo quản để giảm thiểu số lượng trứng vỡ hoặc nứt. Với người tiêu dùng, khi mua cần chọn trứng không nứt vỡ, tránh lau chùi làm trầy xước vỏ trứng sẽ ảnh hưởng đến sự nguyên vẹn của vỏ; chọn những quả trứng mới đẻ còn phấn sẽ tăng cường lớp bảo vệ, kéo dài thời gian vi khuẩn có thể xâm nhập. Khi mua trứng về nên bảo quản lạnh ngay để hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.

 “Dù WHO khuyến cáo chỉ dùng dưới dạng bả với liều lượng 0,1-0,5% nhưng  ở nước ta hiện nay, hóa chất này không chỉ dùng ở dưới dạng bả mà còn dùng ở dạng dung dịch phun, nguy hiểm nhất là phun trong nhà”, PGS.TS Phạm Thị Khoa. 

Kể từ khi vụ bê bối trứng nhiễm Fipronil bị phanh phui hôm 1/8, đến nay sản phẩm trứng bị nhiễm Fipronil đã bị phát hiện tại 16 quốc gia châu Âu, thậm chí lan sang cả thị trường châu Á là Hong Kong (Trung Quốc). Hàng triệu quả trứng và các sản phẩm làm từ trứng đã đồng loạt bị rút khỏi kệ hàng tại các siêu thị châu Âu. Vụ việc được cho là bắt nguồn từ Hà Lan sau khi một công ty của nước này là Chickfriend sử dụng Fipronil tại các trang trại gia cầm để diệt bọ đỏ ký sinh trên gà. Poultry-Vision, một công ty của Bỉ, thừa nhận đã cung cấp thuốc trừ sâu Fipronil cho Chickfriend từ một nguồn cung ở Rumani. Fipronil được sử dụng phổ biến trong các sản phẩm thú y để loại bỏ bọ chét, rận và ve, nhưng bị EU cấm sử dụng cho các loại động vật làm thực phẩm cho con người, như gà bởi hóa chất này có thể gây ra bất thường của gan, thận và tuyến giáp, thậm chí với liều tiêu thụ lớn ở người có khả năng gây động kinh và tử vong.

(theo The Guardian – Anh)

Nhóm phóng viên

Theo Đời sống
back to top